Nhiều họa sĩ chưa làm chủ kỹ thuật !

16/11/2008 23:53 GMT+7

Đó là ý kiến của ông Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Hội thảo về tranh sơn dầu đương đại Việt Nam, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 14.11 tại Hà Nội.

Điều chưa từng có trong tiền lệ một cuộc hội thảo nghệ thuật, là nội dung tham gia của họa sĩ Đức Hòa. Họa sĩ vừa tu nghiệp ở Pháp này không đọc tham luận mà dùng máy chiếu để giới thiệu cùng các bậc “cao thủ đàn anh” nội dung tóm tắt của cuốn sách Le manuel de l’artist xuất bản ở Pháp nói về kỹ thuật vẽ sơn dầu.

“Đây là cuốn sách mà khi đọc, tôi thấy giật mình vì những điều mình chưa từng biết”, ông Hòa nói. Đặc biệt, khi biết tại Hà Nội có khoảng chục cuốn như thế ở một hiệu sách ngoại văn, ông Hòa đã thông báo cho bạn bè đến mua, nhưng chỉ ba cuốn được tiêu thụ, còn lại đã được thanh lý thành giấy vụn. Thật thú vị là ông Hòa cũng đưa ra danh sách 3 người ở Việt Nam nắm vững kỹ thuật sơn dầu. Điều đáng nói là phần “tham luận” này đã không gây ra sự phản ứng nào của gần một trăm họa sĩ và nhà phê bình mỹ thuật có mặt tại hội thảo.

 
Thời đại mới II, tranh Đoàn Quốc Huy -Ảnh do Lưu Quang Phổ chụp lại từ triển lãm

Từng đào tạo hàng trăm sinh viên mỹ thuật, giáo sư, họa sĩ Lê Công Thành, giảng viên Đại học Mỹ thuật Hà Nội tâm sự rằng đứng trước tấm toan và bảng màu, ông thấy sợ như sợ cọp vì nỗi lo phải vẽ như thế nào để có một tác phẩm tốt. Ông mô tả công việc của mình: từ một tấm toan trắng đến khi đạt 90% công việc của một bức tranh, mất hai ngày. Từ 90 đến 99%, mất hai tháng. 1% còn lại, mất hai năm. Trong hai năm ấy, chọn ngày lành tháng tốt, lúc tinh thần sảng khoái để đưa nét bút cuối cùng. Nhưng có khi nét bút ấy đặt xong, thì hỏng luôn cả bức tranh.

Tranh sơn dầu vẽ dễ hay khó? Họa sĩ Phạm Lực phản biện: “Thầy Lê Công Thành không cần phải lo sợ đến thế, kỹ thuật của anh Đức Hòa cũng là vô nghĩa. Nhưng đúng là muốn làm xiếc trên xe đạp thì phải tập đi xe đạp. Sơn dầu dễ mà khó, không phải là cái gì cũng quệt bừa”. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, do hai cuộc chiến tranh nên sơn dầu Việt Nam chưa thực sự chuyên nghiệp và cho rằng, tại Triển lãm tranh sơn dầu toàn quốc 2008 chỉ chọn được khoảng chục tác phẩm tốt, “có tác phẩm học theo phương Tây, nhưng lại chưa tới”, ông Bảo cho biết. Liên quan đến đào tạo họa sĩ của các trường mỹ thuật, ông Nguyễn Đỗ Bảo kể: “Tôi từng hỏi đại diện một trường mỹ thuật là có ai đủ trình độ vẽ một cái tay, cái chân cho chuẩn, các anh ấy bảo khó đấy!”.

Nhận xét trực tiếp về Triển lãm tranh sơn dầu Việt Nam 2008, họa sĩ Đỗ Đức cho rằng sơn dầu đang trở thành trào lưu ở Việt Nam, đến nỗi các nhà văn nay cũng “nhảy” vào sơn dầu. Nhưng “tranh to mà ruột thì rỗng, nó đấy mà chưa phải là nó”. Lạc quan hơn, nhà phê bình Trần Thức nói, tranh sơn dầu Việt Nam nay đang đi đến giai đoạn hậu hiện đại sau khi đi qua giai đoạn cổ điển và hiện đại. Ông Trần Thức dẫn ra một số triển lãm của các họa sĩ trẻ và mô tả rằng nó như những khúc video quay hoặc chụp tự nhiên trên phố.

Theo họa sĩ Hoàng Đức Toàn, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), chỉ có khoảng 1/3 tác phẩm trong Triển lãm tranh sơn dầu toàn quốc 2008 là của các tác giả thường xuyên công bố tác phẩm, cho thấy tính chất mới mẻ của triển lãm lần này. Trao đổi với Thanh Niên, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, triển lãm lần này có 30% tranh đẹp, như vậy là ổn.

Sơn dầu là chất liệu truyền thống và phổ biến nhất của hội họa châu u và thế giới. Sơn dầu vào Việt Nam năm 1925 khi người Pháp mở trường Mỹ thuật Đông Dương. Hiện nay, sơn dầu vẫn đang là chất liệu chủ đạo của hội họa Việt Nam.

Triển lãm tranh sơn dầu toàn quốc 2008 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức có 170 tác phẩm của 170 tác giả, chọn từ 1.030 tác phẩm của 549 tác giả từ 45 tỉnh thành.

Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.