Nhà ngoại giao Thụy Sĩ sáng tác ca khúc về Việt Nam: “Việt Nam là nguồn cảm hứng vô tận đối với tôi”

05/11/2005 16:47 GMT+7

Raoul Imbach hiện là Phó trưởng đoàn lãnh sự Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam. Anh đã làm việc tại Việt Nam được gần 3 năm. Điều đặc biệt là Raoul đã sáng tác nhiều ca khúc về Việt Nam. Raoul cho biết anh chuẩn bị cho ra đời thêm một đĩa CD, trong đó có 5 ca khúc về đất nước Việt Nam mà anh rất mến yêu. Đây cũng là album thứ 4 của nhà ngoại giao yêu âm nhạc này.

5 bài hát của Raoul về Việt Nam có tựa đề: Hãy nói cho anh biết vì sao ta yêu nhau, Em ơi em, Chào Việt Nam, Giọt nước mắt rơi, Bài ca cho riêng em. Raoul tâm sự: "Tôi đã sống ở đây 3 năm và tôi có rất nhiều kỷ niệm về Việt Nam. Tôi nhận thấy rằng những ấn tượng, những kỷ niệm của tôi về đất nước, con người Việt Nam rất giống với những gì mà nhiều người nước ngoài, sau một thời gian ở Việt Nam, cảm nhận được. Tôi muốn thể hiện những cảm xúc đó qua các ca khúc và hy vọng mọi người sẽ thấy được những suy nghĩ của tôi về Việt Nam khi nghe những bài hát ấy".

Bài hát đầu tiên Hãy nói cho anh biết vì sao ta yêu nhau, Raoul viết về chuyện tình giữa một cô gái Việt Nam và một chàng trai ngoại quốc. Raoul từng sống ở nhiều đất nước khác nhau trong hơn 20 năm qua và đã chứng kiến nhiều mối tình giữa những con người không cùng một nền văn hóa. Tình yêu của họ thật đẹp nhưng cũng hết sức khó khăn bởi giữa mỗi cặp uyên ương có quá nhiều điểm khác nhau, từ ngôn ngữ đến văn hóa, tư duy. Nhiều khi tưởng chừng không bao giờ đến với nhau được nhưng rồi họ cũng đã vượt qua tất cả...

"Trong tim không chung nguồn máu chảy
Ngay cả màu da ta cũng chẳng cùng nhau
Khác nhau vậy sao ta lại yêu nhau..."

Em ơi em là bài hát duy nhất trong 5 bài hát của Raoul viết về Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay được đặt tên bằng tiếng Việt và phần ca từ viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Raoul kể, bài hát trên phôi thai từ câu chuyện của một du khách quốc tế sững sờ trước vẻ đẹp của các cô gái Việt Nam, muốn bắt chuyện làm quen mà không thốt lên lời vì... không biết tiếng Việt. Có lẽ Raoul khi đặt chân đến Việt Nam cũng từng bị vẻ đẹp dịu dàng và quyến rũ của các cô gái Việt Nam chinh phục, nên anh viết rất chân thật:

"Vừa tới TP Hồ Chí Minh, không một chút tiếng Việt
Phải dùng cuốn từ điển nhỏ xíu đem theo
Đúng lúc đó em bước đi trên phố
Vẻ đẹp của em tôi chưa gặp bao giờ
Tôi nín thở cố tìm cách nói với em vài lời..."

Ba năm sống và làm việc ở Việt Nam, Raoul đã từng đi khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam. Nơi đâu cũng để lại trong Raoul những ấn tượng sâu sắc về đất nước, con người Việt Nam. Và anh đã thể hiện những xúc cảm đó của mình trong ca khúc Chào Việt Nam:

... Xin chào những cánh đồng lúa vàng, những chú trâu đen nhánh
Tôi yêu tà áo dài bay bay trên đường phố trên những chiếc xe gắn máy
Xin chào những mái tóc dài xinh tươi với nụ cười luôn thường trực trên môi
Xin chào những quán bia hơi trên hè phố
Tôi yêu Hà Nội với vẻ duyên dáng khi đêm về trên những con phố
Ngắm nhìn những cặp tình nhân thủ thỉ bên hồ...

Raoul Imbach trên sân khấu

Việt Nam là chặng dừng chân thứ 7 trong hơn 20 năm làm ngoại giao của Raoul nhưng tới nay, anh mới chỉ có một ca khúc duy nhất viết về một trong 6 quốc gia anh từng sống và làm việc trước khi sang Việt Nam. "Tôi đã theo đuổi nghiệp ca hát (nghiệp dư) từ hơn 40 năm nay và chỉ mới bắt đầu sáng tác cách đây 6 năm. Nhưng quả thật, Việt Nam là nguồn cảm hứng vô tận đối với tôi". Raoul giải thích vì sao số lượng bài hát của anh về Việt Nam nhiều hơn về các quốc gia khác: "Tôi yêu đất nước và con người Việt Nam. Thật kỳ diệu, ở bất cứ góc cạnh nào trong cuộc sống thường nhật, nơi đây cũng đem lại cho tôi những cảm hứng về âm nhạc". Trong số những bài về Việt Nam, Raoul bảo anh thích nhất bài Chào Việt Nam bởi bài hát đó ngôn từ đơn giản nhưng ẩn chứa trong đó những tình cảm, ấn tượng không chỉ riêng anh mà còn của biết bao người đã đến và khám phá Việt Nam. Anh hy vọng sẽ tìm được một nhạc sĩ Việt Nam dịch giúp thật chuẩn sang tiếng Việt và nhờ một ca sĩ Việt Nam biểu diễn ca khúc này.

Bao nhiêu năm sống ở Nam Mỹ đã hình thành nên phong cách chơi và sáng tác nhạc của Raoul. Không riêng gì các album đã phát hành mà những ca khúc của anh về Việt Nam sau này cũng đều có ảnh hưởng của nét nhạc mang chất Latinh. Raoul vừa đệm đàn vừa hát, chất giọng khàn khàn của anh khi thể hiện chất nhạc Latinh nghe thật thú vị, làm tôi nhớ đến lễ hội đầy màu sắc của những người dân Nam Mỹ...

Raoul cho tôi địa chỉ nhà riêng và còn hướng dẫn cặn kẽ quả là cũng có lý, bởi cứ theo địa chỉ đó mà loay hoay mãi tôi không thể tìm ra được. Anh buộc phải ra đón tôi nơi đầu ngõ. Đường vào nhà anh ngoắt ngoéo như ma trận vậy mà Raoul phóng xe nhanh như muốn... bỏ rơi tôi. "Dù phóng nhanh nhưng tôi luôn tập trung chứ không như mấy cậu choai choai đua xe ở Hà Nội", Raoul phân trần.

Ngõ nhỏ, phố nhỏ nhưng nhà anh lại rất... to. Lầu một căn biệt thự của anh trông chẳng khác gì một sàn diễn với la liệt các loại nhạc cụ và các thiết bị ghi âm: nào là các loại loa, trống, piano, ghita, tăng âm, micro, bàn trộn âm thanh... Riêng tầng lầu này, Raoul phải mất tới mấy tháng trời để trang hoàng lại theo ý thích của mình: bố trí ánh sáng ra sao, đèn chiếu xanh đỏ các loại, loa đặt như thế nào cho âm chuẩn... Đây cũng là nơi hằng tuần các thành viên trong ban nhạc do anh thành lập thường xuyên tới tập luyện để đi "công diễn", vừa là để giao lưu vừa gây quỹ ủng hộ trẻ em nghèo khuyết tật... Một mình anh mà có tới 3 chiếc piano, mỗi tầng một chiếc. Raoul bảo anh bố trí vị trí của từng chiếc piano như vậy để bất cứ khi nào có cảm hứng là sáng tác ngay chứ không phải chạy lên chạy xuống. Trong 3 chiếc piano ấy, Raoul thích nhất chiếc để ở lầu một mà anh mua ở Áo vì trong hơn 20 năm làm ngoại giao nó chưa bao giờ xa anh...

Raoul lúc nào cũng tất bật. Hết công việc ở Đại sứ quán lại đến các hoạt động nghệ thuật. Tôi không dám chiếm nhiều thời gian của Raoul vì anh chuẩn bị đến lớp dạy khiêu vũ (Raoul là một vũ sư có hạng). Hôm sau, anh cùng ban nhạc Wild Tortillas của mình có buổi biểu diễn tại khách sạn Hilton.

Chưa xa Việt Nam nhưng tưởng tượng đến ngày chia tay, anh đã thấy... nhớ. Và anh bộc lộ tình cảm của mình trong bài Chào Việt Nam:

... Nếu ngày mai tôi phải ra đi
Trong tim tôi Việt Nam luôn ở đó
Và một ngày kia tôi trở lại
Tôi sẽ nói:
Chào Việt Nam đã lâu rồi nhỉ
Nhớ Hạ Long, ôi sao là nhớ
Chào Sapa mờ trong sương khói
Mùa đông này tuyết có rơi nhiều không?
Chào anh xe ôm, chào bác xích lô
Tôi nhớ cái âm thanh ồn ào đường phố
Chào màn đêm yên lặng phố phường
Chào Bác Hồ kính yêu, tôi đã về đây.

Hỏi rằng một năm nữa trong nhiệm kỳ của mình ở Việt Nam, liệu anh có cho ra đời thêm một bài hát nào về Việt Nam nữa không, Raoul cười: "Thế nào tôi cũng sáng tác được một vài bài nữa trước khi rời VN".

Mạnh Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.