Ngành điện khổ vì dân chơi… diều

25/01/2013 15:20 GMT+7

Thả diều là một thú chơi tao nhã, thế nhưng tại nhiều vùng quê, việc người dân thả diều gần đường dây điện đã khiến ngành điện đau đầu vì sự cố, gây mất điện và thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Thả diều là một thú chơi tao nhã, thế nhưng tại nhiều vùng quê, việc người dân thả diều gần đường dây điện đã khiến ngành điện đau đầu vì sự cố, gây mất điện và thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Một ngày nắng hiếm hoi mùa đông, chúng tôi có mặt tại làng Cẩm Trà, xã Thuận Thành, H.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Ngoài cánh đồng, gió thổi ù ù, hơn chục người dân đang chăm chú buông diều. Nhưng họ cũng không biết rằng thả diều gần đường dây điện là nguy hại, có thể gây thiệt hàng trăm triệu đồng.

Cũng tại làng này, ngày 3.12.2012 vừa qua, đường dây truyền tải 220 KV bị diều của người dân vướng vào hai dây dẫn khoảng cột 19, 20, gây phóng điện, chập cháy. Đơn vị quản lý đã phải cắt điện 4 giờ để tháo diều, thay toàn bộ hệ thống bát sứ.

Ngày 30.12, cũng tại đường dây 220 KV, xã Thuận Thành, diều của người dân mắc vào dây dẫn, vị trí khoảng cột 24, 25, gây phóng điện, chập cháy hai dây dẫn, đơn vị quản lý cũng phải ngừng cấp điện trong 3 giờ để tháo dây, thay sứ cách điện.

Cả hai sự cố xảy ra trên đã làm thiệt hại gần 300 triệu đồng cho chi phí sửa chữa, chưa kể hàng tỉ đồng thiệt hại do các cơ sở sản xuất phải ngừng hoạt động.

Khó tìm thủ phạm

Ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc truyền tải điện Thái Nguyên, thuộc Công ty truyền tải điện 1 cho biết, những con diều mắc vào đường dây truyền tải thường có chiều ngang 2 m, thậm chí có con diều 3 m.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó giám đốc công ty truyền tải điện 1 cho biết, trong khoảng 3 năm trở lại đây việc người dân vi phạm hành lang an toàn lưới điện gây sự cố trên đường dây điện 220 KV có xu hướng tăng mạnh. Riêng năm 2012, xảy ra 7 vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện, trong đó 3 vụ liên quan đến việc thả diều, 4 vụ vi phạm về khoảng cách dây truyền tải.

Ông Tuấn cho hay, dù chưa có vụ thương tích nào về người do việc thả diều mắc vào đường dây điện, tuy nhiên đơn vị quản lý đường dây truyền tải tại những vùng có đường dây đi qua như Thái Nguyên đang khá đau đầu bởi ý thức của người dân tại đây chưa cao.

“Cái khó lớn nhất chính là việc người dân địa phương đứng thả diều ở xa khoảng cách dây truyền tải, khi diều mắc vào đường dây gây phóng điện, chập cháy chúng tôi cũng không có căn cứ nào để xử lý người thả diều”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, dù đã có nghị định 81/2009/NĐ-CP của Chính phủ, ở khoản 4 nêu việc thả diều, vật bay hoặc bất cứ vật gì gần đường dây điện và có khả năng ảnh hưởng đến công trình lưới điện cao áp sẽ bị phạt tiền. Nhưng Nghị định này cũng chưa nêu rõ khoảng cách vi phạm đường dây truyền tải là bao nhiêu nên đơn vị quản lý đường điện truyền tải còn khá lúng túng, khó khăn trong việc xử phạt người vi phạm.

“Chúng tôi đã có nhiều buổi kết hợp với xã tổ chức hội nghị, tuyên truyền bằng loa phóng thanh cho bà con trong thôn về tác hại của việc thả diều gần đường dây truyền tải, nhưng ý thức của người dân vẫn khó thay đổi. Một số người vì quá đam mê diều mà không chịu từ bỏ hoặc vẫn cố tình đem diều ra thả gần đường dây điện”, ông Hùng chia sẻ.

Nguyễn Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.