Bí mật vũ khí năng lượng của Nga

01/01/2008 22:42 GMT+7

Kỳ cuối: Đối mặt thách thức Hiện Nga vẫn đủ sức cung cấp dầu lửa, khí đốt cho khách hàng nhưng cũng đã xuất hiện nhiều yếu tố đe dọa đến loại "vũ khí chiến lược" này.

Cung và cầu

Theo những số liệu công khai, Tập đoàn Gazprom là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất trên thế giới khi "làm chủ" nguồn dự trữ khí thiên nhiên chiếm khoảng 16% trữ lượng thế giới, trữ lượng dầu mỏ 119 tỉ thùng, chỉ đứng sau Ả Rập Xê Út và Iran. Hiện nay, Gazprom cung cấp đến 20% lượng khí đốt toàn cầu và đủ sức để đảm bảo cho mọi khách hàng tránh được bất kỳ cuộc khủng hoảng năng lượng nào có thể xảy ra trong lương lai.

Tuy nhiên, tháng 3.2007, tờ The Econnomist cho rằng trái với những điều đã được công bố, có thể Nga sẽ không sản xuất đủ khí đốt để đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của các khách hàng. Tháng 12.2007, Tạp chí Newsweek khẳng định rằng Gazprom có vô số khách hàng nhưng lại có rất ít khí đốt và đưa ra những bằng chứng đáng lo ngại như sau: trong vài năm gần đây, sản lượng khai thác dầu trong 3 khu vực khai thác lớn nhất của Gazprom (chiếm 3/4 tổng sản lượng của tập đoàn) đã sụt giảm từ 6 - 7% mỗi năm; sản lượng khai thác ở những khu vực mới cũng đã lên tới đỉnh điểm kể từ năm 2001. Năm 2006, Gazprom quyết định sẽ có kế hoạch khai thác một mỏ dầu lớn ở bán đảo Yamal ở gần Bắc cực, nhưng tập đoàn này còn phải mất nhiều năm mới có thể lấy được dầu từ khu vực này.

Trong thời gian tới đây, Nga còn phải đối phó với nhu cầu khí đốt trong nước tăng ở mức không dưới 2% mỗi năm. Trường hợp sản lượng khí đốt tiếp tục giảm, theo một báo cáo mới đây của Bộ Công nghiệp và Năng lượng Nga, giá gas sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện nay. Do vậy, nếu chỉ cần lượng khí đốt của Nga sản xuất không đủ nhu cầu trong nước thôi cũng sẽ đe dọa trực tiếp đến nguồn điện năng nội địa chứ chưa nói gì đến chuyện quan hệ và làm ăn của Nga với các đối tác EU.

Trung Á "thay lòng"

Điều khiến người ta ngạc nhiên là sản lượng khí đốt do Gazprom đưa ra thị trường chỉ vừa đủ cho nhu cầu nội địa. Nếu vậy, Gazprom lấy đâu ra khí đốt đủ để bán cho khách hàng bên ngoài? Thực tế, tập đoàn này đã trông cậy hoàn toàn vào khoảng 80 tỉ m3 mà họ mua rẻ từ Trung Á vận chuyển về để bán lại cho các khách hàng châu u và chính những khách hàng này đã mang lại 21 tỉ USD cho Gazprom trong quý II/2007. Đây không phải là điều mới mẻ trong phương thức buôn bán khí đốt từ Trung Á của Gazprom: tính đến đầu năm 2007, tập đoàn này đã mua với giá 65 USD/1.000m3 khí đốt của Turkmenistan, sau đó vận chuyển về châu u để bán cho các khách hàng Tây u với giá trung bình 250 USD. Các khách hàng Áo, Đức, Hungary, Ý và Romania được mua với giá "ưu đãi" 230 USD, còn Georgia mua lại với giá cao hơn 235 USD/1.000m3.

Tuy nhiên, tương lai có vẻ rất không sáng sủa với Gazprom khi một số nước láng giềng của Nga đã bắt đầu xem xét đến việc xây dựng những đường ống cho riêng họ. Điều nguy hiểm hơn với Gazprom là mặc dù tập đoàn này đã ký nhiều hợp đồng hợp tác khai thác dầu với một số nước Trung Á nhưng một số quốc gia khu vực này như Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan đang bắt đầu xem xét lại những hợp đồng khai thác dầu lửa với một số nước trong đó có Trung Quốc, Nga.

Năm 2006, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã ký kết với nhà lãnh đạo Turkmenistan Saparmurat Niyazov một hợp đồng mua dầu lửa có thời hạn tới 30 năm đồng thời sẽ tài trợ để xây dựng đường ống dẫn dầu từ Turkmenistan đến Trung Quốc. Turkmenistan cũng đồng ý bán dầu cho Iran. Với Kazakhstan, đối tác dầu lửa một thời này của Nga đã công bố kế hoạch tăng sản lượng khai thác dầu lửa hằng năm của họ. Tuy nhiên, một phần lớn trong số này sẽ được bán cho Trung Quốc qua những tuyến vận chuyển dầu lửa mới do Trung Quốc tài trợ và không đi qua Nga.

EU đối phó

rước thực trạng gần như phụ thuộc vào một nguồn năng lượng duy nhất đang có vấn đề bất ổn như vậy, EU đã kêu gọi các nước thành viên phá bỏ những cam kết, hợp nhất các công ty dầu lửa, khí đốt giữa các quốc gia này để thiết lập những nhà cung cấp năng lượng độc lập. Tại các phiên họp thượng đỉnh EU gần đây, nhiều nước đã cam kết tiến tới tách biệt giữa các hoạt động cung cấp và sản xuất dầu lửa, khí đốt với lĩnh vực vận chuyển, phân phối. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền sở hữu của một số công ty nhưng cũng sẽ tăng tính cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dầu lửa, khí đốt trong EU và giảm bớt sự phụ thuộc của EU vào Nga.

Các lãnh đạo EU cũng tính đến việc sẽ xây dựng những trạm hóa lỏng gas (LNG) cho phép họ được nhận dầu lửa, khí đốt từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng tới đây EU sẽ nhận được nguồn khí đốt từ châu Phi và Trung Đông thông qua các trạm LNG và họ sẽ có một số lượng các trạm LNG gấp 4 lần vào khoảng năm 2030. Do vậy, Nga sẽ phải đối mặt với những đối thủ dầu lửa ngang ngửa đang đến từ châu Phi và Trung Đông.

Tuy nhiên, mọi dự tính của EU vẫn chưa được triển khai một cách hữu hiệu trên thực tế bởi họ đã quen với sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga và việc thay đổi bản chất quan hệ này đòi hỏi tốn kém rất nhiều về mặt  kinh tế cũng như phải có thời gian. "Chúng tôi biết rằng cần phải làm điều gì đó với Nga, tuy nhiên vẫn chưa xác định được", một quan chức EU đã thốt lên như vậy. Với Gazprom, họ có vẻ như không hề lo lắng trước tình hình này. "Chúng tôi không hề quan ngại đến việc Trung Quốc là một đối thủ dầu lửa ở Trung Á", người phát ngôn I.  Volobuyev của tập đoàn tuyên bố. "Chúng tôi đã có những hợp đồng dài tới 25 năm với Turkmenistan, những hợp đồng này dài hơn so với những hợp đồng với EU và họ sẽ phải thực hiện những cam kết này".

> Kỳ 1: Sự phụ thuộc của Châu u

Hiếu Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.