Ăn bột ngọt lậu, hậu quả khó lường

10/12/2011 00:13 GMT+7

Bột ngọt không nhãn mác, không rõ chất lượng và nguồn gốc xuất xứ vẫn vô cùng “hút hàng” khi người dân cứ “vô tư” sử dụng mà không biết rằng hậu quả khôn lường đang rình rập họ.

Bột ngọt không nhãn mác, không rõ chất lượng và nguồn gốc xuất xứ vẫn vô cùng “hút hàng” khi người dân cứ “vô tư” sử dụng mà không biết rằng hậu quả khôn lường đang rình rập họ.

Rảo bước một vòng quanh các sạp tạp hóa của chợ Lao Bảo và Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, vào vai khách mua hàng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi thấy bột ngọt nhập lậu được bày bán nhan nhãn khắp nơi. Chị Dung, một chủ sạp tại chợ Lao Bảo, khoe: “Bột ngọt ni bán tốt lắm em ơi, ở đây người ta ưng cái ni vì nghe đâu nó ngọt hơn nên dù mắc nhưng xài tiết kiệm hơn”. Hỏi ra mới biết giá 1 gói 500 gr này khoảng 28.000 - 29.000đ, so với giá các loại bột ngọt có thương hiệu khác trên thị trường thì dù mắc hơn khoảng 2.000 - 3.000đ nhưng nó vẫn rất được người dân ở đây “ưa chuộng” vì được quảng cáo là “bột ngọt ngoại”.

Xem qua bao bì một gói bột ngọt nhãn hiệu “Cái Muỗng”, chúng tôi không khỏi lo ngại vì toàn bộ những thông tin đều được ghi bằng tiếng nước ngoài và cũng không có bất kỳ nhãn phụ nào của đơn vị nhập khẩu vào Việt Nam, không ghi hạn sử dụng cũng như ngày sản xuất. Tình hình càng đáng báo động hơn khi không chỉ các chợ ở Quảng Trị mà Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng... đâu đâu cũng thấy bày bán “nửa kín nửa hở” loại bột ngọt nhập lậu này.  Thực tế cho thấy thị phần của loại bột ngọt nhập lậu tại miền Trung rất cao, chẳng hạn như ở Huế (chợ Đông Ba, chợ An Cựu, chợ Tây Lộc, chợ Bến Ngự, chợ Phú Bài…) chiếm đến 56%, Quảng Trị (chợ Lao Bảo, chợ Mỹ Chánh, chợ Đông Hà, chợ Quảng Trị, chợ Cam Lộ, chợ Cầu, chợ phường 3, 4, 5…) lên tới 68%.

 
Lực lượng chức năng phát hiện, xử lý lô hàng bột ngọt “trôi nổi” ở miền Trung - Ảnh T.T

Vừa qua, các cơ quan chức năng khu vực miền Trung đã truy quét và bắt 178 vụ buôn bán bột ngọt nhập lậu. Đó thật ra cũng chỉ là “bề nổi” khi mà tình hình buôn bán hàng lậu vẫn còn diễn biến phức tạp.

Trong khi đó theo Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm (thuộc Sở KH-CN TP.HCM), kết quả phân tích 3 mẫu bột ngọt nhập lậu mang nhãn hiệu “Cái Muỗng” đã cho thấy hàm lượng bột ngọt tinh khiết monosodium glutamate chỉ có khoảng 98,7%; 98,2% và 98,6%. (Trong khi TCVN 1459:2008 quy định hàm lượng tinh khiết của monosodium glutamate của bột ngọt đảm bảo chất lượng phải lớn hơn 99%).

Đánh giá về chất lượng cũng như những nguy hại tiềm tàng của loại bột ngọt nhập lậu này, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Kiều, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TP.HCM, nhận định: “Loại bột ngọt nhập lậu bất hợp pháp không rõ nguồn gốc xuất xứ nên chắc chắn không kiểm soát được chất lượng đầu vào và không thể xác định được độ tinh khiết của sản phẩm và lượng hóa chất, tạp chất bị nhiễm trong đó. Hơn nữa, khi đóng gói lại bằng phương pháp thủ công, người đóng gói và nhà xưởng hầu như không đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, sản phẩm dễ bị nhiễm các vi sinh gây bệnh đường tiêu hóa. Người tiêu dùng không nên sử dụng những loại bột ngọt không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, hạn sử dụng, vì nó không đảm bảo các an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể gây nguy hại cho sức khỏe”.

Nhưng hiện nay “cái khó” không chỉ từ việc cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp ngăn chặn tình trạng nhập lậu để cắt đứt “nguồn cung” mà nan giải hơn là làm sao có thể thay đổi được thói quen sử dụng mặt hàng lậu này lâu nay của một bộ phận người dân các tỉnh miền Trung.

Trang Thùy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.