Báo động lún, sụp đất tại TP.HCM

22/12/2010 16:17 GMT+7

(TNO) Hàng chục “hố tử thần” xuất hiện trên đường phố TP.HCM thời gian gần đây một lần nữa làm dấy lên mối lo ngại về địa chất. Nhưng tìm ra phương thuốc đặc trị cho “con bệnh” này như “mò kim đáy bể”. >> Máy truy tìm "hố tử thần" biểu diễn trên đường phố >> Máy dò "hố tử thần" bó tay >> Các nhà khoa học vào cuộc vụ "hố tử thần" >> Theo chân cha đẻ máy dò "hố tử thần

Hàng loạt vụ lún, sụp

So với hệ quả của việc lún, sụp nền đất tại thành phố gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các công trình xây dựng, trước mắt, hậu quả do “hố tử thần” mang lại chưa thấm tháp vào đâu.

"Trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đến nay, không một chuyên gia am hiểu trong ngành địa chất xây dựng nào có thể khẳng định công trình cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.1 và Q.Bình Thạnh) đã tắt lún hay chưa" - PGS.TS Đặng Hữu Diệp, Giám đốc Liên hiệp Địa chất Công trình Xây dựng và Môi trường (UGCE) nói.

Đề cập đến dự án này, TS Tô Văn Trường, đặt cho dự án cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh, hầm chui Văn Thánh 2 cái tên rất văn chương: "Con đường đau khổ" (tên của một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng). Ông cho biết, tháng 11.2007, UBND TP.HCM đã tạm ứng 141 tỉ đồng (trong tổng số kinh phí dự kiến 200 tỉ đồng) sửa chữa cầu Văn Thánh 2, chưa kể hạng mục đường và cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh để khắc phục hậu quả lún.


Thời gian qua, hàng loạt vụ lún, sụp xảy ra tại TP.HCM - Ảnh: Trần Duy

Theo phân tích của TS Tô Văn Trường, hệ quả của việc lún, sụp công trình cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh, hầm chui Văn Thánh 2 tính từ năm 1998 (thời điểm thiết kế, thi công công trình cầu đường Nguyễn Hữu Cảnh, hầm chui Văn Thánh 2) đến nay là khoản ngân sách gấp đôi số tiền so với tổng giá trị đầu tư ban đầu của dự án cho chi phí sửa chữa. 

Tương tự, những ai đi qua góc ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - Pastuer (Q.1) cũng lấy làm lạ vì công trình xây dựng tòa nhà Pacific “đắp chiếu” hơn 3 năm nay, kể từ khi xảy ra sự cố lún sụp vào tháng 10.2007 phá hủy tòa nhà của Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Nam Bộ.

Khoảng 3 tháng sau, do ảnh hưởng của vụ sụp này, khu vực nhà để xe của Sở Ngoại vụ thành phố (nằm sau lưng công trình tòa nhà Pacific) xuất hiện một “hố tử thần” to tướng “nuốt trọn” hơn 10 xe gắn máy. Để khắc phục, sửa chữa sự cố tại công trình xây dựng tòa nhà Pacific, chủ đầu tư đã thuê một công ty của Đài Loan với giá 2 tỉ đồng nhưng cũng không đến đâu.

Bản đồ địa chất bị thất lạc

Địa chất tại TP.HCM thuộc loại yếu, phức tạp. Thế nhưng hiện nay, chưa có bản đồ địa chất để có thể xác định được vị trí đất yếu phục vụ cho việc quy hoạch, xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng.

Trước hiện tượng xuất hiện hàng loạt “hố tử thần” và lún, sụp các công trình trong thời gian qua, trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, PGS.TS Đặng Hữu Diệp cho biết đã từng có công trình nghiên cứu về địa chất tại thành phố.

- 9.10.2007: sự cố tại công trình xây dựng tòa nhà Pacific làm sập Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Nam Bộ (Q.1)

- 31.10.2007: thi công công trình cao ốc Saigon Residences làm lún, nứt chung cư Nguyễn Siêu (Q.1)

- 3.11.2007: sụt lún phòng học trường THCS Lương Đình Của (Q.2)

- 23.1.2008: sụt đất trong khu vực nhà để xe của Sở Ngoại vụ TP.HCM (Q.1)

- 3.4.2008: sạt lở đất tại lô B, chung cư 207 Bùi Viện, phường Phạm Ngũ Lão, (Q.1)

- 20.4.2007: lún, sụp nhà dân đường Tây Hòa, khu phố 2, phường Phước Long A (Q.9)

PGS.TS Diệp chính là người đứng đầu trong nhóm nghiên cứu và lập ra bản đồ địa chất công trình thành phố vào năm 1982 dựa trên tham khảo bản đồ địa chất của quân đội Mỹ còn sót lại và chủ yếu từ kết quả khảo sát thực tế của nhóm nghiên cứu.

Trong công trình của mình cách đây gần 30 năm, TS Diệp đã dự báo những hiện tượng lún sụp, trượt lở đất, xâm thực bờ sông, bờ biển, biến dạng nền móng công trình… Ông gọi đó là “tai biến địa chất” và phân chia địa chất tại thành phố thành 3 vùng.

Đáng tiếc, bản đồ địa chất công trình này sau đó được chuyển giao cho Viện Kinh tế và hiện nay đã thất lạc.

Theo TS Diệp, nếu còn, bản đồ địa chất công trình giúp ích rất nhiều cho việc quy hoạch và xây dựng tại thành phố; giúp dự đoán và khoanh vùng “hố tử thần” cũng như những khu vực có nền đất yếu, có khả năng xảy ra sự cố công trình.

Về nguyên nhân xuất hiện hàng loạt “hố tử thần” thời gian gần đây, TS Diệp cho rằng do thành phố đang triển khai nhiều công trình đào đường lớn như dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, những công trình cấp, thoát nước. Bên cạnh đó là việc lấp các hố đào không đúng kỹ thuật. Thi công vào mùa mưa cũng làm cho nước thấm vào đất làm kết cấu đất trở nên không vững chắc, có khả năng xảy ra sự cố lún, sụp.

Đối với “hố tử thần”, theo TS Diệp, dùng phương pháp địa vật lý, siêu âm sóng động có thể dự báo, khoanh vùng “hố tử thần” và những nơi có nền đất yếu. “Nhưng phương pháp này vẫn có hạn chế vì không phát hiện được nguyên nhân đất ướt do thấm nước” - TS Diệp nói.

Kỹ sư Vũ Quốc Thắng (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP.HCM) cũng cho rằng, về lâu dài cần thiết xây dựng bản đồ địa chất công trình thống nhất cho thành phố trên cơ sở kết hợp các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng sẽ không tìm ra được giải pháp cho “hố tử thần” hay lún, sụp công trình nếu các nhà khoa học lẫn các nhà quản lý chỉ biết ngồi bàn giấy mà không “điều tra hiện trường”.

Trần Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.