Rắc rối ly hôn khi chồng không hợp tác

28/03/2014 03:00 GMT+7

Đối với vụ án ly hôn, khi tòa triệu tập hợp lệ 2 lần nhưng đương sự không đến thì sẽ xử vắng mặt. Tuy nhiên, thực tế lại không hề đơn giản.

Biết đâu mà tìm

 
Minh họa: dad

Chị Đ.N.S, quê ở huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre kể, chị và anh C. cưới nhau chưa được 3 năm thì anh C. hay viện cớ "phải đi làm đêm" thường xuyên vắng nhà. Không thể chịu nổi sự thờ ơ, lạnh nhạt của chồng, cuối năm 2013, chị S. quyết định gửi đơn đến tòa án xin ly hôn. Hai lần triệu tập nhưng anh C. vẫn không chịu đến tòa và bỏ đi đâu không rõ.

Một cán bộ tòa án hướng dẫn chị phải tìm anh C. trở về hoặc tìm đến nơi anh tạm trú xin xác nhận là anh C. có tạm trú ở nơi đó thì tòa mới có cơ sở để tiếp tục giải quyết. Đau yếu, chị S. không thể đi tìm anh C., mà cũng không biết tìm ở đâu, thuyết phục chồng tự đến tòa án là điều không thể. Chị S. rơi vào bế tắc, đành chịu cảnh có chồng cũng như không mà ly hôn thì chẳng được.

Tương tự, chị N.T.V, quê ở Định Quán, và anh T. cưới nhau được 1 năm nhưng suốt ngày chồng say xỉn, về đánh đập vợ con. Về sau, anh T. cũng bỏ đi đâu không biết. Đầu năm 2013, chị quyết định ly hôn. Khi nộp đơn ra tòa, cán bộ tòa cũng yêu cầu chị phải tìm chồng về hoặc phải xác nhận nơi tạm trú của chồng mới giải quyết được. Lần mò mãi, chị tìm được chỗ trọ của anh ở Q.12, TP.HCM. Tuy nhiên, khi biết ý định của chị, anh T. ngay lập tức dọn đi chỗ khác. Vì vậy, chị không thể xác nhận tạm trú của anh được. Cuối cùng, nhờ luật sư trợ giúp, chị đã làm đơn yêu cầu tòa án làm thủ tục tìm kiếm anh T. Sau hơn 6 tháng mà anh T. vẫn biệt tích, tòa án huyện Định Quán mới giải quyết ly hôn cho chị.

Bất cập xử vắng mặt

Luật gia Thái Thị Diễm Trúc (Văn phòng luật sư Nguyễn Hữu, Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định: Những trường hợp tương tự xảy ra khá phổ biến, nhất là ở vùng nông thôn, thường là người chồng bỏ nhà đi xây tổ ấm ở nơi khác khiến người vợ muốn ly hôn nhưng không biết chồng đâu mà tìm. Theo luật gia Trúc, đương sự phải có đơn yêu cầu tòa làm thủ tục tìm kiếm người vắng mặt, hết thời hạn (6 tháng) mà vẫn không có tin tức của người đó thì sẽ xét xử vắng mặt. Tuy nhiên, việc này không đơn giản vì trong thời gian tìm kiếm, có thể người đó trở về rồi lại đi. Do đó, đa số các vụ việc thường bị đình chỉ giải quyết.

Còn theo thạc sĩ, luật sư Nông Thị Hồng Dung (Công ty luật Hồng Dung), căn cứ để xác định đã có gửi giấy triệu tập hợp lệ là phải có ký nhận hoặc niêm yết tại nơi cư trú của đương sự. Do đó, tòa yêu cầu phải xác nhận nơi cư trú của đương sự là đúng. Vấn đề rắc rối là khi đương sự không hợp tác bỏ đi nơi khác mà vợ hoặc chồng không tìm được. Trong trường hợp này, còn có cách giải quyết khác là tuyên bố người chồng (hoặc vợ) mất tích. "Tuy nhiên, để tuyên bố một người mất tích không đơn giản và mất nhiều thời gian, cũng như hệ lụy sau này vì nó liên quan đến nhân thân của một con người", luật sư Dung nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần có quy định riêng về ly hôn, nên cho đăng tải giấy triệu tập trên các phương tiện thông tin xem như đó như là một cách triệu tập hợp lệ. Nếu đương sự vẫn không đến tham dự phiên tòa thì cho xử vắng mặt. Việc tìm kiếm người vắng mặt hoặc tuyên bố mất tích sẽ mất nhiều thời gian và phát sinh nhiều hệ lụy sau này.

Hải Nam

>> Đâm vợ vì bị ly hôn
>> Ly hôn tách rời việc chia tài sản
>> Lo ngại gia tăng ly hôn
>> 8 tuổi đã... ly hôn
>> Dị án ly hôn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.