Những đạo luật quan trọng có hiệu lực từ 1.1.2007

31/12/2006 23:49 GMT+7

Ngoại trừ Luật Quản lý thuế và Luật Cư trú sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2007, còn lại 19 luật và bộ luật khác có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày hôm nay, 1.1.2007. Những quy định luật pháp ấy khi đi vào cuộc sống sẽ có tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của mọi người dân. Thanh Niên xin giới thiệu một số luật, bộ luật quan trọng:

Luật Kinh doanh bất động sản: Mọi giao dịch bất động sản đều phải "lên sàn"

Mục tiêu quan trọng mà Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) hướng tới là mọi hoạt động kinh doanh BĐS đều phải thông qua sàn giao dịch. Với quy định này, nói như Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân: "Chúng ta phải tạo lập một hệ thống thông tin về BĐS minh bạch, chính xác nhằm hạn chế rủi ro liên quan đến giao dịch BĐS, đảm bảo quyền lợi cho cả người bán và người mua".

Một điểm khác cũng rất quan trọng của Luật Kinh doanh BĐS mà người ta kỳ vọng sẽ tạo "bước ngoặt" cho thị trường này kể từ năm 2007, đó là việc cho phép người VN định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh BĐS, kinh doanh dịch vụ BĐS. Cho dù phạm vi kinh doanh trong lĩnh vực này của các cá nhân, tổ chức nước ngoài còn một vài hạn chế so với cá nhân, tổ chức trong nước nhưng nó sẽ là tiền đề cho quyền kinh doanh của các đối tượng này sẽ được mở rộng. Nó chứng tỏ yêu cầu xã hội thực tế về một hệ thống chính sách đất đai bảo đảm tính công bằng cho mọi người, mọi thành phần kinh tế; nó cũng là xu thế tất yếu của một nền kinh tế hội nhập quốc tế.

Luật Bảo hiểm xã hội: Cứ 2 năm tăng 1% mức đóng BHXH

So với điều lệ bảo hiểm hiện hành thì Luật Bảo hiểm (BH) có những quy định mới đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ nhất, ngoài hình thức bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, việc mở rộng hình thức BHXH tự nguyện (thực hiện từ ngày 1.1.2008) và hình thức BH thất nghiệp (thực hiện từ 1.1.2009) nhằm đảm bảo mọi người lao động ở bất cứ thành phần kinh tế nào đều có nghĩa vụ tham gia BHXH và được thụ hưởng những quyền lợi về chế độ BHXH.

Thứ hai, luật quy định cơ sở để tính mức lương hưu là bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu (hiện nay là 5 năm).

Thứ ba, thời gian đóng BHXH tối thiểu để đủ điều kiện nghỉ hưu là 20 năm thay vì 30 năm đối với nam và 25 năm đối với nữ như hiện nay.

Thứ tư, luật không khống chế số tháng được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu mà "mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng BHXH kể từ năm thứ ba mươi mốt trở đi đối với nam và năm thứ hai mươi sáu trở đi đối với nữ. Cứ mỗi năm đóng BHXH thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH" (khoản 2, điều 54).

Thứ năm, luật cũng quy định cụ thể lộ trình tăng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động đối với người lao động từ năm 2010 trở đi, cứ hai năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 14% vào năm 2014 (hiện nay là 11%). Như vậy, tổng mức đóng BHXH sẽ tăng từ 16% tổng quỹ lương hiện nay lên 22% vào năm 2010.

BH thất nghiệp là vấn đề đặc biệt mới và theo quy định này thì người thất nghiệp được hưởng loại BH này khi đã đóng BH thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên và không tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp. Mức trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công của 6 tháng liền kề. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 12 tháng và được hỗ trợ học nghề, được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí.

Luật Cư trú: Giải quyết triệt để vấn đề hộ khẩu cho người di cư

Hàng ngàn người dân di cư sẽ không còn gặp khó khăn khi đăng ký hộ khẩu thường trú tại nơi đến kể từ 1.7.2007.

Bởi vì điều kiện và trình tự thủ tục đăng ký thường trú theo Luật Cư trú là vô cùng đơn giản. Ngay đối với việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng chỉ cần có chỗ ở hợp pháp (nhà mua, thuê, mượn, thậm chí là ở nhờ), đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 1 năm trở lên (hiện hành là 3 năm).

Và điều 21 Luật Cư trú quy định: trong thời hạn tối đa là 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền (ở thành phố trực thuộc T.Ư là công an quận, huyện và ở tỉnh là công an xã, thị trấn thuộc huyện) phải cấp sổ hộ khẩu cho người nộp hồ sơ đăng ký thường trú. Trong trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và giải thích lý do.

Luật Luật sư: Công ty luật nước ngoài được tham gia tố tụng

Một hành lang pháp lý cho luật sư hoạt động là một phần trong cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và vì vậy, đây là đạo luật mang tính hội nhập rất cao.

Ngoài việc tham gia tố tụng, làm tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác, Luật Luật sư còn cho phép luật sư được đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc liên quan đến pháp luật. Quy định này nhằm đáp ứng xu hướng mở rộng dân chủ, tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện quyền dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

So với Pháp lệnh Luật sư năm 2001, Luật Luật sư bổ sung hẳn một chương mới về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, của luật sư nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, chi nhánh, công ty luật nước ngoài tại Việt Nam được cử luật sư Việt Nam trong chi nhánh, công ty mình tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cho khách hàng trước tòa án Việt Nam (trừ vụ án hình sự).

Bộ luật Lao động: Chủ tịch UBND quận, huyện giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền

Theo Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, do chưa quy định rõ tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, chưa giải thích rõ thuật ngữ đình công, trình tự, thủ tục đình công còn phức tạp, khó thực hiện... nên tính từ năm 1995 (Bộ luật Lao động ra đời) đến giữa năm 2006 có 1.290 vụ đình công nhưng tất cả những cuộc đình công này là tự phát, không theo trình tự luật định (không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể, không qua hòa giải; đình công không báo trước; đình công không do tổ chức công đoàn khởi xướng...) và chưa có cuộc đình công nào được đưa ra tòa giải quyết.

Bộ luật Lao động sửa đổi khắc phục hầu hết những hạn chế này. Trên cơ sở thực tiễn giải quyết tranh chấp lao động tập thể, luật giao cho Chủ tịch UBND cấp huỵện có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền sau khi đã qua hòa giải lao động cơ sở mà không thành. Trong trường hợp này, Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ huy động các cơ quan tham mưu xem xét, xử lý. Nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lao động sẽ xử lý ngay. Trường hợp hai bên (người lao động và chủ sử dụng lao động) không đồng ý với việc giải quyết thì tập thể lao động có thể khởi kiện ra tòa án hoặc tiến hành đình công.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.