Hà Nội: Người trồng rau “bỗng dưng muốn khóc”

27/12/2008 11:07 GMT+7

Sau trận mưa ngập lịch sử ở Hà Nội, nông dân ngoại thành đổ xô đi trồng rau phục vụ “thượng đế”. Cung vượt quá cầu, giờ đây họ đang phải bán tống bán tháo, thậm chí nhổ rau mang về cho lợn ăn cũng không hết.

Kinh tế thị trường nghiệt ngã, cái thua thiệt cuối cùng lại đổ lên đầu nông dân một nắng hai sương…

Rớt giá thê thảm

Trong vòng 2 tuần trở lại đây, tại các chợ ở ngoại thành Hà Nội, giá rau đang xuống dốc không phanh. Tại các vùng chuyên trồng rau ở Phúc Lý (Từ Liêm), Mê Linh, Vân Nội (Đông Anh)… giá rau rẻ như bèo.

Người trồng rau “bỗng dưng muốn khóc” vì giá rau cải chíp xuống chỉ còn 200 đồng/ kg, rau cải cúc chỉ còn 100-200 đồng/bó, rau cải ngọt nhỉnh hơn tý là 500 đồng/kg. Chưa bao giờ giá rau lại xuống giá thảm hại như vậy và không ai khác chính người nông dân chịu thiệt thòi.

Gặp chị Nguyễn Thị Loan (xóm Đồng, khu 3, xã Nội Đồng – Mê Linh) đang cắm cúi nhổ những mớ rau cải ngọt bán phiên chợ đêm. Chị cho biết: “Cải ngọt lứa này rẻ quá, nếu tính cân thì 500 đồng/kg mà bán theo mớ là 1.000 đồng/3 mớ, phải chở lên tận chợ đêm Cầu Giấy. Mấy sào rau của nhà tôi chỉ thu được vài trăm ngàn bạc mà thiệt hại do lũ hồi tháng 11 thì mất hơn chục triệu đồng”.

Kế đó, nhà bác Nhĩ cũng đang méo mặt vì mấy sào rau cải ngọt ế ẩm. Đáng ra 4 sào cúc nhà bác nếu không mất thì thu được vài chục triệu đồng nhưng do trận lũ chết cả, lứa rau trồng sau lũ chỉ vớt vát được vài trăm ngàn đồng. 

Tại thôn Đìa (xã Nam Hồng, huyện Đông Anh), chị Hoa bên luống cải ngọt đang lúi húi cắt, rầu rĩ: “Mọi năm xuống giá nhất cũng được hơn 1.000đ/kg. Giờ 6 sào cải ngọt, cải chíp mà tôi chỉ bán được một nửa giá ấy, hai hôm nay trời đột ngột lạnh mới được giá 700đ /kg, nửa tháng nay chỉ 300-500 đồng/kg thôi”.

Trận lụt vừa rồi khiến chị Hoa mất trắng hơn chục triệu tiền giống với 7 sào su hào, súplơ: “Tiền giống của cải ngọt còn rẻ chứ 1 sào súp lơ, su hào lên tới bạc triệu. Mọi năm dịp Tết thu được mấy triệu từ tiền bán rau nhưng năm nay thì thất bát cả rồi”, chị Hoa than thở.

Tại xã Vân Nội (Đông Anh), tình cảnh không mấy khả quan khi hàng chục hécta rau ăn lá như cải ngọt, cải chíp, cải cúc... đến kỳ thu hoạch mà không ai mặn mà: “Có mang đi bán cũng chả bõ tiền xăng, đành bỏ đấy hoặc cho người ta cắt về. Nhưng ruộng này cũng chẳng trồng được rau gì ngoài cải” - chị Hằng (thôn Vân Trì) giãi bày. Cải mất giá, còn lại ba sào, chị chuyển sang trồng su hào. Nhưng cứ rét mướt thế này thì còn lâu mới thu hoạch được: “Cứ yên tâm ăn Tết chán chê rồi sau Tết mới có su hào bán”.

Tại xã Minh Khai (huyện Từ Liêm), tình cảnh trồng rau của bà con nông dân còn bi đát hơn nhiều so với Mê Linh và Đông Anh. Thay vì trồng cải ngọt, chị Lành (thôn Phúc Lý, xã Minh Khai) dồn sức vào hơn 4 sào rau diếp. Sau lũ, giá rau cũng tăng giá ngất ngưởng trên 10.000đ/kg, nhưng giờ giá chỉ còn được 800 đồng/kg:

“ Hôm nào may mắn còn bán hết chứ nhiều hôm bán như đổ đi cũng chẳng ai mua vì tôi thường bán rau cho các nhà hàng. Nhiều hôm bán chợ đêm giá rẻ quá, có muốn bán lẻ cũng chẳng có chỗ ngồi, sợ bị những người giữ trật tự đuổi bắt nên cứ sau 8giờ sáng khách trả giá thế nào cũng bán để khỏi phải mang về”.

Xếp rau vào sọt, chị Lành thở phào: “Hai hôm nay trời lạnh nên giá nhỉnh hơn tý, nửa tháng nay hôm nào đi chợ cả đêm cũng chỉ bán được 15 nghìn đồng mà tiền vé và xe đã mất đứt 6 nghìn, chỉ cầm được về nhà 9 nghìn đồng, phải nhổ rau cả ngày và đến chợ từ 12 giờ đêm để tranh chỗ”.

Bỏ rau đi làm thuê

Anh Dung nhổ cải cúc đổ bỏ ra bờ ruộng vì cho cũng không ai xin
Phó chủ tịch xã Tây Tựu, Lê Văn Việt cho biết: Trận lụt làm toàn xã Tây Tựu mất trắng 5,5 ha rau, 4,5 ha cá, 2,5ha cây ăn quả và 342ha hoa (thiệt hại 130 tỷ đồng). Hiện toàn xã đã khôi phục được rất nhiều ruộng rau trồng các loại rau như cải, su hào, súp lơ. Tuy nhiên, cứ đà này, nhiều nông dân ở các “rốn” rau ở Mê Linh, Đông Anh lo ngại, rồi đây su hào, hành tây, súplơ … cũng sẽ xuống giá như các loại rau xanh khi đang đồng loạt trồng trên diện rộng. 

Vì sao không trồng các loại rau khác ngoài rau cải? Chị Tiến, Phúc Lý, xã Minh Khai, Từ Liêm cho biết: Nhiều loại rau như cải bắp, cà chua, su hào, súp lơ... do không còn thời vụ nên chỉ còn cách chọn rau ngắn ngày. Rau cải được trồng nhiều là do giống rẻ, đầu tư ít, lại dễ trồng nên đâu đâu cũng trồng.

Rau rẻ, bán 1.000 đồng/3 mớ, sáng chị Tiến bán xong ở chợ đêm về thì trưa đi rong vào các ngõ trong làng bán. Ngày chị bán cả trăm mớ rau cũng chỉ được vài chục nghìn đồng.

Anh Nguyễn Hữu Dung đang nhổ một sào rau cải cúc. Thấy chúng tôi thắc mắc, anh giải thích: Tôi nhổ bỏ vì rẻ quá, mấy ngày nay bán chỉ được 100 đ/mớ, nhổ 1.000 bó rau mất 20 nghìn tiền lạt, tiền vé chợ, gửi xe cũng mất thêm chục nghìn. Hơn 200 trăm nghìn là tiền bán cả 2.000 mớ rau mà 3 người nhổ cật lực cả ngày, trừ tiền lạt và tiền vé chợ chỉ còn 170 nghìn. Trong khi phải làm cả ngày, 12giờ đêm mang ra chợ đêm bán và trước đó là hơn 30 ngày chăm sóc.

Anh Dung cho biết còn 2 sào cải cúc và cải chíp đành để cho người làng cắt về cho gia súc, gia cầm ăn: “Họ cắt cho là may vì mình không phải đi ra nhổ nữa. Như hôm nay đây không ai ra xin nên tôi đành ra nhổ đổ ra đầu bờ. 100kg rau cải chíp được 30 nghìn thì tôi đổ bỏ còn hơn là đem ra chợ bán”.

Vì rau quá rẻ, nên từ giờ đến Tết, anh Dung cho biết sẽ bỏ ruộng không trồng rau nữa. Hiện tại, anh đi làm phụ hồ, tiền công mỗi ngày vài chục nghìn. “Làm công việc này vất vả nhưng làm ngày nào nhìn thấy tiền ngay ngày đó. Mặt khác tiền công cuối năm cũng cao, cao hơn hẳn công trồng mấy sào rau”, anh Dung bộc bạch.

Hiện tại nhiều người trong làng Tây Tựu (Từ Liêm) cũng đành bỏ bê những sào rau xanh non mơn mởn, để đi tỉa hoa hồng thuê cho những nhà xóm trên, một số người thì ra ngồi ở chợ lao động cạnh cầu vượt đường Phạm Hùng tìm việc mong kiếm chút tiền cho năm hết tết đến, bù đắp cho vụ rau thất bát. 

PGS-TS Trần Khắc Thi: Thị trường rau sẽ tự điều tiết vào tháng giêng

Trao đổi với Tiền Phong, PGS-TS Trần Khắc Thi-Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu rau quả (Bộ NN&PTNT) thừa nhận, đúng là nông dân trồng rau đang gặp khó khăn khi rau ế, rớt giá. Nguyên nhân là: trận lũ lụt vừa qua tại khu vực Hà Nội đã làm mất mùa rau trên diện rộng, tình trạng này khiến nông dân phải đổ dồn trồng rau ngắn ngày (25-30 ngày), chủ yếu là các loại: cải cúc, cải xanh, cải chíp. Loại rau này đang cho thu hoạch ồ ạt nên giá rất thấp.

TS Thi cho biết, hiện chỉ có các loại rau này thừa, còn rau, củ phải trồng dài ngày (cà rốt, bắp cải, khoai tây, dưa chuột, hành…) mới cho thu hoạch thì Việt Nam vẫn đang nhập khẩu từ Trung Quốc. Tại Đồng bằng sông Hồng có 45.000 ha đất trồng rau, nhưng cơ cấu các loại rau đang rất mất cân đối.

Thị trường với nhiều loại rau rớt giá đang diễn ra sẽ được điều tiết vào tháng Giêng. Thực ra, Bộ NN&PTNT chỉ cấp giống rau sau khi xảy ra lũ lớn, chứ không chỉ đạo nông dân trồng các loại rau ăn lá dẫn đến thừa thãi thế này.

Q.T 

        

Theo Đỗ Hợp/Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.