9 sự kiện nổi bật năm 2009

01/01/2010 10:32 GMT+7

Năm 2009 trôi qua để lại nhiều dấu ấn cho giới đầu tư bất động sản (BĐS), bởi thị trường cứ nóng-lạnh một cách bất thường, đem đến cho người quan tâm nhiều nỗi lo âu.

1. Cấm dùng chung cư làm văn phòng

Tháng 11, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng nhà chung cư sai mục đích, trong đó có nội dung cấm các tổ chức, cá nhân sử dụng chung cư làm văn phòng. Sự kiện này đã làm giới chủ đầu tư BĐS nao núng, còn cư dân tại chỗ thì thỏa mãn vì không chịu nổi sự quá náo nhiệt từ số lượng người ra vào đông đúc ở các văn phòng. 

2. Tranh chấp sở hữu chung riêng ở các chung cư

Việc này xảy ra ở nhiều chung cư như The Manor (Hà Nội), Tản Đà, Botanic, Mỹ Vinh (TP.HCM). Ở cao ốc Mỹ Vinh, cư dân nơi này đã ngăn không cho tổ chức lễ ra mắt một văn phòng giao dịch BĐS, bởi họ cho rằng chủ đầu tư đã cho thuê sảnh chung làm văn phòng. Gay gắt nhất có lẽ là trường hợp cư dân cao ốc The Manor (Hà Nội) đã biểu tình phản đối việc chủ đầu tư không cho họ gửi xe.

3. Giao dịch phải thông qua sàn

Đầu năm 2009, thị trường BĐS xôn xao về vấn đề giao dịch BĐS phải thông qua sàn giao dịch. Theo quy định pháp luật, từ ngày Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực (1.1.2007), các giao dịch BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS. Tuy nhiên, các sàn giao dịch BĐS chưa đủ điều kiện thì vẫn được hoạt động và phải bổ sung các điều kiện còn thiếu. Kể từ 1.1.2009, tất cả các sàn giao dịch BĐS phải có đủ điều kiện theo đúng quy định.

4. Thuế thu nhập cá nhân

Tháng 9.2009, giới đầu tư lo âu đưa đến hậu quả là thị trường giảm hẳn lượng giao dịch bởi quy định phải đóng thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng hợp đồng góp vốn BĐS. Ngày 12.8.2009, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 161 (có hiệu lực từ 1.10.2009), quy định các trường hợp chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua BĐS cũng phải nộp thuế như đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS.

5. Chính sách nhà ở xã hội

Tháng 4.2009,  Chính phủ ra nghị quyết về chính sách nhà ở xã hội, tạo kỳ vọng về nhà ở cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương này còn nhiều trở ngại, vẫn chưa có một cơ chế hướng dẫn cụ thể để chủ đầu tư đẩy mạnh triển khai loại hình nhà ở này, lợi nhuận dự tính chỉ khoảng 10% cũng không đủ hấp dẫn chủ đầu tư, bởi thời gian đầu tư cho một dự án là khá dài.

6. Giải cứu thị trường

Đầu năm 2009, Bộ Xây dựng đã  trình Chính phủ hàng loạt giải pháp như: Cho phép giãn nợ, khoanh nợ, khấu trừ thuế, miễn lệ phí trước bạ, lập quỹ tín thác bất động sản... nhằm cứu thị trường BĐS qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến không tán thành bởi nhiều người cho rằng, thay vì tập trung vào việc tìm giải pháp cứu thị trường, nên tìm hiểu vì sao thị trường lại bị đóng băng.

7. Chen lấn mua nhà

Dễ dàng nhận thấy đây là một hiện tượng bất thường, bởi thị trường đang trong lúc nguội lạnh, hàng hóa ê hề lại xảy ra cảnh chen lấn giành giật để mua cho được nhà đất. Giới chuyên môn đều cho rằng đây là chiêu của chủ đầu tư để lôi kéo những người nhẹ dạ. Đến nay thì hầu như những người mua được sản phẩm trong những đợt tranh giành như thế đều mắc cạn khi không thể bán ra được.

8. Có thể mua chung cư dưới giá gốc

Trước những cơn sốt ảo do chủ đầu tư cố tình tạo ra, phóng viên THANH NIÊN TT&GT  đã điều tra từng ngóc ngách thị trường và  khám phá ra nhiều điều bí ẩn như: Hàng hóa dư thừa nên nhiều nhà đầu tư thứ cấp phải giảm giá chịu lỗ mà vẫn không bán được hàng, có thể mua được căn hộ với giá thấp hơn giá của chủ đầu tư đưa ra, nhiều chủ đầu tư vi phạm quy định chưa xây xong móng đã ào ạt bán nhà… Những vụ việc này đều được phản ánh đầy đủ trên mặt báo. 

9. Một sổ cho nhà-đất

Ngày 10.12, Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ về cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chính thức có hiệu lực. Có thể nhận thấy có rất nhiều điểm tích cực của nghị định này qua phát biểu của ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký thống kê, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên-Môi trường, rằng: "Hành dân là hành vi trái pháp luật. Trong thời hạn 3 ngày, nếu hồ sơ người dân nộp chưa đủ thì cơ quan nhận hồ sơ phải có văn bản yêu cầu người dân bổ sung, nếu để quá thời hạn trên thì cơ quan này phải tự làm cho người dân".

Đăng Lan
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.