Cổ Vật Kỳ Duyên - Kỳ 6: Lưu lạc sách đồng nhà Nguyễn

03/05/2014 09:00 GMT+7

Thất lạc từ trước năm 1975, bộ sách bằng đồng (đồng sách) của vị hoàng tử con vua Gia Long được phát hiện tại Quảng Nam như một duyên may hiếm có.

>> Cổ Vật Kỳ Duyên - Kỳ 5: Bí ẩn tượng Bà khỏa thân
>> Cổ Vật Kỳ Duyên - Kỳ 4: Giải cứu súng thần công Nghĩa hội
>> Cổ vật Kỳ Duyên - Kỳ 3: Vết chém trên tượng Bắc đế
>> Cổ Vật Kỳ Duyên - Kỳ 2: Trống đồng suýt làm mâm cơm
>> Cổ Vật Kỳ Duyên: Tìm chân cho tượng Shiva


Bìa và trang sách được khắc chữ tinh xảo - Ảnh: H.X.H 

“Không biết mua hớ hay ghìm giá”

Một ngày đầu tháng 3.1994, một người đàn ông thay mặt nhóm rà tìm phế liệu đến gặp nhân viên Bảo tàng Điện Bàn (Quảng Nam) để điều đình bán một số sách đồng. Chị Đinh Thị Hiệp, cán bộ phụ trách Bảo tàng Điện Bàn, đã tham gia cuộc định giá. “Việc ngã giá thuần túy do nhiệt tình bảo vệ di sản văn hóa và làm theo khả năng kinh phí của cơ quan, chứ chúng tôi hoàn toàn không biết như thế là đã mua hớ hay ghìm giá”, chị Hiệp nhớ lại số tiền 1,5 triệu đồng mua hiện vật, theo thời giá 20 năm trước.

Những trang sách đúc bằng đồng rồi khắc chữ Hán trên một mặt, lề có khoét 4 lỗ móc khoen để ghép các tờ với nhau, bìa sách chạm trổ tinh tế. Để “đánh thức” cổ vật, ròng rã 6 tháng liền bảo tàng nhờ người phiên dịch, nhưng các trang sách bị xáo trộn do những người rà phế liệu tò mò tháo ra xem đã khiến thông tin thu được rất lộn xộn, tối nghĩa… Mãi rồi lai lịch sách đồng cũng hé lộ và gây bất ngờ, vì món tưởng là đồng nát ấy lại liên quan đến hoàng tộc triều Nguyễn. Cả thảy 5 tư liệu ghép vào 4 cuốn, với nội dung phong tước Kiến An công, Kiến An vương cho Nguyễn Phước Hiệu - hoàng tử thứ 5 của vua Gia Long, phong tước Kiến An quận công cho con trưởng của Kiến An vương cùng các bản Ngự chế tự (bài tựa của vua Minh Mạng khi làm 10 bài thơ quy định chữ lót cho 20 đời con cháu), Kiến An hệ (bài thứ 2 trong số 10 bài phiên hệ thi).

Xin lại gia phả quý

Xét về mặt văn bản, những hiện vật này xuất hiện cách đây ngót nghét 150 - 200 năm, từ năm 1817 đến năm 1855. Nhưng chất liệu gốc thì thay đổi, từ vàng sang đồng và đúc lại dưới thời vua Tự Đức. Mặc dù vậy, nội dung sách phong và tư liệu của nhà Nguyễn ghi trong các cuốn sách đồng mới thật sự quý giá. Lời lẽ do vua ban mỗi khi phong tước cho thành viên hoàng tộc hay ghi trong Ngự chế tự đều thể hiện niềm tin và biểu đạt nhiều giá trị trong ứng xử. Như sách phong Kiến An công cho hoàng tử Hiệu của vua Gia Long có đoạn: “…Trao cho sách ấn, ngươi nên biết nỗi khó khăn của nghiệp làm vua cùng điều chẳng dễ của việc làm tôi, tất sẽ biết ngày đêm kính sợ giữ phép, thân mới nhẹ nhõm, tâm mới bền bỉ, đức mới đạt”.

Vua Tự Đức khi tập phong Kiến An quận công cho con trưởng của Kiến An vương cũng phủ dụ: “Ban cho sách mệnh để ngươi nhớ mãi lòng nối dõi đạo nhà, gắng gỏi học vấn nối đức của vương, ngõ hầu không bỏ mất tiếng tăm của gia đình”.

Cũng bởi những giá trị thông tin này mà hậu duệ Kiến An vương xem các bộ sách đồng này là gia phả quý. Tháng 9.2010, ông Nguyễn Phúc Dzu Hàn, người chăm lo hương khói và chăm sóc lăng mộ Kiến An vương, đã gửi đơn đến UBND H.Điện Bàn xin “thỉnh lại bộ đồng sách gia phả” về thờ tại phủ (tọa lạc ở tổ 3, khu vực 1, P.Vỹ Dạ, TP.Huế) như xưa. Trong đơn, ông Dzu Hàn cho hay Kiến An vương đã cùng con cháu mở ra phòng 5 - phòng Kiến An vương thuộc đệ nhất chánh hệ Nguyễn Phúc tộc. Do chiến tranh loạn lạc, bộ đồng sách bị thất lạc từ trước năm 1975 và bà con vẫn luôn mong ước có ngày sẽ tìm lại được… Tuy nhiên, nguyện vọng của ông Dzu Hàn không được đáp ứng.

Vẫn chưa biết đến bao giờ gia phả đặc biệt này mới “châu về hợp phố” với hoàng tộc nhà Nguyễn. Riêng Bảo tàng Quảng Nam đã vào cuộc phục chế bằng tài nghệ của nghệ nhân làng đúc Phước Kiều xứ Quảng.

Vàng đổi thành đồng

Vốn dĩ làm bằng vàng từ thời Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức nhưng sau đó những kim sách (sách phong bằng vàng) này đã bị cấp đổi (cải cấp) ra chất liệu đồng và khắc in lại. Cả 3 lần sách quý “cải cấp” đều xảy ra dưới thời Tự Đức, như thông tin ghi trong các cuốn sách đồng. Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Trần Đức Anh Sơn cho biết nguyên do “cải cấp” liên quan đến Hòa ước Nhâm Tuất (1862). Để bồi thường chiến phí cho Pháp, ngoài việc thu gom vàng bạc trong quốc khố và thu hồi bảo vật đang trưng bày trong các cung điện đúc thành thỏi, vua Tự Đức cũng lệnh cho các hoàng thân, hoàng tử, công chúa... nộp lại kim ấn, kim sách; sau đó cấp lại ấn, sách bằng đồng.  

Hứa Xuyên Huỳnh

>> Trưng bày 500 cổ vật văn hóa Óc Eo, Champa và Khmer
>> Mở đường, phát hiện nhiều cổ vật
>> Đà Nẵng xôn xao vụ phát hiện cổ vật từ 500 năm trước 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.