Thỏa thuận cắt giảm trợ cấp nông sản có lợi cho Việt Nam

19/12/2005 23:48 GMT+7

Tại Hội nghị cấp bộ trưởng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa kết thúc, Việt Nam chỉ tham dự với tư cách quan sát viên. Tuy nhiên, đoàn Việt Nam cũng đã đạt được nhiều kết quả cụ thể mà quan trọng nhất là có các cuộc thảo luận với đoàn đàm phán Hoa Kỳ. Vừa từ Hồng Kông trở về chiều 19.12, Đại sứ nước ta tại WTO Ngô Quang Xuân (ảnh) đã dành cho Thanh Niên một cuộc trao đổi.

* Theo thỏa thuận tại hội nghị, đến năm 2013, tất cả các thành viên WTO sẽ chấm dứt bảo hộ nông nghiệp. Thỏa thuận này có ảnh hưởng gì đến Việt Nam, thưa ông?

- Trước hết, thỏa thuận này sẽ có tác động mạnh mẽ chung đến nền thương mại toàn cầu, trong đó có Việt Nam, quan trọng nhất đây có thể coi là một thắng lợi lớn của các nước đang phát triển. Liên minh châu u (EU) hứa trước 2013 sẽ chấm dứt toàn bộ trợ cấp trong nông nghiệp, tức là mở cửa thị trường hoàn toàn cho các nước đang phát triển. Dĩ nhiên nếu Việt Nam trở thành thành viên WTO thì chúng ta cũng sẽ được hưởng cái lợi đó vì đối với các nước đang phát triển thì mặt hàng xuất khẩu chủ yếu vẫn là nông nghiệp. Còn mốc 30.4.2006 để cắt giảm thuế nhập khẩu, trợ giá nông sản là dành cho các nước kém phát triển, chúng ta không nằm trong đó. Trong đàm phán về nông nghiệp, chúng sẽ không có ảnh hưởng gì vì chúng ta đã cam kết khá cao rồi.

* Chúng ta đã gặp phái đoàn Mỹ bên lề hội nghị, kết quả cụ thể ra sao, thưa ông?

- Đoàn chúng ta đã gặp phái đoàn Mỹ hai lần chính thức và nhiều lần không chính thức ở các cấp khác nhau. Cấp cao nhất là Trưởng đoàn đàm phán WTO của ta Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự và Phó đại diện thương mại Mỹ Karan Bahtia. Trước khi đến Hồng Kông, chúng ta đã chuyển bản chào mới nhất cho phía Hoa Kỳ, đồng thời song phương chúng ta cũng đưa một bản chào cho Ban thư ký WTO. Sau phiên 11 chính thức, các nước đã gửi câu hỏi và chúng ta đã trả lời tất cả các câu hỏi đó. Hai bên đã đi sâu vào bàn các biện pháp tiếp theo, đặc biệt là lịch trình cho các phiên đàm phán sắp tới, thúc đẩy quá trình đàm phán trong thời gian tới. Hai bên cũng đã cụ thể hóa những bước đi tiếp theo vì lịch trình của phía Mỹ tại hội nghị lần này cũng quá dày đặc.

* Trong chuyến viếng thăm Việt Nam mới đây, Thứ trưởng Thương mại Mỹ David A.Sampson cho rằng hai bên có thể kết thúc việc đàm phán trong quý I năm 2006, ông nghĩ sao về tuyên bố này?

- Tôi có biết tuyên bố này của Thứ trưởng Thương mại Mỹ, rõ ràng đây là một tín hiệu lạc quan mà phía Mỹ đưa ra. Sau hội nghị tại Hồng Kông lần này, nhiều nước sẽ bận rộn với vòng đàm phán Doha, tôi nghĩ các bên đều phải khẩn trương tranh thủ. Liên quan đến đàm phán với Mỹ có quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (PNTR) của Quốc hội Mỹ. Năm nay là năm bầu cử của cả hai viện Quốc hội Mỹ, đó cũng là một sức ép. Hai bên đều thể hiện quyết tâm là kết thúc càng sớm càng tốt. Phía Mỹ cho biết là họ cũng thúc đẩy quá trình này.  

* Tham dự hội nghị lần này, đoàn Việt Nam đã đạt được những kết quả cụ thể nào, thưa ông?

- Đây là hội nghị được đánh giá là căng thẳng nhất trong vòng 16 năm qua, kể cả bên trong lẫn bên ngoài hội nghị. Bên trong thì thảo luận sôi nổi, đặc biệt là về các vấn đề liên quan đến bảo hộ nông nghiệp. Bên ngoài, không khí cũng căng thẳng không kém, đoàn chúng tôi đã phải di chuyển khó nhọc mới đến được hội nghị, thậm chí có nhiều lần phải tự đi bộ rồi đi phà, nửa đêm mới về được khách sạn. Ngoài gặp Mỹ, chúng ta cũng đã gặp các đối tác còn lại mà ta chưa kết thúc để thảo luận cho các vòng đàm phán sắp tới. Chúng ta cũng gặp gỡ nhiều đối tác thương mại đã kết thúc để bàn biện pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương. Quan trọng hơn là chúng ta cũng đã theo dõi rất sát sao những diễn biến chính của vòng đàm phán Doha mà tương lai - nếu là thành viên, chúng ta cũng phải tham gia, và sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích.

* Xin cảm ơn ông!

Xuân Danh
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.