Thế giới bồi hồi chờ đón năm mới

31/12/2011 14:40 GMT+7

(TNO) Sau một năm đánh dấu bởi làn sóng các cuộc nổi dậy, những thảm họa tự nhiên kinh hoàng và tình trạng bất ổn kinh tế tiếp diễn, hàng triệu người trên toàn thế giới chờ đón năm 2012 với nhiều nỗi hân hoan song kèm theo đó cũng là không ít sầu muộn.

(TNO) Sau một năm đánh dấu bởi làn sóng các cuộc nổi dậy, những thảm họa tự nhiên kinh hoàng và tình trạng bất ổn kinh tế tiếp diễn, hàng triệu người trên toàn thế giới chờ đón năm 2012 với nhiều nỗi hân hoan song kèm theo đó cũng là không ít sầu muộn.


Pháo hoa ở Sydney - Ảnh: Reuters

Không khí lễ hội khởi đầu trước hết tại Thái Bình Dương, với việc dân cư ở đảo Samoa sẽ chào đón năm mới vào lúc 10 giờ, giờ GMT, ngày 31.12 (15 giờ, giờ Việt Nam).

Đảo quốc tại Thái Bình Dương vừa mới từ nơi cuối cùng trên thế giới đón ánh bình minh, trở thành nơi đầu tiên sau khi thực hiện việc chuyển dịch sang phía đông đường đổi ngày để bỏ qua ngày thứ sáu, 30.12, đến thẳng ngày thứ bảy, 31.12, từ đêm thứ năm.

Từ đây, những cuộc chè chén nửa đêm sẽ tiến dần sang phía tây cùng các màn bắn pháo hóa ở Sydney, Moscow và London…

Từ Quảng trường Thời đại tại New York cho đến cổng Brandenburg ở Berlin và khu cảng đông đúc tại Hồng Kông, đám đông sẽ tụ tập để chào đón năm 2012 trong buổi dạ tiệc của âm nhạc, tiếng động và ánh sáng.

Tại Úc, hơn 1,5 triệu người dự kiến sẽ tập trung tại những vị trí thuận lợi dọc cảng Sydney để chứng kiến màn bắn pháo hoa ngoạn mục với trung tâm là cầu cảng Sydney.

Bảy tấn thuốc nổ sẽ được sử dụng để thắp sáng bầu trời trong màn trình diễn rực rỡ lúc nửa đêm vốn thu hút sự chú ý của toàn thế giới.

Thị trưởng Sydney Clover Moore nói với AFP: “Mỗi năm, chúng tôi đều muốn bảo đảm rằng lễ hội của chúng tôi sẽ hoành tráng hơn năm trước”.

Tại London, người dân sẽ chạm ngõ năm 2012, năm nước này tổ chức Olympic, với pháo hoa vút cao từ dòng sông Thames khi tiếng chuông của tháp Big Ben gióng lên vào nửa đêm trong màn trình diễn được theo dõi bởi hơn 250.000 người ở hai bên bờ sông.

Tại Paris, hàng chục ngàn người dự kiến tập trung tại đại lộ Champs-Elysees hoa lệ để đánh dấu màn ăn mừng nổi tiếng với tên gọi lễ thánh Sylvestre trong khi tại Stockholm, pháo hoa sẽ được nhìn thấy ở khắp thành phố.


Đại lộ Champs-Elysees lộng lẫy hoa đèn - Ảnh: Reuters

Tại Amsterdam, người dự tiệc háo hức chờ đón nụ hôn đầu tiên của hai con búp bê khổng lồ mang hình ảnh một bé trai và bé gái Hà Lan trong y phục truyền thống vốn sẽ bước đến giáp mặt nhau khi những giây cuối cùng của năm 2011 trôi qua.

Tại Rio de Janeiro, Brazil, hai triệu khách tham dự dạ tiệc trắng dự kiến sẽ đón năm mới tại bờ biển Copacabana nổi tiếng.

Và hơn một triệu người ưa náo nhiệt sẽ đổ về Quảng trường Thời đại ở New York, nơi ca sĩ nhạc pop Lady Gaga cùng giọng nam cao Placido Domingo nằm trong số những ngôi sao tên tuổi sẽ trình diễn trong buổi tiệc.

New Zealand là một trong những nơi đầu tiên đón chào năm mới song các cơn mưa lớn tại hầu hết các nơi trên đất nước đã làm cụt hứng người dân tại đây. Hai lễ hội lớn ở đảo Bắc đã bị hủy bỏ vì thời tiết trong khi mực nước dâng cao buộc người dân thành phố Nelson ở đảo Nam phải sơ tán.


Hơn một triệu người sẽ đổ về Quảng trường Thời đại - Ảnh: AFP

Tai Nhật, đất nước vẫn còn oằn mình với hậu quả của thảm họa động đất, sóng thần vào tháng 3, các gia đình kéo đến đền chùa để cầu mong cho một năm mới may mắn hơn.

Tuy nhiên, những người sơ tán từ cuộc khủng hoảng hạt nhân nói họ không có hứng ăn mừng sau khi bị di dời ra xa nhà cửa và những người yêu thương.

Yuji Takahashi, một trong 1.000 người dân sơ tán hiện sống tại khu chung cư 36 tầng ở Tokyo nói với AFP: “Tôi không thể nói "Chúc mừng năm mới" khi tôi không thấy hạnh phúc. Tết là dịp thú vị khi gia đình và họ hàng tôi tề tựu cùng nhau ăn mừng song họ đã ly tán và hiện sống tách biệt vì sự cố hạt nhân”.

Tại Philippines, nơi trận lũ chết người xuất phát từ cơn bão Washi đã quét sạch nhiều ngôi làng phía nam đất nước và lấy đi mạng sống của gần 1.500 người, ngày đầu năm mới dự kiến sẽ là một thời điểm buồn bã và u ám.

Người đứng đầu Cơ quan Phòng vệ Dân sự Benito Ramos chia sẻ với AFP: “Người dân nước tôi vẫn quay cuồng với hậu quả của cơn bão, đặc biệt là những ai mất đi người thân”.

Sơn Duân

>> Rồng phun hoa tại đường hoa Nguyễn Huệ tết Nhâm Thìn
>> Nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế cùng đón Năm mới 2012
>> Sài Gòn tất bật đón chào năm 2012

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.