Ba mươi năm "Duyên dáng Cuba"...

31/12/2008 10:21 GMT+7

Duyên dáng Cuba" là vở đầu tiên và có lẽ cho đến lúc này là vở kịch duy nhất của một tác giả người Việt, kể câu chuyện về những người Cuba anh em.

Lứa khán giả trung niên của TPHCM và Hà Nội vẫn còn nhớ nhiều tới cặp đôi diễn viên NSƯT Văn Thành - Tú Lệ trong vai chính cô gái da nâu Angela và chàng trai da đen Pepito. Chiều 30.12, chúng tôi tới thăm NSƯT Tú Lệ.

Kỷ niệm "vật chất" về vở diễn gia đình nghệ sĩ Văn Thành - Tú Lệ còn giữ được cho tới ngày nay chỉ còn bức ảnh trắng đen bé bằng bàn tay, thể hiện cảnh đau đớn trong vở: Pepito bắn nhầm vào người yêu của mình; và một bài báo giới thiệu vở đăng trên báo Sài Gòn Giải phóng. NSƯT Tú Lệ rưng rưng: "Trong kịch, Angela "đi" trước Pepito; ngoài đời, Văn Thành bỏ Tú Lệ "về thế giới bên kia" đã được 2 năm một tháng". 30 năm đã qua. Ký ức chập chờn, đoạn còn đoạn mất trong tâm trí "cô gái Angela".

Tác giả vở kịch là Thiết Vũ, đạo diễn là Văn Chiêu (vừa mất) - một trong hai ĐD dựng vở "Chuông đồng hồ điện Kremlin". Đoàn kịch nói Cửu Long Giang (tiền thân Nhà hát kịch TPHCM hiện nay) công diễn vào cuối tháng 7.1979 - nửa năm sau ngày kỷ niệm 20 năm Quốc khánh Cuba, tại Nhà hát TP. Thời điểm đó, Văn Thành - Tú Lệ là một cặp đôi đẹp, diễn xuất có nghề của sân khấu kịch TPHCM.

Chính vì vậy, họ đã được nhận vai chính. Cặp diễn viên thứ chính là Kim Cúc (cô giáo Isabella) và Thương Tín (phi công Abel). Để giúp diễn viên vào vai, đoàn đã cho các diễn viên xem một vài phim về đất nước Cuba. "Xem phim, tôi thấy những người phụ nữ Cuba thật đẹp, họ mạnh mẽ, bộc trực, chân thành xiết bao! - NSƯT Tú Lệ mỉm cười - mình là con gái VN, tính tình kín đáo...

Quả thực khi được hoá trang, đầu đội chiếc mũ bêrê, thắt ngang lưng thắt lưng to bản, tôi thấy tự tin, "nhập" vai hơn nhiều lắm. Còn anh Thành thì hôm nào diễn vở, lại phải cặp tóc xoăn tít, bôi mặt thiệt là đen. Có một chuyện vừa thương, vừa buồn cười. Trong một suất diễn, sau khi biết mình bắn nhầm Angela, Pepito chạy tới bế Angela lên. Tôi lúc đó cũng nhẹ thôi, nhưng anh Thành bế tôi thế nào, sẩy chân, tôi suýt ngã xuống bục; lúc đó, nhân vật chết rồi, nhưng theo bản năng, tôi chống tay. Khán giả cười rần rần. Sau buổi diễn, trưởng đoàn đề nghị tăng bồi dưỡng cho anh em diễn viên, bởi biết rằng, diễn viên ăn thiếu thốn quá, không có sức.

Những năm tháng ấy, nước mình thật nhiều khó khăn... Một điều cũng rất khích lệ tinh thần diễn xuất của chúng tôi là khả năng sáng tạo của ĐD. Trên sân khấu, ông dùng hình tượng hai vòng ống nhòm, để khán giả có thể hình dung diễn biến bên này là Cuba, bên kia là nước Mỹ - cách nhau không đầy trăm hải lý...".

Bối cảnh DDCB là đất nước Cuba vào năm 1961 - hai năm sau khi chế độ Batista bị lật đổ; lúc đó, Cuba còn trong cảnh "thù trong giặc ngoài". Một số người dân Cuba di tản sang Mỹ, trong đó có chàng trai Pepito. Vở kịch mở màn bằng một cảnh lãng mạn và cảm động, cô du kích Angela vai khoác súng, tay thả từng cánh hoa xuống biển, thì thầm mong bên kia - Pepito, người yêu của mình - có thể thấy được những cánh hoa trôi từ phía quê hương... Trong cuộc chiến đấu bảo vệ bờ biển Cuba chống quân đánh thuê xâm lược - trong đó có Pepito - các chiến sĩ Cuba đã thắng, nhưng bi kịch xảy ra khi Pepito bắn nhầm vào người yêu của mình...

Trong bài viết đăng trên báo SGGP ngày 28.7.1979, tác giả Xuân Thu nhận xét: "Vở diễn cho thấy nét duyên dáng độc đáo, khí phách hiên ngang, tâm hồn sôi nổi, giàu chất nhạc, chất thơ của người dân Cuba. Song, vì sự hiểu biết về nước bạn của tác giả, ĐD còn ít ỏi, nên vở diễn không khỏi có mặt hạn chế...". Mùa thu năm 1979, Đoàn CLG mang vở DDCB và một vài vở diễn khác ra Hà Nội và một vài tỉnh phía bắc diễn. "Từ đó đến nay, tôi có diễn thêm một vở của tác giả Cuba nữa là "Giải độc đắc". Sau DDCB, cả gia đình tôi càng thêm yêu đất nước, con người Cuba - những người yêu VN đến độ sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình" - NSƯT Tú Lệ nói.

Theo Thùy n / Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.