Các nhà bán lẻ tăng tốc

08/03/2013 04:00 GMT+7

Mặc dù thị trường bán lẻ đang sụt giảm nhưng ngay từ đầu năm 2013, nhiều nhà bán lẻ đã lên kế hoạch mở rộng hệ thống “siêu tốc”.

Đến tháng 2.2013 vẫn chưa có bất kỳ một siêu thị, trung tâm thương mại nào của Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon chính thức hoạt động tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, theo như công bố của Aeon, kế hoạch đến năm 2020 mở 20 trung tâm mua sắm với tổng vốn đầu tư đến 1,5 tỉ USD. Dự kiến tháng 1.2014 trung tâm đầu tiên với vốn đầu tư khoảng 109 triệu USD của tập đoàn này đi vào hoạt động tại Q.Tân Phú (TP.HCM), trung tâm thứ 2 cũng được mở trong năm 2014. Trong khi đó, với 4 siêu thị, trung tâm thương mại tính đến thời điểm hiện nay nhưng tham vọng của Tập đoàn Lotte Mart là đến năm 2020 sẽ mở thêm 56 địa điểm nữa để đưa tổng số đơn vị bán lẻ của đơn vị này lên con số 60.

 
Tại thị trường Việt Nam, ngoài các nhà bán lẻ đang tăng tốc mở rộng hệ thống còn xuất hiện thêm các nhà bán lẻ, các dự án bán lẻ mới - Ảnh: Hoàng Việt

Kế hoạch của các nhà bán lẻ nội địa cũng hoành tráng không kém. Theo kế hoạch công bố, đến năm 2015, Vinatexmart mở rộng hệ thống lên đến khoảng 200 siêu thị, điểm bán lẻ. Dự kiến trong năm nay, Vinatexmart có thêm 20 siêu thị, điểm bán lẻ. Với Saigon Co.op, chỉ riêng năm 2012, đã mở thêm 8 siêu thị, đưa tổng số lên 61 siêu thị. Kế hoạch đến năm 2015 đơn vị này có 100 siêu thị.

Năm 2012, Tổng công ty SATRA mở thêm 12 siêu thị Satrafoods, dự kiến năm nay mở thêm 15 địa điểm... Ngoài ra, thị trường bán lẻ Việt Nam vừa đón nhận thêm các nhà bán lẻ mới là Tập đoàn C.T Group. Đơn vị này đang triển khai mở 20 siêu thị S.Mart và siêu thị đầu tiên đã khai trương hồi cuối năm 2012. Lý giải việc ồ ạt mở rộng hệ thống giữa lúc kinh tế khó khăn, đại diện hệ thống Vinatexmart cho biết đơn vị này đang theo đuổi chiến lược tìm kiếm cơ hội ngay trong khó khăn.

Còn theo ông Nguyễn Thành Nhân - Phó tổng giám đốc Sài Gòn Co.op, thị trường bán lẻ nội địa hấp dẫn là cơ hội tốt cho các nhà bán lẻ đầu tư và phát triển nhanh hệ thống. Tuy nhiên, điều này cũng làm gia tăng áp lực cạnh tranh trong ngành bán lẻ tại Việt Nam khi ngày càng có nhiều nhà bán lẻ lớn trên thế giới quan tâm, nhanh chóng tham gia thị trường. Theo đại diện hệ thống siêu thị Lotte Mart, khó khăn của ngành bán lẻ hiện nay chỉ trong ngắn hạn.

Việc phát triển mạnh hệ thống bán lẻ hiện đại trong thời gian tới là phù hợp xu hướng tiêu dùng người dân Việt Nam vì mô hình phân phối này tương lai sẽ phát triển mạnh. Bà Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại Big C nhận xét: so với các nước trong khu vực, kênh phân phối hiện đại tại Việt Nam vẫn chiếm thị phần rất nhỏ so với kênh truyền thống, vẫn mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển.

Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cảnh báo rằng các nhà bán lẻ thế giới sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam là tất yếu. Vì thế, nhà nước cần xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo vệ quyền lợi các nhà bán lẻ nội địa.

Hoàng Việt

>> Thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển khá tốt
>> Doanh nghiệp được quyết định giá điện bán lẻ
>> Tìm cách gỡ khó cho tiểu thương bán lẻ thịt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.