Chúng tôi đi báo bão!

11/12/2006 21:18 GMT+7

Mới tờ mờ sáng ngày 11.12, sân bay căn cứ của đoàn Không quân (KQ) Đồng Tháp thuộc Đoàn KQ B70 đã vang dội tiếng động cơ của nhiều trực thăng đang chuẩn bị cất cánh làm nhiệm vụ.

Cùng với tổ bay trên chiếc Mi 171 mang số hiệu VN Sar 04 cứu nạn do các phi công Ngô Vi Sơn, lái chính, Phạm Xuân Kết, lái phụ và các cơ giới trên không Nguyễn Hữu Cần và Cao Gia Xanh, chúng tôi đã có mặt và chứng kiến một chuyến bay báo bão trên vùng biển từ  Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau trong lúc cơn bão Utor đang đến gần...

Đúng 8 giờ 30 phút sáng 11.12, chuyến bay báo bão của đoàn KQ Đồng Tháp đã được lệnh cất cánh. Sau hơn 10 phút bay, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh và TP Vũng Tàu đã hiện ra trước mắt.

Theo lộ trình đến TP Vũng Tàu, máy bay phải bay thẳng ra biển hơn 70 km sau đó bay dọc theo bờ biển theo các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh rồi Bạc  Liêu và Cà Mau. Sau đó hạ cánh xuống sân bay Trà Nóc, Cần Thơ để tiếp nhiên liệu rồi bay về căn cứ. Đúng 9 giờ 15 phút, máy bay đã cách bờ biển Vũng Tàu gần 100 km. Từ trên cao nhìn xuống, biển vẫn ngát một màu xanh với nhiều cơn sóng dâng cao trắng xóa. Sau nhiều phút dõi mắt tìm kiếm, lái chính Ngô Vi Sơn đã phát hiện 3 chiếc tàu cá của ngư dân đang mải mê đánh bắt. Ngay lập tức, chiếc máy bay hạ độ cao từ 200 mét xuống chỉ còn hơn 100 mét so với mặt biển và bật còi báo động. Từng loạt còi cảnh báo như cấp cứu vang lên át cả tiếng động cơ máy bay. Nhìn xuống, chúng tôi thấy những ngư dân đang dõi mắt nhìn lên như vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. "Cho bắn pháo hiệu" lệnh của lái chính vừa ban ra.


PV Báo Thanh Niên (áo trắng) cùng tổ bay trước giờ cất cánh

Ngay sau đó, cơ giới trên không Nguyễn Hữu Cần vội lấy ngay cây súng ngắn bắn pháo hiệu và hộp đạn màu đỏ từ trong khoang hành lý tiến về cửa máy bay. Sau khi thắt dây an toàn, anh kéo cửa và nhoài người ra bóp cò. Sau tiếng nổ chát chúa, viên đạn màu đỏ rạch không khí từ trên máy bay lao thẳng xuống nước cách những chiếc tàu của ngư dân gần 100 mét. Đến lúc ấy, như đã hiểu ra điều mà các phi công đang cảnh báo, những chiếc tàu vội nhổ neo, quay mũi hướng vào bờ. Qua cánh cửa ngăn cách tổ bay với khoang hành lý, chúng tôi thấy các phi công vẫn luôn dõi mắt nhìn xa từ các hướng. Bỗng lái phụ Phạm Xuân Kết la lên: "Tàu đánh cá ngay bên phải tôi. Cho vòng máy bay lại!”. Những phát súng pháo hiệu màu đỏ lại vút ra... Khi thấy 2 chiếc tàu cá đã thu lưới và quay mũi vào bờ, tổ bay mới bay đi tìm kiếm mục tiêu mới.

Đúng 10 giờ 15 phút, máy bay đã bay song song với bờ biển Bến Tre, Trà Vinh. So với những nơi mà máy bay đã bay qua, biển ở đây nước đục ngầu phù sa dù cách bờ biển hàng chục km. Tuy đã được cảnh báo bằng nhiều nguồn thông tin, nhưng chúng tôi vẫn không hiểu tại sao trên biển vẫn có những chiếc tàu của ngư dân đang mải mê đánh bắt. Họ như không hề sợ những tai họa do những cơn bão gây ra trong những tháng qua. Dọc theo hành trình hàng trăm km mà máy bay bay qua, gần 50 phát pháo hiệu đã bắn ra, gần 50 lần các phi công đã kéo còi báo động nguy hiểm, có nghĩa là gần 100 tàu thuyền vẫn ra khơi bất chấp nguy hiểm và đã bị các phi công của đoàn KQ Đồng Tháp buộc phải quay mũi vào bờ để bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng...

Trao đổi với chúng tôi về sự  chuẩn bị đối phó của đơn vị khi cơn bão Utor đang đến gần, đại tá Lê Minh Thành, Đoàn trưởng  Đoàn KQ B 70 cho biết: Bên cạnh các máy bay tiêm kích sẵn sàng xuất kích bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc khi có tình huống thì các máy bay  trực thăng, các tổ bay mọi thời tiết của đơn vị Đồng Tháp đã sẵn sàng cất cánh, sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong bão...

Thượng tá Nguyễn Như Hải, Phó tham mưu trưởng Đoàn KQ B 70 cho biết: Trong cơn bão số 9,  Đoàn KQ Đồng Tháp đã hơn 10 lần cất cánh làm nhiệm vụ. Trong đó có 3 chuyến bay thông báo bão trên biển từ Cam Ranh đến mũi Cà Mau và nhiều chuyến bay chở các đồng chí lãnh đạo các cấp đi khắc phục cơn bão số 9. Đoàn KQ Đồng Tháp nằm trong đội hình Đoàn B70 hiện đang sử dụng các máy bay chuyên dụng, hiện đại, chuyên dùng để cứu hộ, có loa, có hệ thống ra-đa, có súng pháo hiệu, có thể thực hiện các công việc cẩu vớt trên biển. Chúng tôi đã chỉ đạo cho Đoàn Đồng Tháp chọn lựa các tổ bay chuyên cơ, cấp 1 ngày đêm sẵn sàng làm nhiệm vụ. 

T.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.