Hàng nhiều, giá vẫn tăng

29/12/2010 23:48 GMT+7

Mặc dù hàng hóa đang rất dồi dào nhưng giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn cứ đồng loạt tăng.

Tăng ngay đầu năm mới

Theo đại diện nhiều siêu thị ở TP.HCM, ngay trong tháng 1.2011, hàng ngàn mặt hàng sẽ tăng giá với mức tăng phổ biến khoảng 10%. Nhiều mặt hàng sẽ chính thức áp dụng giá mới ngay ngày 1.1.2011. Đại diện siêu thị Citimart cho biết: “Nhà cung cấp nào cũng gửi thông báo tăng giá hàng. Số mặt hàng tăng giá nhiều đến mức không thể kiểm soát. Mức tăng giá phổ biến khoảng 10%, một số nhóm hàng tăng đến 20%”. Nhóm, ngành hàng nào cũng có mặt hàng tăng giá. Trong đó nhiều nhóm hàng đã tăng giá trong tháng 11 và 12.2010 nay lại tiếp tục tăng giá ngay đầu năm mới dương lịch. Các loại sữa, dầu ăn, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm khô, nước giải khát là các nhóm mặt hàng tăng giá mạnh nhất. Đầu tháng 1.2011, sản phẩm sữa của Hanco, Friso... sẽ tăng giá từ 3% - 10%. Công ty CP kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) thông báo tăng giá 20 mặt hàng bún, phở, cháo, hủ tiếu... ăn liền với mức tăng từ 5% - 15%. Trà, cafe Trâm Anh tăng giá 18 mặt hàng. Công ty TNHH perfetti Van Melle (Việt Nam) cũng thông báo tăng giá hàng... Ở nhóm hàng thức uống thì cà phê tăng giá mạnh nhất với mức tăng khoảng 20%. Ông Huỳnh Hữu Tuấn - quản lý siêu thị Citimart Bình Thạnh, cho biết: “Do giá hàng hóa chung tăng cao khoảng 30% - 40% so với năm ngoái nên giỏ quà gói sẵn năm nay tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Đây là tình hình chung của thị trường”.

Tăng cường công tác kiểm tra

Trước thực tế khi giá đường tăng cao, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã phát hiện DNTN TM-DV Bình Mai (số 148B - 148C Gò Dầu, P.Tân Quý, Q.Tân Phú) có dấu hiệu găm đường khi để tồn kho 15.114 kg đường. Vụ việc đang được QLTT chuyển sang cơ quan điều tra làm rõ. Trong năm 2010, QLTT TP lập biên bản 611 vụ vi phạm liên quan đến giá. Hiện Sở Công thương TP.HCM đã có công văn chỉ đạo Chi cục QLTT tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt là hàng bình ổn thị trường để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm gian lận thương mại. 

Giá ở siêu thị “nóng” như vậy thì có thể hình dung giá ở các chợ lẻ tăng cỡ nào. Cho dù thịt gia súc, gia cầm không có dấu hiệu khan hiếm nhưng giá thịt gà vẫn tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với hồi giữa tháng 12.2010. Giá bán lẻ gà công nghiệp 40.000 - 45.000 đồng/kg, gà Tam hoàng khoảng 63.000 đồng/kg, gà ta hơn 100.000 đồng/kg. Giới kinh doanh dự đoán giá thịt heo sẽ tăng mạnh vào dịp Tết dương lịch do nhu cầu tăng mạnh và kéo dài đến cao điểm là cận Tết Nguyên đán. Nguyên nhân do giá thức ăn chăn nuôi tăng quá mạnh. Giá đường ở mức cao, giá bán buôn khoảng 22.000 - 23.000 đồng/kg, giá bán lẻ từ 22.500 - 25.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá thực phẩm khô tăng từ 30% - 70%, thậm chí có mặt hàng tăng gần 100% so với năm ngoái. Giá bánh mứt cũng tăng khoảng 30% so với năm ngoái.

Trước tình hình này, bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, khuyến cáo: “Hàng hóa hiện nay rất phong phú, người dân nên chọn lựa loại hàng phù hợp với điều kiện của mình, không nên đua nhau mua những mặt hàng giá quá cao hay tăng giá liên tục”.

Tăng cường hàng bình ổn

Để đối phó với thị trường cao điểm dịp Tết Nguyên đán được dự báo giá cả tăng rất mạnh, các doanh nghiệp, siêu thị đang khẩn trương tăng cường hàng hóa. Siêu thị BigC chuẩn bị nguồn hàng tăng khoảng 25% - 30% so với năm trước, cam kết không tăng giá dịp tết. Hệ thống siêu thị Co.opMart đã tăng lượng hàng bình ổn lên gấp 3 lần so với mức cam kết với Sở Công thương TP. Tổng lượng hàng bình ổn là 30.000 tấn. Ngoài 7 nhóm hàng bình ổn giá, từ tháng 12 này, Co.opMart thực hiện bình ổn nhóm hàng thứ 8 là thủy hải sản. Co.opMart đã tăng lượng hàng nhu yếu phẩm phục vụ mùa tết lên 150.000 tấn, gấp 30% - 40% so với năm ngoái, trong đó có 400 tấn bánh kẹo, 200 tấn mứt. Hàng nội địa chiếm tỷ lệ 90% các mặt hàng kinh doanh tết năm nay. Các siêu thị khác cũng chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, đủ cung ứng thị trường cuối năm.

Cần Thơ tổ chức 35 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết

Ngày 29.12, Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết UBND TP vừa hỗ trợ 5 doanh nghiệp (Công ty thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ, Công ty TNHH thương mại Sài Gòn - Cần Thơ, Công ty TNHH thực phẩm rau quả Cần Thơ, Công ty lương thực Sông Hậu, Công ty CP Gentraco) vay 30 tỉ đồng (không lãi suất) tham gia dự trữ hàng hóa thiết yếu, góp phần bình ổn giá, phục vụ nhân dân mua sắm trước, trong và sau tết. Các doanh nghiệp này sẽ tổ chức 35 điểm bán lẻ tại trung tâm quận, huyện theo giá thấp hơn 10% giá thị trường.

Quang Minh Nhật

Theo Sở Công thương TP.HCM, nguồn hàng bình ổn thị trường phục vụ Tết Tân Mão tăng gấp 3 - 4 lần so với kế hoạch, chiếm 30 - 40% thị trường với tổng nguồn vốn lên đến gần 800 tỉ đồng. Cụ thể, gạo - nếp đạt 15.828 tấn (175% kế hoạch); đường RE là 9.800 tấn (233,3%); dầu ăn 2.800 tấn (186,7%); thịt gia súc 14.500 tấn (181,3%); thịt gia cầm 3.650 tấn (117,71%); thực phẩm chế biến 6.825 tấn (227,5%); trứng gia cầm 55 triệu quả (203,7%); rau củ quả 5.200 tấn (173,3%).

Từ đầu tháng 12.2010, Sở Công thương TP đã làm việc với nhiều doanh nghiệp về chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán. Theo đó, Metro chuẩn bị nguồn hàng trị giá 1.100 tỉ đồng, Tập đoàn CP cam kết cung cấp đủ thực phẩm cho TP.HCM. Cụ thể: thịt heo từ 1.500 - 2.000 con/ngày; gà 45.000 con/ngày; trứng gia cầm 500.000 trứng/ngày. Sở Công thương TP cũng tăng cường liên kết, đưa thêm đơn vị tham gia bình ổn thị trường cuối năm. Từ ngày 1.1.2011, Công ty TNHH Phạm Tôn sẽ đưa từ 325 - 350 tấn thịt gia cầm/tháng với mức giá thấp hơn giá thị trường từ 5% -10%. Trước đó, Tập đoàn Phú Cường cũng đưa mặt hàng thủy hải sản tham gia bình ổn thị trường.

Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa: Bám sát thị trường để có phản ứng thích hợp

Trước tình hình nhiều nhà cung cấp hàng thông báo tăng giá hàng hóa, trước hết Sở Tài chính các tỉnh, thành phải chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành ở địa phương đánh giá tình hình thị trường để có phản ứng chính sách thích hợp. Thiếu hàng thì phải có biện pháp để cân đối cung - cầu. Nếu giá các mặt hàng thuộc diện đăng ký giá tăng thì phải kiểm soát và kiên quyết ngừng việc đăng ký tăng giá bất hợp lý, nhất là giá dịch vụ vận tải hàng hóa. Nếu giá hàng hóa dịch vụ thuộc diện Nhà nước còn định giá có yêu cầu tăng phải giãn thời gian điều chỉnh giá để tránh tác động dây chuyền đến mặt bằng giá. Mặt khác, các siêu thị, trung tâm thương mại… phải cùng với các nhà cung cấp rà soát lại hợp đồng, thực hiện các trách nhiệm đã cam kết và cùng nhau tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để hỗ trợ giảm chi phí. Chính quyền các địa phương phải tổ chức các biện pháp đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính chỉ đạo để giúp các doanh nghiệp giảm chi phí kinh doanh như rà soát, bãi bỏ các khoản thu phí, lệ phí bất hợp lý, trái pháp luật. Giảm thiểu thủ tục hành chính, thủ tục kinh doanh hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tích cực đưa hàng hóa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Kiểm soát chi tiêu theo quy định về tiết kiệm, chống lãng phí…

Hoàng Việt (ghi)

Quang Thuần - Hoàng Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.