Hai miền Triều Tiên đua nhau tăng cường sức mạnh

25/03/2014 09:45 GMT+7

Kể từ sau vụ chìm tàu chiến Cheonan cách đây 4 năm, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên gấp rút trang bị những vũ khí mới để ứng phó lẫn nhau.

Kể từ sau vụ chìm tàu chiến Cheonan cách đây 4 năm, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên gấp rút trang bị những vũ khí mới để ứng phó lẫn nhau.

Hai miền Triều Tiên đua nhau tăng cường sức mạnh
Hàn Quốc (trái) và Triều Tiên đều đang tăng cường các vũ khí, khí tài mới - Ảnh: The Guardian/AFP

Đến ngày mai 26.3 là đúng 4 năm ngày xảy ra vụ tàu hải quân Cheonan của Hàn Quốc bất ngờ phát nổ và chìm ở Hoàng Hải, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Một đội điều tra quốc tế do Seoul dẫn đầu kết luận tàu trúng ngư lôi của Triều Tiên, cáo buộc mà nước này cực lực bác bỏ. Chỉ 8 tháng sau vụ tàu Cheonan, giữa 2 miền Triều Tiên xảy ra đọ pháo, làm chết 4 người trên đảo tiền tiêu Yeonpyeong của Hàn Quốc.

Từ đó đến nay, Hàn Quốc không ngừng nâng cấp khả năng phòng thủ dọc biên giới biển phía tây, triển khai thêm tàu ngầm, vũ khí chống ngư lôi cũng như tăng cường đạn pháo trên các đảo ở Hoàng Hải. “Sau vụ tàu Cheonan, hải quân Hàn Quốc triển khai các tàu hộ tống tiên tiến, tàu cao tốc được trang bị tên lửa cùng máy bay tuần tra biển để cải thiện khả năng tác chiến”, Chuẩn đô đốc Choi Yang-sun, người giám sát chương trình trang bị vũ khí của hải quân Hàn Quốc, tiết lộ với Yonhap. Quân đội Hàn Quốc còn trang bị cho tàu chiến và tàu ngầm nhiều tên lửa hành trình với tầm bắn trên 1.000 km cũng như triển khai thêm các tàu hộ vệ 2.300 tấn. Ngoài ra, 15 khu trục hạm sở hữu hệ thống định vị sonar hiện đại có khả năng phát hiện tàu ngầm cũng đã được huy động tới các vùng biển ở đông và phía tây.

Bên cạnh đó, Cơ quan quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) vừa thông báo sẽ sớm nâng cấp hệ thống phòng không PAC-2 và mua tên lửa PAC-3 để gia cố khả năng chống tên lửa đạn đạo từ miền bắc, theo Yonhap. DAPA cũng đã thông qua kế hoạch phát triển hệ thống phóng rốc két đa nòng để nâng tầm bắn từ 23 - 36 km hiện nay lên 70 - 80 km.  

Triều Tiên đóng tàu mới

Đáp lại các động thái quân sự của Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên được cho là cũng liên tục gia tăng hoạt động của hạm đội tàu ngầm cũng như huấn luyện cho các đơn vị pháo binh đóng dọc bờ biển đồng thời tiến hành nhiều cuộc diễn tập đổ bộ. Yonhap dẫn một số nguồn tin quân sự và tình báo từ Seoul cho hay miền Bắc đã triển khai khoảng 70 tàu đệm khí ở bờ biển phía tây và 60 tàu ở phía đông. Bình Nhưỡng còn được cho là vừa đưa vào sử dụng tàu tác chiến mới loại tàu 200 tấn được trang bị súng có tầm bắn xa hơn so với trước và mỗi năm bổ sung thêm 1 - 2 tàu ngầm nhỏ vào đội tàu ngầm 70 chiếc của họ.

Hiện nay, Hàn Quốc đang rất quan tâm đến thông tin nói Triều Tiên đang đóng loại tàu cao tốc cơ động VSV. Theo Yonhap, với kích thước chỉ dài 10 - 15 m, có thể đạp sóng chạy với vận tốc 100 km/giờ, tàu VSV sẽ giúp lực lượng biệt kích nâng cao khả năng xâm nhập qua đường biển và đổ bộ vào các đảo tiền tiêu của miền Nam. Loại tàu này được đánh giá là linh hoạt và nhanh hơn nhiều so với tàu đệm khí, vốn là khí tài đổ bộ cho biệt kích chủ yếu hiện nay của Triều Tiên. “Nếu VSV được triển khai cùng tàu ngầm nhỏ đang được vận hành, đây sẽ là mối đe dọa lớn”, một quan chức Hàn Quốc cảnh báo với Yonhap.

Triều Tiên treo bảng “Trung Quốc kẻ thù”

Ngày 24.3, tờ Chosun Ilbo loan tin Học viện Quân sự Kang Kon ở Triều Tiên vừa treo lại các tấm khẩu hiệu ghi câu nói của Chủ tịch Kim Nhật Thành rằng Trung Quốc là “kẻ phản bội và kẻ thù của chúng ta”. Tuyên bố trên được đưa ra hồi năm 1992 khi Trung Quốc khiến Triều Tiên nổi giận với quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc. Theo nguồn tin của Chosun Ilbo, các khẩu hiệu sau đó được gỡ xuống nhưng thường được treo trở lại mỗi khi Bình Nhưỡng có các động thái khiến dư luận quốc tế, gồm cả Trung Quốc, quan ngại. Cụ thể, chúng từng xuất hiện vào năm 2009 sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần 2. Mới đây, lãnh đạo Kim Jong-un được cho là đã ra lệnh treo lại khẩu hiệu sau khi Trung Quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt của HĐBA LHQ do Triều Tiên phóng tên lửa đẩy vệ tinh và thử hạt nhân lần 3 hồi năm ngoái. Chosun Ilbo dẫn nguồn tin từ Bình Nhưỡng cho hay tại Kang Kon còn có các khẩu hiệu kêu gọi binh sĩ có “cách nhìn thích hợp” về Trung Quốc và “phát động cuộc cách mạng trên bán đảo Triều Tiên mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài”. “Lập trường của chính quyền Triều Tiên là dựa vào chứ không tin tưởng Trung Quốc”, nguồn tin khẳng định. “Đó là lý do tại sao miền Bắc không sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân dù bị sức ép từ Trung Quốc”, ông Kim Chong-song, một người đào tẩu từng giữ vị trí cấp cao ở Bình Nhưỡng, nhận định với Chosun Ilbo. Bình Nhưỡng và Bắc Kinh chưa có phản ứng về thông tin trên, vốn xuất hiện trong tình hình bán đảo Triều Tiên đang có phần nóng lên sau khi Triều Tiên bắn 46 tên lửa tầm ngắn hồi cuối tuần còn Hàn Quốc và Mỹ đang tiến hành tập trận chung.

Minh Trung

Văn Khoa 

>> Triều Tiên liên tiếp bắn tên lửa
>> Triều Tiên bắn 30 tên lửa tầm ngắn
>> Triều Tiên bắn thử nghiệm 30 tên lửa tầm ngắn
>> Triều Tiên bắn thử nghiệm 25 tên lửa tầm ngắn
>> Triều Tiên ‘phủi tay’ với tàu chở dầu trốn khỏi Libya 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.