Nguồn gốc bộ cánh "tuxedo" ở chim cánh cụt

22/12/2010 12:37 GMT+7

(TNO) Bộ cánh bảnh chọe của cư dân tại lục địa lạnh nhất thế giới có thể đã hình thành từ khi loài chim này còn sống trong điều kiện khí hậu ấm áp.

Chính hệ thống mạch máu chi trên là một trong những đặc điểm giúp chim cánh cụt hiện đại định cư được tại vùng biển lạnh giá ở Nam Cực trong vòng 16 triệu năm qua. Đây là hệ thống các mạch máu giúp hạn chế sự thoát nhiệt thông qua cánh.

Máu lạnh hơn nằm ở phần cánh, do tiếp xúc với nước và thời tiết giá lạnh, đã được làm ấm lên nhờ vào máu nóng hơn từ cơ thể, từ đó duy trì được thân nhiệt cho chim cánh cụt.

Để tìm hiểu thêm tình trạng tiến hóa của cấu trúc này, các nhà khoa học nghiên cứu 7 loài chim cánh cụt hiện đại và 19 mẫu hóa thạch. Ở những loài còn sống hiện nay, họ phát hiện hệ thống mạch máu ở dưới phần rãnh của xương cánh trên. Khi so sánh với các mẫu hóa thạch, các chuyên gia nhận thấy cấu trúc đó bắt đầu xuất hiện ở những chi đã tuyệt chủng.

Đáng ngạc nhiên là hệ thống mạch máu này hiện diện từ ít nhất 49 triệu năm trước, khi Trái đất trải qua giai đoạn khí thải nhà kính do lượng khí gây hiệu ứng nhà kính được phun với số lượng lớn vào khí quyển, có thể là do hoạt động núi lửa.

"Tôi bắt đầu công trình nghiên cứu với suy nghĩ rằng bộ áo giữ nhiệt ở loài chim cánh cụt có thể xuất hiện vào thời hành tinh xanh lạnh đi vào giai đoạn giao thoa giữa Kỷ nguyên Eocene và Kỷ nguyên Oligocene (cách đây khoảng 34 triệu năm), dù thực tế sớm hơn nhiều”, theo LiveScience dẫn lời Daniel Thomas, nhà cổ sinh vật học của Đại học Cape Town (Nam Phi).

Chim cánh cụt đầu tiên được trang bị "bộ tuxedo" từng cư trú tại siêu lục địa cổ đại đã biến mất Gondwana, giờ đây là đảo Seymour Island tại Nam Cực. Khi đó nhiệt độ nước biển vào khoảng 15 độ C, ấm hơn nhiều so với nhiệt độ trung bình hiện nay là 1 độ C.

Các chuyên gia cho rằng hệ thống mạch máu đã lần đầu tiên được tiến hóa để giúp loài chim cánh cụt bớt tiêu hao năng lượng trong những chuyến hành trình kéo dài dưới mặt băng lạnh. Những thay đổi này đã dẫn đến biến đổi về cấu trúc xương, giúp loài chim cánh cụt cải thiện hoạt động lặn và bơi lội.

Khi nhiệt độ toàn cầu lạnh đi, hệ thống mạch máu này có thêm mục đích sử dụng mới, cho phép chim cánh cụt xâm chiếm các tảng băng khổng lồ tại Nam Cực.

"Chim cánh cụt định cư ở phần lớn Nam Bán Cầu trong suốt 40 triệu năm qua nhờ vào khả năng chịu lạnh cực tốt”, chuyên gia Thomas nói.

Hạo Nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.