Sau hứng khởi, cần bình tĩnh!

01/01/2008 00:55 GMT+7

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách hội nhập kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư đã có cuộc trao đổi hết sức thẳng thắn với Thanh Niên về những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong năm 2008.

* Theo đánh giá của ông, ấn tượng của kinh tế Việt Nam năm 2007 là gì?

- 2007 quả thật là một năm rất nhiều ấn tượng, đầu tiên là sự hứng khởi đến cao trào của người dân, doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo ngay từ cuối năm 2006 và đầu năm 2007 về một WTO mong đợi. Nó không phải là sự bắt đầu, cũng không phải là sự kết thúc của quá trình cải cách và hội nhập của Việt Nam, mà nó là dấu ấn quan trọng thể hiện lòng tin của các nhà kinh doanh, nhà đầu tư, của nhiều nước trên thế giới vào tiến trình cải cách và công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2007 Việt Nam có cam kết FDI, ODA nhiều đến như thế. Nhưng đến cuối năm, có lẽ khi mọi người bình tĩnh hơn mới thấy rằng, trên cả hứng khởi thì chúng ta cần phải nhìn lại mình đầy đủ, toàn diện hơn; thấy rằng công cuộc cải cách ở Việt Nam còn nhiều gian nan, để phát triển bền vững Việt Nam còn nhiều việc phải làm.

Tiến sĩ Võ Trí Thành

* Ông muốn nói đến lạm phát 2 con số?

- Hơn bao giờ hết, nền kinh tế đang bộc lộ những điểm yếu cố hữu. Chúng ta đã không ngờ rằng ứng xử với các vấn đề về lạm phát lại khó khăn đến như thế. Đây sẽ tiếp tục là bài toán của năm 2008 và những năm tiếp theo, bởi vì lượng vốn đổ vào Việt Nam tiếp tục lớn. Điều quan trọng lúc này là chúng ta phải lựa chọn giữa mục tiêu tăng trưởng với công cụ ổn định tỷ giá hay lạm phát. Sự lựa chọn này là khó khăn và đôi khi là nhầm lẫn bởi vì trong ngắn hạn những mục tiêu này có thể đánh đổi.

* Trong tình hình cụ thể của Việt Nam, nên lựa chọn cái gì?

- Một nền kinh tế mà lạm phát 2 con số cũng không lấy gì làm mừng lắm, đó là chưa nói đến lạm phát tác động rất xấu, đặc biệt là đến nhóm người thu nhập thấp. Trong dài hạn, muốn tăng trưởng cao thì lạm phát phải thấp, biến động không được phép lớn vì nó liên quan đến kỳ vọng của nhà đầu tư. Lạm phát cao hoặc không ổn định, họ sẽ đầu tư vào những thứ mang tính đầu cơ như vàng, bất động sản, những cái không tạo ra sự phân bổ hiệu quả nguồn lực. Từ phân tích ấy thì lựa chọn tăng trưởng cao hay ổn định vĩ mô (quản trị phát triển tốt) là nhiệm vụ của Chính phủ và về nguyên tắc Chính phủ phải giải trình được sự lựa chọn ấy. Theo quan điểm của tôi, tăng trưởng như những năm qua 8-8,5% là quá tốt rồi, nó phù hợp với khả năng quản trị. Với mức đầu tư ở Việt Nam hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể tăng trưởng 9% hoặc hơn nhưng đi liền với nó là phải tăng cường năng lực quản trị kinh tế lên gấp bội.

* Cần phải làm gì để có thể kiểm soát được lạm phát ở mức an toàn?

- Muốn biết cần phải làm gì thì phải biết chính xác nguyên nhân của lạm phát cao: ngoài nguyên nhân chính là nguồn cung tiền quá mạnh thì mức tiêu dùng của Việt Nam cũng tăng quá nhanh. Trong vòng 4 năm gần đây, tốc độ tăng tiêu dùng danh nghĩa luôn là 21-22%, cao hơn tăng GDP danh nghĩa (khoảng 16-17%). Thứ hai, cần phải thay đổi cách đặt vấn đề tăng lương theo chỉ số lạm phát hiện nay, bởi vì bản chất của tăng lương phải là năng suất lao động. Tức là trả lương theo năng suất lao động và nhu cầu xã hội chứ không phải trách nhiệm xã hội. Và cuối cùng muốn chống lạm phát thì Ngân hàng Nhà nước phải là người đứng đầu chịu trách nhiệm chính vì lạm phát mãi mãi là vấn đề của tiền tệ. Không nên lấy can thiệp thị trường làm công cụ số một, mọi can thiệp hành chính đều trở nên vô nghĩa và nguy hiểm.

* Xin cảm ơn ông

Tuyết Nhung (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.