Đa dạng sinh học tại vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát

03/01/2014 10:10 GMT+7

Vườn quốc gia (VQG) Lò Gò- Xa Mát (Tây Ninh) thú vị bởi nó mang nét đa dạng sinh học đặc trưng của vùng rừng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long - nơi duy nhất của VN có hệ sinh thái này.

Đa dạng sinh học tại vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát
Cò nhạn di cư tại khu vực bán ngập trảng Tà Nốt - Ảnh: Giang Phương

Với diện tích hơn 18.803 ha, VQG Lò Gò – Xa Mát nằm trên địa bàn 4 xã Tân Lập, Tân Bình, Hòa Hiệp, Thạnh Tây thuộc H.Tân Biên (Tây Ninh), gồm 16 tiểu khu phân thành 3 phân khu chức năng. Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích hơn 8.669,6 ha, hơn 10 ha là phân khu phục hồi sinh thái và 125 ha thuộc khu hành chính dịch vụ. Từ TX.Tây Ninh (nay là TP.Tây Ninh) mất khoảng hơn 30 phút đi xe máy là có thể đến khu rừng mang nhiều nét đặc trưng riêng này. Trong đó, thảm thực vật rừng dạng khảm giữa rừng bán rụng lá, rừng rụng lá trên đất thấp và các dải hẹp rừng thường ven sông suối và rừng tràm. Ngoài ra, gần biên giới với Campuchia còn có dải đồng cỏ đất lầy với các thảm cói lác.

Theo Ban quản lý VQG, sự đa dạng và phong phú của VQG Lò Gò – Xa Mát là sự hiện diện của 694 loài thực vật có ý nghĩa khoa học và kinh tế phân bố khắp khu rừng. Trong đó có 158 loài cây thuốc nam; 58 loài cây cho gỗ; 21 loài cây làm cảnh; 10 loài cây thực phẩm; 7 loài cây dùng làm rau xanh. Đặc biệt hơn, VQG có các quần thể động vật quan trọng với 29 loài thú trong đó nhiều loại quý hiếm như voọc chà vá chân đen, voọc bạc Đông Dương, khỉ mặt đỏ, gấu ngựa, sói đỏ và sói vàng, cu li nhỏ), khỉ đuôi lợn…; 149 loài chim, 56 loài bò sát, 23 loài ếch nhái, 88 loài cá vá 128 loài côn trùng.... Theo Ban quản lý VQG, hằng năm, VQG kết hợp với Viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM, Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM tiếp tục điều tra, phát hiện, bổ sung và bảo tồn các loài động, thực vật đặc hữu quý hiếm hiện có trong VQG. Trong đó, VQG đã phát hiện thêm loài phong lan mới của thế giới được đặt tên khoa học là Dendrobium minusculum Aver; phát hiện quần thể chà vá chân đen-loài đặc hữu của Đông Dương, le khoang cổ, hạc cổ trắng…đều có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Ngoài ra, nhiều loài thực vật mới cũng được phát hiện như dầu đồng, thủy nữ hoa đỏ, cây nắp ấm. Đây là lần đầu tiên sau 100 năm mới phát hiện được loài này trong môi trường tự nhiên trên thế giới.

Ghi nhận của PV Thanh Niên, điều thú vị khi đến khu VQG là đi vào khu vực bán ngập ở trảng Tà Nốt tận mắt ngắm nhìn hệ sinh thái đầy cỏ năng, lác với nhiều loài chim quý di cư đến như sếu đầu đỏ, cò nhạn. Hàng năm, khoảng tháng 6 đến tháng 11, đàn cò nhạn (còn gọi là cò ốc- thức ăn chủ yếu là ốc) lên đến hơn 1.000 con di cư từ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về trú ngụ tại khu vực bán ngập ở trảng Tà Nốt . Đây là loài cò thuộc họ Hạc có tên trong Sách đỏ VN, thuộc bậc R (hiếm) đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Theo Ban quản lý VQG, trước đây khu rừng Lò Gò-Xa Mát được chú ý như một di tích lịch sử và văn hoá hơn là những giá trị đa dạng về tài nguyên sinh học. Hiện nay những giá trị tài nguyên đa dạng về sinh học của khu rừng này ngày càng phát triển và đang trở thành một hệ sinh thái rừng Đông Nam Bộ đặc trưng. Với vị trí địa lý đặc thù, VQG Lò Gò-Xa Mát có nguồn tài nguyên thiên nhiên và có tiềm năng to lớn để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa về nguồn.

Ghi nhận những thành tích trong công tác bảo vệ và phát triển đa dạng hệ sinh thái rừng, vừa qua, tập thể Ban quản lý VQG Lò Gò – Xa Mát và ông Nguyễn Đình Xuân, nguyên Giám đốc VQG (nay là Giám đốc sở TN-MT Tây Ninh) vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng ba do Chủ tịch Nước trao tặng vì có thành tích xuất sắc trong công tác từ 2008-2012.

Giang Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.