"Trên cao mờ sương" - Truyện ngắn của Nguyễn Thị Minh Thái

10/12/2007 09:28 GMT+7

Bốn người phụ nữ, gọi theo cách của tiểu thuyết là bốn nàng, sau cuộc hội thảo dài dằng dặc, phải bận rộn lắng nghe, ghi chép suốt ngày, đồng tình rủ nhau chọn một chỗ trên cao gió lộng để ăn bữa tối.

Đấy là một phòng ăn sang trọng của khách sạn Hoa Hồng trên núi cao, có hồ bơi. Bồi bàn là một gã trẻ tuổi, đẹp trai, râu quai nón mờ xanh. Vẻ mặt láu lỉnh, tinh quái, mắt liếc nhanh như chớp, gã cúi đầu lịch sự, hỏi quý chị muốn ăn trong nhà hay ngoài trời, thì nhận được bốn cái miệng đồng thanh: Ngoài trời, ngay cạnh bể bơi ấy! Ra chiều khen ngợi mấy nàng giỏi chọn chỗ, gã lịch sự mỉm cười nhẹ, gật gật đầu tỏ vẻ tán đồng. Rồi ra vẻ cung kính, gã đưa tận tay mỗi thực khách một thực đơn in màu lòe loẹt...

Ríu rít chọn chỗ, ríu rít kéo ghế, các nàng háo hức tranh nhau chỗ ngồi đẹp, như một lũ chích chòe lắm điều. Cuối cùng, bốn nàng, kẻ chưa chồng, có chồng và từng có chồng, tuổi tam tứ thập, ai cũng thỏa mãn với chỗ ngồi của mình. Từ trên cao nhìn xuống, cả  Tam Đảo chìm trong mây, trong sương sữa trắng đục buổi hoàng hôn cuối hè.

Bỗng nhiên, một trong bốn nàng, lúc này mới kịp kêu lên: Ô! Bọn mình sắp ăn một bữa tối không có đàn ông! Không có đàn ông. Đúng thật. Nhưng có sao nào? Một nàng phản đối, giọng lanh lảnh, trong vắt, không bợn một tẹo phiền muộn nào... Hai kẻ còn lại, liếc thấy kẻ thứ tư không nói, chỉ mỉm cười bí ẩn. Tôi tự hỏi, một bữa tối ở trên cao, không có mống đàn ông nào, là những khoảnh khắc tự do, vui, và hình như phảng phất cái gì đó lãng mạn... Không có đàn ông, thì đã sao?

Chúi đầu chăm chú xem xét thực đơn, bốn nàng tranh cãi xem món nào ngon, rồi lại hỏi anh bồi đứng gần đó, đang sốt ruột chờ phán quyết cuối cùng. Cuối cùng, một bữa tối hiện đại đã được chọn bởi những quý bà đang hành nghề chữ nghĩa, với rất nhiều rau tươi, ít thịt, vì chúng tôi đã ngán lắm rồi, và đương nhiên, các nàng, vốn tự cho mình là những trí thức sành ăn, đã không bỏ qua món thổ sản: ngọn su su xào tái, vẫn còn nguyên màu lá non; quả su su luộc chấm muối vừng... Hạt vừng rang chín màu vàng ngà, để nguyên không giã, trộn chút muối, lên hương thơm phức.

Bốn người phụ nữ chọn một chỗ trên cao gió lộng, nhìn xuống một thị trấn nhỏ chìm trong mây, trong sương sữa trắng đục. Và mỗi người chọn cho mình một chỗ ngồi đẹp nhất, món ăn ngon nhất. Tâm hồn mỗi người lúc ấy thật lãng mạn, nồng nàn và nhạy cảm. Hình như họ cũng đang ngạc nhiên với chính mình. Họ là những người đang hành hương về thánh địa của nữ tính.

Một phiên bản khác của họ, cô gái trẻ, thì đang bơi dưới hồ, "bơi như thể cả thế gian này chỉ có việc bơi là đáng kể nhất", nhưng thật ra cũng là để đạt tới trọn vẹn nữ tính với những đường cong và những nét mềm mại dưới làn nước xanh kia. Chỉ khác là cô ta đi nhanh hơn và “ồn ào" hơn trong cuộc hành hương.

Không có người đàn ông nào. Thật ra là có một bóng dáng đàn ông thấp thoáng đâu đó. Như một biểu tượng hai nghĩa. Một là, để lên đường hành hương, những người đàn bà phải rời bỏ cái vạch hạn định có sức lôi cuốn mạnh mẽ đó. Và hai là, như bậc thầy truyện ngắn Sê-khốp đã nói đại ý: "Nếu ở đầu truyện bạn cho thấy một khẩu súng, thì cuối truyện ít nhất phải có một phát súng". Người đàn ông như một con đực kia lại xuất hiện đầy ắp, được nhân lên trong một cách thức lạ lẫm, như hoa đăng vỡ tung trên bầu trời hành hương của những người đàn bà. Cuộc hành hương về thánh địa nữ tính không thể có một kết thúc toàn mãn hơn nữa.

Mai Sơn

Cả bọn xôn xao chuyện trò, trong lúc chờ người bồi, lúc này đã vào bếp chuẩn bị bưng món. Và màn dạo đầu đã được dọn ra cho các nàng khai vị.

Tôi bỗng nhớ chàng, cặp mắt đen đăm đăm, lời dặn như gió thoảng, trước lúc đi: Em đừng đụng vào giọt rượu nào đấy. Chẳng cần biết tới lời dặn riêng tư ấy, bốn ly vang Pháp đã được một bàn tay búp măng đeo nhẫn ngọc tím rót ra hết sức cẩn trọng, đúng điệu, không rớt ra ngoài lấy một giọt. Tôi kín đáo chạm môi vào miệng ly, cố ngăn mình không nhắp một tị quyến rũ và sóng sánh nào của cái màu ruợu chát đỏ sậm khó chối từ ấy...

Khi má các nàng bắt đầu hồng lên, mắt đã long lanh, môi đã ướt rượt màu rượu vang và chuyện đã nở như cơm gạo vàng, thì anh bồi râu quai nón mới khệ nệ bưng một mâm cơm bốc khói, lần lượt đặt các món lên bàn, món nào cũng nóng sốt và thơm nức mũi. Đọc to tên từng món ăn, đầy vẻ thỏa mãn của một kẻ phục vụ thứ thiệt, anh bồi vui vẻ cáo lui, quăng lại sau lưng lời dặn: Cần gì thêm, các chị cứ gọi, em sẵn sàng hầu tiếp!

Bữa tối bắt đầu trong chiều muộn vùng núi đã ngả tối từ lúc nào không biết. Bóng tối miền sơn địa màu lam nhạt. Chung quanh bàn ăn, dưới chiếc dù xanh đỏ quảng cáo nước giải khát Mỹ, không biết sương chiều hay mây đang sà xuống. Từng dải mỏng mảnh những hạt nước trắng li ti, vấn vương, quấn quýt quanh chỗ chúng tôi ngồi. Cảm giác như đang ở một biển mây trên thiên đường.

Đang ăn, tôi bỗng nghe một tiếng ùm ngay bên cạnh. Một cô gái vừa nhảy xuống bể bơi, ngay cạnh chỗ chúng tôi ngồi, với chiếc áo bơi đỏ rực, nổi bật trong làn nước xanh sẫm ánh chiều tà. Khi cô bơi ngang chỗ tôi, thấy rõ cô đang bơi ếch, mũ cao su màu đỏ, kính bơi màu xanh. Một trong bốn nàng ngừng ăn, nhìn theo và cười to lên, nhận xét: Ô, lại thêm một nàng xuất hiện, thế là đủ ngũ long nhé. Số năm là số đẹp. Hai âm, ba dương, tam thiên lưỡng địa. Nào, nâng ly, chúc số năm may mắn... Số năm toàn đàn bà, không đàn ông, thật sướng, phải không?

Tôi thầm nghĩ, đúng ra anh bồi nên có mặt ở đây. Sẽ thành số sáu, và nếu có anh bồi râu quai nón ấy, ngũ long công chúa sẽ bớt âm hơn, và không chừng sẽ bớt cô đơn hơn...

Thế rồi bốn nàng lại ăn ăn uống uống vui vẻ náo nhiệt. Cô gái không quen và càng không biết mình đã được bốn nàng xếp chung vào ngũ long, cứ bơi đi bơi lại lòng vòng trong hồ, lúc này đã lên đèn, ánh đèn neon lạnh làm cho làn nước xanh lăn tăn ánh màu ngọc bích. Cô gái cứ bơi như thể với cô, cả thế gian này chỉ có việc bơi là đáng kể nhất. Một mình, miệt mài, chẳng bận tâm đến việc bể bơi hoàn toàn vắng lặng, chỉ mình cô cứ bơi, hết vòng này sang vòng khác, mặc kệ bốn kẻ cùng giới kia đang ăn uống rộn ràng ngay cạnh bên...

Bỗng tiếng tít tít báo hiệu tin nhắn điện thoại di động phát ra từ túi của tôi. Màn hình hiện lên mấy dòng ngắn: Tam Đảo lạnh lắm, em nhớ mặc ấm, đi ngủ nhớ đắp chăn. Nhớ em. Tôi cầm điện thoại vọt ra chỗ có ánh sáng đèn để nhắn tin lại. Không ngoái đầu, tôi vẫn nghe cùng lúc tiếng tít tít không hẹn mà kêu ở mấy máy di động xung quanh. Một máy còn đổ chuông dồn dập. Một kẻ vội vã đứng lên, rời chỗ ngồi, chạy sang phía bên kia bể bơi, tay cầm điện thoại dán chặt vào tai. Thật tiếc, Tam Đảo quá xa Hà Nội hay sao mà điện thoại của tôi không thể chuyển được tin nhắn. Năm lần bảy lượt bấm máy vẫn không gửi được tin, tôi tràn trề ngao ngán. Lại tiếng lanh lảnh của kẻ chưa chồng, ôi, chàng hôm nay dễ thương quá, nhắn tin bằng thơ nữa này... Rồi đọc véo von: Người đi Tam đảo, Ngũ hồ. Kẻ về khóc trúc than ngô một mình...

Phút chốc, bữa cơm rã đám. Chẳng nàng nào còn lòng dạ nào ăn uống, đùa cợt và ầm ĩ đại ngôn rằng chẳng cần đàn ông, đời vẫn cứ vui. Cái vui đang ồn ào bỗng bay biến, chẳng lẽ chỉ vì sự hiện diện ở đâu đó rất xa của bốn người đàn ông, thông qua bốn cái điện thoại di động bé con kia? Lại một tiếng cười khanh khách nữa: Giời ơi, chàng nhắn một câu nghe trữ tình quá trời. Biết tỏng vợ đi họp ở Tam Đảo, lại còn hỏi: Giờ này em ở đâu hả con giời? Tất cả cùng phá lên cười, những tiếng cười như pha lê vọng vang trong khoảng không phố núi mù sương.

Đúng lúc những chuỗi cười giòn tan còn chưa tắt, một tiếng chuông điện thoại phát ra từ chỗ để quần áo của cô gái đang bơi. Áo bơi đỏ liền nghiêng mình quay phắt lại, ào ào bơi về phía tiếng chuông, ngoi lên bờ, rút vội chiếc điện thoại áp vào tai và nở một nụ cười tươi rói... Thế là người đàn bà thứ năm cũng lại nấu cháo điện thoại ở góc bên kia hồ bơi, nói cười cười nói suốt nửa tiếng đồng hồ trong bộ đồ bơi ướt đẫm, mà chẳng hề thấy cô nàng rùng mình vì lạnh.

Tam Đảo về đêm càng đậm đặc mây, càng lạnh dịu như muốn lả đi trong sương trắng. Một buổi tối của bốn kẻ đàn bà đi họp và một kẻ đi bơi đơn độc bỗng tan vỡ bởi ngập tràn tin nhắn, bỗng ắp đầy mơ mộng bởi những cú điện thoại đường dài. Những kẻ đàn ông xa mặt ấy có vẻ chẳng hề muốn cách lòng với những người đàn bà của mình, phải chăng?

Tôi chẳng biết mình có quá lạc quan không, khi cứ đoan chắc rằng năm kẻ đã gây ra những cuộc điện thoại xáo trộn ấy cho năm nàng, cứ nhất thiết phải là đàn ông? Và còn dám chắc rằng, những kẻ đàn ông ấy không hề biết, bằng những cú nhắn tin và điện thoại ấy, họ đã vô tình phá vỡ một cuộc hạnh ngộ chỉ toàn đàn bà ở một vùng núi non xa Hà Nội. Họ càng chẳng hay rằng đã làm cho Tam Đảo thơ mộng thêm bao nhiêu, ấm áp, nồng nàn thêm bao nhiêu, dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi cuối chiều...

Trong mờ ảo phố núi về đêm, người đàn ông tôi yêu, người đàn ông có khuôn mặt đăm đắm vừa nhắn tin cho tôi, bỗng trở nên mờ xa, hệt ngôi sao xa xanh kia, không sao với tới được, đang nhấp nhánh đâu đó ở cuối trời...

Ngôi sao ảo ảnh ấy, vẻ đẹp xa xăm ấy, hình như đã khiến tôi lúc nào cũng khắc khoải đợi chờ, ước ao, ngóng trông, tìm kiếm... Mất cả đời đi tìm người đàn ông của mình, như một thứ hạnh phúc quá chói chang, lộng lẫy, song chắc gì đã thấy, chắc gì đã gặp?

Mà sương đang xuống quá dày...

N.T.M.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.