Bay thẳng tới Frankfurt

15/12/2005 13:56 GMT+7

Ngày 8/8/2003, Hàng không Việt Nam công bố kế hoạch mở đường bay thẳng từ TP.HCM và Hà Nội đi Frankfurt - CHLB Đức.

Như vậy, cách đây không lâu Vietnam Airlines đã có đường bay thẳng đi Paris, cũng xuất phát từ Hà Nội và TP.HCM bằng máy bay Boeing 777. Hành khách chỉ mất 11 tiếng đi từ Paris đến Việt Nam và ngược lại. Không phải quá cảnh ở Dubai như trước đây, mỗi chuyến bay mất trên 13 tiếng đồng hồ.

Chúng ta đã từng chứng kiến cảnh các sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội  Bài vắng tanh hành khách và có lúc chung quanh các phi đạo người ta đã trồng rau xanh. Mỗi lần ra nước ngoài, đến các sân bay không đâu xa, chỉ cần một giờ bay sang Thái Lan, hoặc qua các sân bay của Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, ta cảm thấy tủi thân. Các sân bay của họ với lưu lượng máy bay lên và xuống chóng mặt, trong khi sân bay của chúng ta vắng vẻ, máy bay đến và đi thưa thớt hơn nhiều.

Đất nước thay đổi - kinh tế mở mang, du lịch và đầu tư bắt đầu chảy vào nước ta, từ cuối thập niên 80 và đầu 90. Hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam có mặt trên thị trường các nước. Sân bay của ta bắt đầu phục hồi - ngành hàng không sau những năm hoạt động tẻ nhạt, trở lại một sinh khí mới. Những Việt kiều định cư ở nước ngoài quay trở về bắt đầu thấy xuất hiện các đường ống đi từ máy bay vào nhà ga ở Tân Sơn Nhất lẫn Nội Bài. Họ xúc động, cũng như khi chứng kiến các khu bán hàng miễn thuế, phòng chờ bắt đầu khang trang hơn. Các sân bay nội địa khách đi lại đông hơn, sân bay Đà Nẵng, Nha Trang, Cát Bi... có bước chỉnh trang và mở rộng.

Ta đã từng có đường bay thẳng đi Sydney, Moscow, Paris, Frankfurt, Tokyo, Osaka và sắp tới sẽ là Mỹ, nếu không bay thẳng đi San Francisco hoặc Los Angeles được thì ta cũng quá cảnh qua một nước nào đó trong vùng để bay qua Mỹ bằng Boeing 777 sở hữu của Hàng không Việt Nam. Nhưng muốn bay thẳng đi Mỹ thì ta phải nghĩ đến việc mua Boeing 747, điều mà một hãng hàng không lớn cần phải nghĩ đến sớm. Hàng không Philippines tuy sức chở không bằng Việt Nam nhưng họ cũng đã có Boeing 747.

Các lãnh đạo của hãng hàng không Việt Nam ngày nay năng nổ và có dịp tiếp cận với các cơ hội kinh doanh quốc tế nhiều hơn. Một chi tiết mà tôi rất chú ý là hãng dám bỏ tiền để quảng cáo liên tục trên CNN của Mỹ, sự quảng bá này theo tôi là rất cần thiết trong điều kiện cạnh tranh quốc tế hiện nay. Chưa phải đã bằng lòng với tất cả, nhưng ta không còn hổ thẹn với các hãng hàng  không của các quốc gia lận cận. Ngày 24.8 và trong tháng 9 tại Washington hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục nhận thêm 2 chiếc Boeing 777 nữa trong tổng số 4 chiếc đặt mua, không kể 2 chiếc ta hợp đồng thuê.

Một lần ra nước ngoài, khi đến các sân bay để về nước, cứ thấy các máy bay mang biểu tượng bông sen vàng Việt Nam và tà áo dài Việt Nam của các nữ tiếp viên là ta đã thấy hình ảnh đất nước mình. Các Việt kiều định cư lâu ở châu u, ở Mỹ, Canada hoặc Đông u... đều có một nỗi xúc động khi thấy chiếc máy bay Việt Nam chờ khách ở các sân bay quốc tế.

Trở lại chuyến bay của hàng không Việt Nam bay thẳng qua Paris lần đầu tiên và ngược lại mà tôi có mặt. Tôi có một  cảm giác sung sướng khó tả khi nhìn lên màn ảnh chỗ các vị trí, địa danh máy bay bay qua và các hướng dẫn thời tiết, độ cao, thời gian bay bằng tiếng Việt kèm theo những ngôn ngữ khác, có cả nhạc Việt Nam và món ăn Việt Nam như phở xuất hiện trên thực đơn. Chỉ riêng các thay đổi nho nhỏ đó đối với tôi cũng đã là sự hãnh diện. Người hành khách bên cạnh tôi là một doanh nhân Việt kiều bảo rằng đi máy bay nhà có khác. Chưa có cá nhân người Việt Nam nào sở hữu được chiếc máy bay như chiếc Boeing 777 đó, nhưng người Việt Nam đi trên chuyến bay sở hữu của hàng không Việt Nam đã đáng gọi máy bay nhà rồi.

Tại khách sạn Inter - Continental ở Paris, trong buổi họp báo của Vietnam Airlines và Tổng cục Du lịch Việt Nam, có rất nhiều kiều bào ở Pháp và châu u đến dự, có cả Quốc vụ khanh phụ trách du lịch của chính phủ Pháp. Các nhà báo của Pháp cũng đến dự đông đủ trong buổi khai trương đường bay này.

Quả thật trong lòng mọi người đó là một ngày long trọng.

Người ta bắt đầu nói đến Việt Nam, nói đến Hạ Long, Hội An, Củ Chi, Mũi Né, Nha Trang, Đà Lạt và Vũng Tàu nhiều hơn. Các cuộc dạo chơi của các gia đình người châu u như bắt đầu gần lại - Hàng không Việt Nam nhân dịp này lại tung ra một chiến dịch khuyến mãi khá hấp dẫn du khách, chỉ 777USD/1 vé khứ hồi, giảm 30% so với trước dịch SARS - khuyến mãi để cạnh tranh được với Air France và các hãng khác - ta bắt đầu một cuộc tập dượt mang tính cạnh tranh quốc tế.

Chuyến bay đầu tiên từ Hà Nội đi Paris có đến 282 hành khách/307 ghế. Chuyến bay đầu tiên từ Paris đi TP.HCM cũng gần kín chỗ. Đó là những chuyến bay sau khi Việt Nam tuyên bố chấm dứt căn bản căn bệnh quái ác viêm hô hấp cấp tính SARS.

Mọi thứ và mọi việc đang còn ở phía trước. Môi trường đầu tư và môi trường du lịch ở Việt Nam vẫn đang là một thử thách khốc liệt. Ta có thể bay thẳng và rút ngắn giờ bay đi Paris xuống còn 11 tiếng đồng hồ bằng máy bay của hàng không Việt Nam. Thế thì các khoảng cách còn lại về phát triển giữa ta với các nước chung quanh ta sẽ rút ngắn được bao nhiêu để ta bước lên cùng bạn bè?

Campuchia sẽ gia nhập WTO trước Việt Nam. Các lợi thế còn lại Việt Nam có được, ta sẽ phát huy được đúng mức hay không ?

Vụ kiện cá tra, cá ba sa cũng là một bài học. Nếu ta có được kinh nghiệm nhiều hơn và có những bước đi sớm hơn ta cũng sẽ không vấp như vừa qua.

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 15/8/2003)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.