Công ty chứng khoán cạnh tranh gay gắt

22/12/2007 01:40 GMT+7

Từ đầu tháng 11.2007 đến nay đã có thêm 30 công ty chứng khoán (CTCK) mới, nâng tổng số CTCK có mặt trên thị trường lên gần 100. Cuộc cạnh tranh giữa các CTCK đang ngày càng gay gắt.

Giảm phí

Theo ước tính của tổng giám đốc một CTCK tại TP.HCM, chi phí thuê mặt bằng cho một chi nhánh ở trung tâm TP.HCM ít nhất cũng phải từ 70 triệu đồng/tháng. Còn nếu mở sàn lớn ở các cao ốc văn phòng thì giá thuê phải khoảng 100 triệu đồng/tháng trở lên. Ngoài ra, lương nhân viên nếu tính trung bình 5 triệu đồng/người/tháng thì một chi nhánh có khoảng 30 nhân viên cũng phải chi ra 150 triệu đồng/tháng; khấu hao máy móc, phần mềm trên 50 triệu đồng/tháng... Tổng chi phí cho một CTCK tối thiểu phải là 300 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể mỗi CTCK dù mới cũng phải có từ 2 chi nhánh trở lên. Nguồn thu của các CTCK từ phí môi giới, tư vấn tài chính cho doanh nghiệp và mảng tự doanh. Trong đó, mảng môi giới và tự doanh là nguồn chủ yếu. Vài tháng trở lại đây thị trường "lình xình", số lượng nhà đầu tư (NĐT) mới tham gia vào lĩnh vực này vẫn không nhiều nên các CTCK ra đời sau khá vất vả trong việc thu hút NĐT. Theo một số chuyên gia, có đến hơn 50% thị phần môi giới đang thuộc về khoảng 5 CTCK lớn và số còn lại chia cho các CTCK nhỏ và ra đời sau.

Các CTCK đang ra sức cạnh tranh bằng cách giảm phí môi giới, thậm chí có công ty còn miễn phí môi giới trong vài tháng đầu cho khách hàng. Nếu như mức phí giao dịch của những CTCK lâu đời từ 0,3 - 0,5% giá trị giao dịch thì nhiều CTCK mới chỉ thu phí ở mức 0,2% hoặc 0,15% cho mỗi lần giao dịch. Thế nhưng, điều này cũng chưa đủ để lôi kéo NĐT. Anh Thanh - một NĐT ở sàn SSI - cho biết đã quen với không khí ở sàn này nên dù phí giao dịch nơi khác thấp hơn cũng không chuyển sàn. Hơn nữa, đến sàn quen có người quen để trao đổi thông tin, tìm hiểu thêm về thị trường sẽ tốt hơn là đến một nơi toàn người lạ. Với nhiều NĐT, phí giao dịch không phải là vấn đề quan trọng mà chính là chất lượng dịch vụ của CTCK có đáp ứng được mong muốn của họ hay không. Anh Thanh ví von: "Đến sàn nào mà được tư vấn sẽ tốt hơn là tự bơi. Giống như khi mình đi chợ mà được tư vấn mua thịt ngon, mớ rau tươi thì sẽ thích người bán hàng đó hơn cho dù giá đắt hơn một tí".

Bên cạnh đó, mảng tự doanh của các CTCK mới cũng không phải là "dễ ăn" khi thị trường luôn diễn biến phức tạp, khó dự đoán. Nhiều CTCK đã bắt đầu xin tăng vốn điều lệ để đủ sức cạnh tranh trong giai đoạn khó khăn này. Ví dụ CTCK FPT đã được cấp phép tăng vốn điều lệ từ 200 tỉ đồng lên 440 tỉ đồng; CTCK Sài Gòn tăng từ 500 tỉ đồng lên 800 tỉ đồng; CTCK Hải Phòng tăng từ 50 tỉ đồng lên 112,8 tỉ đồng; CTCK Ngân hàng Sacombank tăng từ 500 tỉ đồng lên 1.100 tỉ đồng; CTCK Ngân hàng Á Châu cũng tăng gấp đôi, lên 500 tỉ đồng...

Săn lùng nhân sự chất lượng cao

Một trong những cách thức cạnh tranh mà các CTCK đang hướng đến là đầu tư cho công nghệ để có thể cung cấp các dịch vụ giao dịch trực tuyến, giao dịch qua điện thoại hay điện thoại di động... Những CTCK có khả năng tài chính cao đã và đang trang bị những phần mềm "ngoại" với chi phí từ 1 triệu USD trở lên. Còn những CTCK mới hoặc quy mô nhỏ hơn thì chọn phần mềm "nội" với giá chỉ vài trăm triệu đồng. Hiện nhiều CTCK đã bắt đầu cung cấp dịch vụ tra cứu tài khoản chứng khoán, số dư qua mạng; đặt lệnh qua điện thoại hoặc giao dịch qua mạng internet... Tuy nhiên, chất lượng của các dịch vụ này vẫn chưa cao và chưa mở rộng cho đại đa số NĐT. Ngoài ra, một số CTCK cũng đẩy mạnh việc liên kết với các ngân hàng để cung cấp cho NĐT dịch vụ tài chính trọn gói cũng như thực hiện dịch vụ cho vay, cầm cố chứng khoán...

Theo một chuyên gia tài chính chứng khoán, trong vòng 2 năm tới, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa phát triển mạnh về giao dịch "không sàn" do tâm lý, thói quen của NĐT và cả hạ tầng công nghệ chung chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của NĐT. Do đó yếu tố then chốt để tạo nên sự thành công của các CTCK hiện nay vẫn là có đội ngũ nhân sự giỏi, cung cấp được dịch vụ tư vấn tốt, có uy tín để giúp cho NĐT an tâm khi mở tài khoản và giao dịch tại đây. Một cuộc săn lùng nhân sự chất lượng cao giữa các CTCK đang diễn ra căng thẳng và mức lương trung bình hiện nay của ngành này đã tăng khoảng 50% so với đầu năm. Việc thiếu hụt nhân sự cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều CTCK phải mất một thời gian khá lâu sau khi nhận được giấy phép hoạt động mới khai trương. Thế nhưng, tất cả những khó khăn đó vẫn không làm chùn bước các công ty, tập đoàn khi hồ sơ xin thành lập CTCK hằng ngày vẫn đều đặn được gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Mức độ cạnh tranh giữa các CTCK vốn đang rất khốc liệt hiện nay sẽ còn tăng lên.

M.P

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.