Tầm nhìn

19/12/2005 01:01 GMT+7

Kẻ thù của giao thông vận tải là ách tắc, là tai nạn giao thông, là ô nhiễm môi trường do khói, bụi, tiếng ồn. Ách tắc đang làm mất đi không biết bao nhiêu là thời gian của người tham gia giao thông ở thành phố, tính thành tiền thì không biết bao nhiêu mà kể.

Đâu chỉ có vậy, cứ nhìn vào nét mặt của những người bị ách tắc giao thông hành hạ, nhìn vào khói, bụi, nghe thấy tiếng ồn tại các điểm ách tắc này, mới thấy sẽ phải tốn bao nhiêu tiền đầu tư cho y tế, chăm sóc sức khỏe con người cũng còn là ít. Tai nạn giao thông gây thiệt hại nghiêm trọng, mỗi năm cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người và làm cho hàng chục nghìn người khác bị thương tật, thậm chí thương tật suốt đời - thiệt hại còn lớn hơn nhiều cuộc chiến tranh trên thế giới! Đứng trước tình hình này, những biện pháp đồng bộ và tổng thể còn rất hạn hẹp (như tỷ lệ diện tích dành cho giao thông cả động và tĩnh ở các khu đô thị mới mở rộng còn thấp hơn cả các khu phố cũ, các nút giao thông khác mức còn ít, tỷ lệ vận tải công cộng còn thấp, chưa nói tới đường ngầm, đường trên cao triển khai rất chậm...) trong khi lại tìm mọi cách để hạn chế số lượng phương tiện, hạn chế tốc độ và nhiều đề xuất "hài hước" như tắc-xi 4 người, số chẵn số lẻ, gửi xe từ ngoại thành... Một trong những ví dụ điển hình về tầm nhìn trong lĩnh vực giao thông vận tải là đường 5 nối giữa Hà Nội và Hải Phòng, hai trong ba cực tam giác phát triển ở miền Bắc. Con đường này mới được nâng cấp cách đây mươi mười lăm năm, nhưng đã oằn mình chịu đựng một mật độ giao thông khá cao, trở nên chật hẹp và đã chứng kiến biết bao nhiêu tai nạn giao thông thương tâm xảy ra, nay buộc phải hình thành một con đường 5 khác chạy gần như song song, với lượng vốn đầu tư khổng lồ.

Tầm nhìn trong quy hoạch xây dựng nhà máy cũng còn lắm chuyện đáng bàn. Các nhà máy xi măng lò đứng, các nhà máy đường với công nghệ cũ, với số tiền nợ, số lỗ lớn vẫn còn sờ sờ ra đó. Những thành phố lớn cũng đua nhau công nghiệp hóa, phát triển phố nghề ngay ở trong nội thành, vay vốn để lập nhà máy ở ngay cửa ngõ... để rồi mấy năm sau chưa thu hồi được vốn lại phải di chuyển ra xa, nếu không thì thiệt hại do ô nhiễm gây ra còn lớn hơn cả lợi ích mà nhà máy đó mang lại. Đây cũng là bài học kinh nghiệm cho những tỉnh, thành phố khác đang đẩy mạnh công nghiệp hóa nếu say sưa với tăng trưởng kinh tế mà quên mất mục tiêu phát triển bền vững. Ấy thế mà ở một số thành phố lớn còn cho những khu chăn nuôi lợn, gia cầm chỉ cách trung tâm thành phố khoảng dăm mười cây số, còn để những chuồng gấu nuôi lấy mật...

Tầm nhìn trong việc lựa chọn giải pháp tình thế và biện pháp cơ bản cũng không phải không có vấn đề. Đất nước đã chuyển sang cơ chế thị trường từ vài chục năm nay nhưng nhiệm vụ kiềm chế lạm phát trong nhiều năm vẫn còn được quy định thành một mức nhất định. Chính phủ đã dùng mọi biện pháp, kể cả biện pháp hành chính để kìm giữ giá một số mặt hàng trong nước nhằm kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng. Những biện pháp này không thể kéo dài vì không phù hợp với kinh tế thị trường và vượt quá khả năng kinh tế của Nhà nước. Các doanh nghiệp và nhân dân phải nâng cao năng lực thích nghi với môi trường kinh doanh có những biến động bất thường về giá cả, nhất là trong điều kiện hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới. Trong khi xử lý hậu quả tác động của giá cả, lạm phát, Chính phủ cần quan tâm tới những người có thu nhập thấp, nhất là những người hưởng lương, trợ cấp cố định. Trong việc điều hành chỉ đạo thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Nhà nước cần tính tới các biện pháp cơ bản như tạo hành lang pháp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm thiểu những biện pháp tình thế bởi "bóp" chỗ này nó sẽ "phình" chỗ kia. Cần có một tư duy mới về làm kế hoạch. Chúng ta xuất phát từ một nền kinh tế kế hoạch nên cái chữ "kế hoạch" nó đè nặng lên chúng ta, lúc nào cũng định lượng bao nhiêu cây, bao nhiêu con, bao nhiêu tấn, tạ... Ở các nước phát triển, họ không làm như vậy mà chỉ đưa ra những định hướng, những tầm nhìn hay dự kiến tổng thể cho một giai đoạn. Ngay như Trung Quốc, họ đã bỏ Bộ Kế hoạch, không gọi là xây dựng kế hoạch mà gọi là xây dựng quy hoạch phát triển, chuyển từ quản lý vi mô sang vĩ mô, từ trực tiếp sang gián tiếp.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.