2008, nền giáo dục nước nhà đi về đâu?

01/01/2008 01:32 GMT+7

Năm 2007, nền kinh tế nước ta đã có tốc độ tăng trưởng khá cao; thế và lực của đất nước ta lại được nâng lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, những thách thức và trở ngại trên nhiều lĩnh vực cũng trở nên gay gắt hơn và đáng lo ngại hơn.

Đương nhiên đó là những khó khăn trên con đường phát triển: giải quyết tốt thì tiếp tục đi lên, lúng túng để mất cơ hội thì lại tụt hậu, tụt hậu xa thêm nhiều nữa. Trong số những vấn nạn cần được giải quyết triệt để thì vấn nạn về giáo dục nổi lên như là một vấn đề cấp bách nhất, quyết liệt nhất, cả cho trước mắt lẫn cho lâu dài. Hy vọng rằng 2008 sẽ là năm khởi sắc của nền giáo dục nước nhà. Khởi sắc không phải trên bề nổi bằng các hoạt động kiểu vận động phong trào mà bắt đầu từ việc nhận thức lại mục đích cuối cùng của giáo dục hiện đại là:

1/ Hình thành những khối óc được rèn luyện tốt; đào tạo những con người có đủ năng lực tổ chức và liên kết các trí thức để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân mình và cho toàn xã hội chứ không phải nhồi nhét kiến thức theo kiểu chất vào kho.

2/ Giáo dục về hoàn cảnh con người, làm cho mọi người có ý thức sâu sắc thế nào là một con người. Dạy cho thế hệ trẻ cách sống, chuẩn bị cho họ biết cách đối mặt với những khó khăn và những vấn đề chung của cả loài người.

3/ Thực tập tư cách công dân của đất nước và của toàn thế giới; có năng lực đối thoại, khoan dung trong thế giới phức hợp và đa dạng. (Xem cEdgar Morin, Liên kết tri thức, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2005).

Chúng ta đã từng có những nhà trường tốt, kể cả trong thời kỳ chiến tranh và thời kỳ khó khăn nhất về kinh tế trước Đổi mới. Thế rồi, cùng với quá trình Đổi mới của đất nước, những nhà trường tốt ấy cứ tuột dần, tuột dần khỏi tay chúng ta sau nhiều lần cải cách.

Cải cách giáo dục (CCGD) là một tiến trình nối tiếp các cuộc cải cách gắn liền với yêu cầu phát triển của đất nước trong các giai đoạn khác nhau. Đó là yêu cầu cấp thiết, là việc làm thường xuyên của các quốc gia phát triển và đang phát triển. Giống như các nước khác: chúng ta cũng đã từng tiến hành các cuộc CCGD (chính thức cũng như không chính thức). Nhưng lại khác xa so với nhiều nước: họ làm rất có hiệu quả, còn ta làm đã có nhiều bất cập, đặc biệt là trong suốt thời kỳ Đổi mới cho đến nay, để đến nỗi bây giờ lại phải đặt vấn đề cải cách triệt để và toàn diện (hay là phải làm một cuộc cách mạng giáo dục thực sự như ý kiến của nhiều người tâm huyết).

Hãy lấy Hàn Quốc làm ví dụ. Kể từ khi độc lập cho đến nay, trong vòng 50 năm, họ đã tiến hành 7 cuộc CCGD. Các cuộc cải cách trước năm 1990 tập trung vào mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của cuộc công nghiệp hóa. Trước khi xúc tiến cuộc cải cách lần thứ 7, vào thập kỷ 90 của thế kỷ vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu Bộ Giáo dục tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả 6 cuộc cải cách trước để có cơ sở hoạch định một cuộc cải cách mới, đáp ứng đòi hỏi của xu thế toàn cầu hóa và xã hội thông tin. Hình như Hàn Quốc không hề tuyên bố "Khoa học và Giáo dục là quốc sách hàng đầu", nhưng trên thực tế thì họ đã làm còn nhiều hơn thế nữa!

Cũng trong nửa cuối thế kỷ trước, chúng ta đã tiến hành 4 cuộc cải cách chính thức. Cần thiết phải nhắc lại cuộc cải cách đầu tiên, năm 1945, ngay sau khi giành được độc lập, với chương trình Việt ngữ hóa tất cả các giáo trình của tất cả các cấp học, kể cả đại học. Cuộc cải cách lần thứ hai, năm 1950, chuyển từ hệ tú tài phân ban cũ sang hệ phổ thông 9 năm. Sau hòa bình lập lại, năm 1956, cuộc cải cách lần thứ ba chuyển từ hệ phổ thông 9 năm sang hệ phổ thông 10 năm với chương trình và sách giáo khoa của các cấp giống như của Liên Xô cũ. Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1980, chúng ta bắt đầu cuộc cải cách lần thứ tư để thống nhất chương trình phổ thông 12 năm trên toàn quốc.

Bắt đầu từ thời kỳ Đổi mới cho đến nay chưa có một cuộc cải cách nào được chuẩn bị một cách có hệ thống và được công bố chính thức. Có lẽ phải nhắc đến cuộc thử nghiệm khá bài bản trên địa bàn khá rộng của Đề tài cấp nhà nước mã số 87-54-026: "Mô hình nhà trường tổ chức sự phát triển tối ưu của trẻ em Việt Nam hiện tại bằng giáo dục thực nghiệm".  Từ năm 1995, cuộc thử nghiệm này đã phải ngừng lại vì nhiều ý kiến bất đồng. Sau đó chỉ có các "Đề án Đổi mới" riêng rẽ được thực hiện theo tinh thần Chỉ thị 14 (1979) của Bộ Chính trị, Nghị quyết 40 và 41 (2000) của Quốc hội và gần đây nhất là Nghị quyết 05 (2005) của Chính phủ. Tiếc thay các "Đề án Đổi mới" này (về phân ban, về chế độ thi cử, về chương trình và sách giáo khoa,) đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo triển khai một cách vội vã, chắp vá, thiếu khoa học, kém hiệu quả và rất lãng phí... như dư luận xã hội bấy lâu nay không ngừng phê phán gay gắt. Năm 2007 lại là một năm vô cùng đặc biệt. Bộ GD-ĐT đã đề xuất hàng loạt sáng kiến: nào là các phong trào "Nói không với các loại tiêu cực"; nào là các đề án  "Tăng học phí", "Đào tạo 20.000", "Đại học đẳng cấp quốc tế", "Hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên", "Cổ phần hóa các Đại học công"... Nhưng hình như dư luận xã hội càng bức xúc hơn và có phản ứng càng gay gắt hơn (Những vấn đề giáo dục hiện nay- Quan điểm và giải pháp, NXB Tri thức, 12.2007).

Nhiều ý kiến cho rằng ý nghĩa và mức độ thành công của các cuộc cải cách cũng như các "Đề án Đổi mới" kể trên cứ đuối dần, kém dần... Đã đến lúc chúng ta phải bình tĩnh nhìn nhận lại một cách nghiêm túc những "cải cách" và "đổi mới" vừa qua để soạn thảo một chiến lược chấn hưng nền giáo dục nước nhà với một tư duy hoàn toàn mới mẻ. Thomas Edison (1847-1931, Mỹ) đã nói một câu bất hủ: "Người ta chẳng bao giờ có thể phát minh ra được đèn điện nếu chỉ chăm chú đến việc cải tiến cái đèn dầu".

Nếu năm 2008, nền giáo dục nước nhà lại trở về quỹ đạo đúng để từ đó bứt phá lên như ý nguyện của toàn dân thì đó là hồng phúc của nước nhà.

Chu Hảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.