Cần quan tâm kiến trúc nông thôn

18/11/2004 10:53 GMT+7

Theo GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, đã đến lúc cấp thiết để đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc làng quê Việt, có định hướng cụ thể cho kiến trúc nông thôn, ngăn chặn sự phát triển xô bồ và mang tính hình thức như hiện nay.

* Xã hội nông thôn đã có những thay đổi lớn lao. Cái làng ngày xưa, phương thức sản xuất ngày xưa không còn nữa. Người nông dân đang giàu lên, nông thôn ngày càng ít nhà lá, nhà đất, nhiều nhà gạch, nhà bê tông.

- KTS Hoàng Đạo Kính: Cái làng Việt hàng ngàn năm nay đang có nguy cơ bị phá vỡ. Tôi nói điều này không phải dưới quan điểm bảo tồn. Lâu nay chúng ta hầu như chưa nói đến kiến trúc nông thôn - nơi chiếm 75% dân số. Sự đô thị hóa như một dòng nước đang tự chảy về nông thôn. Không có một cơ quan nào, một cuốn sách nào hướng dẫn người nông dân xây nhà làm sao để phù hợp với điều kiện kinh tế, làm sao tốn ít mà lại đẹp. Chưa có tổ chức, cá nhân nào giới thiệu một mô hình làng đẹp thôn quê, ngay cả chương trình rất lý thú "Những sắc màu không gian" trên đài truyền hình cũng chỉ nói về kiến trúc đô thị.

Có thể nói kiến trúc nông thôn hiện nay không được hướng dẫn cả về mặt quy hoạch lẫn thẩm mỹ. Người nông dân vì trình độ dân trí và nhận thức thẩm mỹ chưa cao, họ chưa chủ động trước nhưng biến đổi do vậy hay đua đòi, bắt chước làm những ngôi nhà giống như container, mua hoa văn đúc sẵn ở các đô thị về gắn vào tường vào trần và tưởng thế là đẹp. Nhà cửa, ngõ xóm xây dựng không mấy khi theo quy hoạch (mà ai quy hoạch cho họ?) tạo nên sự hỗn độn, sự chen chúc, phá vỡ khung cảnh thôn quê vốn dĩ nền nã, nhuần nhị.

Bây giờ về nông thôn có cảm giác hễ cứ nhà mới là dựng đứng lên như cái tủ. Những ngôi nhà kiểu đô thị đó thoát ly khỏi mặt đất, trong khi người nông dân sống dựa vào đất. Nông thôn giàu lên nhưng về mặt kiến trúc lại vừa mang tính hình thức, vừa ít thuận tiện. Đôi khi bắt gặp bà con ngồi trên chiếc chiếu, trong căn nhà to rỗng, với lối trang trí xa lạ, ăn cơm với mắm mà chạnh lòng.

* Thưa GS, phải chăng kiến trúc làng và rộng hơn là văn hoá làng đang bị suy thoái trong cơn lốc đô thị hóa?

- Trong sự biến động diễn ra ở nửa sau thế kỷ XX và sự phát triển đột biến ở phần cuối thế kỷ đó, khung cảnh và kiến trúc làng quê biến đổi hẳn, không thua kém gì ở đô thị. Song ta không thể không nhận ra những sự xộc xệch, những sự biến dạng của cơ thể xóm làng đang là nguy cơ dẫn tới sự mất cân bằng, thậm chí sự suy thoái đi kèm sự phát triển.

Lâu nay chúng ta nói nhiều và làm cũng khá nhiều để hiểu, để giữ gìn khu phố gọi là cổ ở Hà Nội, khu phố cổ ở Hội An... Song vấn đề bảo tồn di sản kiến trúc làng quê Việt thì mới chỉ được đặt ra.

Đã đến lúc đặt vấn đề bảo tồn và phát huy những làng cổ, có giá trị không kém gì những khu phố cổ. Cùng với đó là việc bảo tồn những chiếc cầu đá, cầu gạch ở làng. Giữ lại những khung cảnh cổ, cũ, đẹp đáng yêu, đáng nhớ của chốn quê ta.

* Thưa GS, làm thế nào để đưa kiến trúc nông thôn đi vào đúng quỹ đạo của nó?

- Các cơ quan quản lý nhà nước phải hướng về nông thôn, tìm mọi đường đến với nông dân. Chúng ta phải có chủ trương cũng như sự đầu tư nhất định để làm sao 75% dân số ở nông thôn có những cái nhà, những cái làng đẹp, văn minh.

Vấn đề nan giải nhất ở đây là tạo ra mẫu trong thực tế, lấy cái được, cái hay để thuyết phục, và quan trọng hơn, tìm ra phương thức quảng bá.

Kiến trúc nông thôn đang đứng trước những vấn đề về mô hình, quy hoạch, thiết kế, kiến trúc, tổ chức cuộc sống cộng đồng, duy trì môi trường cảnh quan, bảo vệ môi trường v.v... Những vấn đề gay gắt không kém các đô thị.

(Theo TP)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.