Rào cản cuối cùng đã được xóa

11/12/2006 00:04 GMT+7

Sự kiện được truyền thông quốc tế chú ý nhất trong ngày hôm qua 10.12 chính là việc hai viện Quốc hội Mỹ lần lượt thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) đối với Việt Nam.

Với tiêu đề "Thương mại bình thường với Mỹ là bước tiến quan trọng cho Việt Nam tiến vào kỷ nguyên WTO", Hãng tin AFP bình luận: Quốc hội Mỹ dành cho Việt Nam Quy chế đối tác thương mại bình thường, đã xóa đi rào cản cuối cùng của hai kẻ thù cũ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của hai bên tăng tốc bước vào một kỷ nguyên mới khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, đảm bảo cho doanh nghiệp hai nước vào thị trường của nhau một cách bình đẳng. Hãng này dẫn lời của giáo sư Carl Thayer, chuyên gia tại Học viện Quốc phòng Úc nhận xét: Mở cửa mạnh mẽ hơn nữa nền kinh tế Việt Nam cho các công ty Mỹ và các công ty nước ngoài theo luật của WTO sẽ tạo ra một hệ quả mạnh mẽ hơn về lâu dài.

Hãng Reuters dẫn lời Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam David Knapp hoan nghênh cuộc bỏ phiếu mà ông gọi là "lịch sử" này. "Các nhà đầu tư Mỹ đang bị thu hút bởi sự tăng trưởng GDP mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, tốc độ công nghiệp hóa nhanh chóng, lực lượng lao động khổng lồ, sự ổn định chính trị, và một triển vọng về một môi trường kinh doanh tốt hơn khi Việt Nam trở thành thành viên WTO" - ông Knapp nhận xét. Trang web của Hội đồng Thương mại Mỹ - Việt đăng trên trang chủ bức thư chúc mừng nhân dân hai nước nhân sự kiện này, và coi đây là bước cuối cùng trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai bên.

Theo nguồn tin của Thanh Niên, ngay trong tuần này Quốc hội Mỹ sẽ sớm chuyển hai dự luật đã được hai Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua hôm 8 - 9.12, thành một nghị quyết chung để Hành pháp Mỹ xem xét. Tổng thống Bush ngay sau đó sẽ ký Lệnh ban hành với nội dung: "Hợp chủng quốc Hoa Kỳ dành Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn cho nước CHXHCN Việt Nam".

Theo nhận định của Hãng thông tấn BBC, việc thông qua dự luật PNTR cho Việt Nam tạo nên một bước ngoặt lịch sử, loại bỏ hoàn toàn những rào cản thương mại, di sản đã có từ cuộc chiến tranh lạnh. Hãng này trích dẫn phát biểu trong phiên tranh luận tại Hạ viện hôm 8.12, nghị sĩ đảng Cộng hòa Rob Simmons - một cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam, cho rằng: "Dự luật này không chỉ mang tính kinh tế. Nó còn vì việc hợp tác cùng Việt Nam hàn gắn những vết thương chiến tranh".

Hãng tin AP (Mỹ) cũng chia sẻ quan điểm tương tự khi đánh giá dự luật PNTR với Việt Nam sẽ chấm dứt một quy định mà Mỹ đã đặt ra từ thời chiến tranh lạnh và đem áp dụng với Việt Nam. Theo đó, mỗi năm Chính phủ Mỹ đều đã xem xét lại quan hệ thương mại với Việt Nam. Thượng nghị sĩ Max Baucus - người sẽ giữ ghế Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện vào tháng tới, một người ủng hộ giao thương với Việt Nam cho rằng việc thông qua dự luật "đảm bảo nhiều hàng hóa hơn do Mỹ sản xuất sẽ thâm nhập vào thị trường Việt Nam". Còn đối với hạ nghị sĩ David Dreier của đảng Cộng hòa, động thái mới sẽ tạo cơ hội cho các công ty Mỹ đang mong muốn tiếp cận thị trường phát triển mạnh của Việt Nam. Hãng thông tấn AP cũng dẫn lời Đại diện Thương mại Mỹ Susan Schwab ca ngợi các cuộc bỏ phiếu hôm 8 - 9.12 để thông qua PNTR cho Việt Nam. Bà Schwab khẳng định tăng cường thương mại không chỉ hỗ trợ người lao động ở các nước nghèo mà còn giúp hạ giá thành các sản phẩm và dịch vụ cho chính người tiêu dùng Mỹ.

X.D (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.