Trại sáng tác - một tàn dư của thời bao cấp

31/12/2007 00:23 GMT+7

Sau hơn một phần tư thế kỷ tính từ ngày đầu xây dựng mô hình khu sáng tác, lần đầu tiên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị đánh giá thực tiễn công tác tổ chức sáng tác văn học nghệ thuật.

Không thể phủ nhận mặt tích cực của trại sáng tác là tạo điều kiện về không gian - vật chất cho những tác giả nhà cửa quá chật chội. Nhà chật mà tìm được một chỗ yên tĩnh, rộng rãi để "thai nghén" tác phẩm thì hơi khó. Nhốt mình vào trại sáng tác cũng bớt đi cái khoản bị "quấy rối" điện thoại, hoặc trút bỏ được những phiền hà tẹp nhẹp cơm áo đời thường để tập trung sáng tác. Tuy nhiên, trong thời kinh tế thị trường, mô hình trại sáng tác theo kiểu bao cấp và tồn tại từ thời bao cấp (năm 1979) đến nay liệu còn phù hợp?

Phát biểu tại hội thảo, ông Huỳnh Văn Ngàn (Phó giám đốc Khu trại sáng tác thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) thẳng thắn thừa nhận: "Nhiều văn nghệ sĩ tham dự các trại sáng tác nhưng không hướng tới mục đích chính là sáng tác mà chỉ hợp thức việc đi tham quan, nghỉ mát". Đấy là chưa kể nhiều hội văn học nghệ thuật, với tâm lý xài "tiền chùa" nên khá dễ dãi khi chọn lựa hội viên đi trại, hoặc đầu tư cào bằng theo kiểu "hoa thơm mỗi người hưởng một tí" để giữ hòa khí. Một chủ tịch hội văn học nghệ thuật (đề nghị không nêu tên) buồn nản tâm sự: "Thực tế, kinh phí nhà nước tài trợ cho các hội văn học nghệ thuật không lớn: vài ba chục triệu mỗi năm. Tức là nếu đầu tư cho khoảng chục hội viên đi trại sáng tác thì mỗi người chỉ được 1-2 triệu đồng. Thế mà không có tiền thì vui và yên ấm, nhưng bắt đầu có tiền (cho dù khoản đầu tư quá hẻo) thì bắt đầu có "tiếng bấc tiếng chì". Bởi vì, tiền đầu tư lâu nay được các hội viên xem như tiền chùa, như miếng bánh giữa làng, dứt khoát mình phải có phần, nếu lần này mình chưa được chia, tức là tài năng của mình chưa được thừa nhận. Và thế là các vị bắt đầu dùng đến tin nhắn điện thoại, thư điện tử... để phát tán lời thóa mạ, vu khống, bôi nhọ nhau...".

Nhà văn Nguyên Ngọc (nguyên Phó tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam) thốt lên: "Vì sao nhà văn lại có đặc quyền như vậy? Trong khi xét về mặt nghề nghiệp thì nhà văn cũng giống như một anh thợ mộc. Vì sao một anh thợ mộc phải tự làm ra sản phẩm, tự bươn chải còn anh nhà văn thì lại được cầm tiền của Nhà nước, cụ thể ở đây là tiền thuế của nhân dân, mà trên thực tế, nếu tác phẩm của anh được xuất bản thì các nhà xuất bản đã trả tiền cho anh rồi? Tôi thấy vô lý quá. Theo tôi, nhà văn cầm tiền tài trợ là không lương thiện. Vì thế, tôi đã dứt khoát từ chối khoản tài trợ 25 triệu đồng mà Hội Nhà văn mang đến. Hơn nữa, hoạt động sản xuất văn nghệ là hoạt động cá nhân, đơn lẻ. Trong giai đoạn trước, việc đầu tư sáng tác có thể có tác dụng nhất định nào đó, nhưng xét về bản chất thì nó không thể biến thành nhân tố nội tại thôi thúc người cầm bút sáng tác. Bởi vì, nhà văn phải sáng tác bằng trải nghiệm cả cuộc đời mình. Anh cứ sống, cứ ghi nhận, đến lúc nào đấy cảm thấy viết được thì viết, chứ anh không có nhu cầu nội tại thì đến trại sáng tác cũng chỉ túm tụm chuyện trò chứ chẳng làm được gì. Vậy tại sao Nhà nước phải bỏ kinh phí để nuôi các văn nghệ sĩ như thế? Khi đã bao cấp thì khó có tác phẩm lớn".

Cũng theo phân tích của nhà văn Nguyên Ngọc, nếu các nghệ sĩ đã có nhu cầu giao lưu thì họ sẽ tự xoay xở với nhau. Thường thì không có trại sáng tác, các văn nghệ sĩ đã chơi theo nhóm, vì cùng xu hướng nghệ thuật, hoặc cùng cá tính, sở thích. Tự Lực Văn Đoàn thời những năm 30 thế kỷ trước là một nhóm tư nhân, thế mà làm nên cả một thời đại trong văn học. Tất nhiên, trong sáng tác, sự gặp gỡ, giao lưu tự nhiên là cần thiết, vì rất có thể các ý tưởng lớn sẽ được nảy sinh từ đó. Nhưng cũng đừng quá kỳ vọng sự giao tiếp sẽ quyết định chất lượng sáng tác.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo (Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội) băn khoăn: "Vấn đề bây giờ là Nhà nước nên đầu tư sáng tác theo hướng chọn mặt gửi vàng, chứ mở trại sáng tác mà không hiệu quả thì chỉ tạo điều kiện cho sự ăn bám và tạo thêm gánh nặng. Nhiều văn nghệ sĩ không cần đi trại vẫn sáng tác đều đặn. Nhiều hội viên như Hồng Việt Dũng, Lê Thiết Cương, Phạm Luận... không hề bén mảng đến hội, mà vẫn đi nước ngoài như đi chợ, còn những anh nói nhiều thì lại làm rất ít".

Mặt khác, có một sự thật là sự khắc nghiệt của văn nghệ nằm ở chỗ "quý hồ tinh, bất quý hồ đa". "Cái khó khi nhận tài trợ là phải có tác phẩm kịp thời, mà sáng tác là hoạt động cá nhân có thể có năm nhiều, có thể có năm ít. Vì thế, nảy sinh tình trạng có những trại viên đi trại sáng tác vài lần nhưng cuối cùng chẳng có tác phẩm nào. Lại có những nghệ sĩ kém cả về chuyên môn và tư cách đạo đức, nhưng vẫn muốn bám vào các hội Nhà nước để lấy danh...", ông Bảo nói.

Y.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.