Khỏe để chơi, chơi để khỏe

18/11/2008 09:33 GMT+7

Mỗi ngày tại phòng khám y học thể thao, tôi gặp không ít vận động viên nghiệp dư là các chàng bụng bia, quý ông đứng tuổi hay các quý bà năng động đến khám vì chấn thương do các môn thể thao phổ biến như tennis, cầu lông, bóng bàn và ngay cả môn golf.

Họ đều muốn chơi thể thao để tìm sức khỏe, nhưng một thời gian đều khổ sở hoặc ngưng chơi do bị đau hoặc chấn thương và buộc phải làm bệnh nhân, đôi khi phải phẫu thuật. Tại sao vậy? Chơi thể thao để khỏe hay chỉ để sảng khoái tinh thần rồi mang gánh nặng chấn thương?

Để trả lời câu hỏi trên, các bạn hãy cùng tôi tìm hiểu mối liên quan giữa sức khỏe và thể thao: “chơi thể thao để khỏe” và “khỏe để chơi thể thao”.

Chơi thể thao để khỏe - nghĩa là chơi thể thao để có sức khỏe. Sức khỏe bao gồm sự khỏe mạnh về thể xác và sảng khoái về tinh thần. Chơi môn thể thao ưa thích sẽ đem lại sự thư giãn mỗi ngày, niềm vui vận động, tinh thần đồng đội để chia sẻ các mối quan tâm chung, kích thích thi đua và thỏa thích với sự tinh xảo và thành công.

Ngoài ra, thể thao với sự vận động thể lực hợp lý sẽ giúp hạn chế nguy cơ các bệnh lý tim mạnh, đái tháo đường, béo phì cũng như các rối loạn chuyển hóa khác. Đồng thời luyện tập thường xuyên còn giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng với stress, thông qua đó làm chậm quá trình lão hóa.

Nhưng để thể thao thật sự đem lại những lợi ích sức khỏe trên, chúng ta chú ý lựa chọn môn thể thao ưa thích vừa sức, phù hợp lứa tuổi, và quan trọng là biết cách chơi để phòng tránh chấn thương và mất cân bằng, mệt mỏi do quá tải. Đó mới thật sự là chơi thể thao để khỏe chứ không phải để bị đau đớn, phiền toái do chấn thương.

Nếu muốn tư vấn hay tìm hiểu thêm về các chấn thương thể thao - cách phòng ngừa và xử trí, bạn có thể tham khảo website: www.yhocthethao.org, hoặc liên hệ 0903676996 hay email: yhocthethao@gmail.com.

Khỏe để chơi thể thao - hay nói cách khác là có thể lực tốt để chơi thể thao. Có thể lực kèm theo kỹ thuật tốt mới chơi thể thao tốt, đạt thành tích cao.

Thể lực bao gồm các yếu tố: sức mạnh, sức nhanh, sức bền, độ dẻo, phản xạ thăng bằng và sự tinh xảo của động tác. Tùy từng môn thể thao mà yêu cầu về các yếu tố thể lực này ở mức độ khác nhau. Ví dụ: môn ném tạ, đẩy tạ cần rèn luyện sức mạnh thật tốt; môn nhảy cao, nhảy xa cần sức nhanh; môn bơi lội, marathon cần sức bền, golf cần thăng bằng, định hướng không gian tốt...

Để có thể lực tốt, cần rèn luyện các yếu tố này một cách hợp lý, có khoa học, tăng dần thời gian và cường độ, lặp đi lặp lại thường xuyên để trở thành phản xạ.

Các vận động viên nghiệp dư cần tập sức mạnh cơ bắp, sức bền bằng tạ, chạy bộ, máy tập hay các môn thể thao phụ như bơi lội, đạp xe... Ngoài môn thể thao chính đang chơi và chú ý thực hành các bài tập kéo dãn gân cơ, khởi động kỹ trước khi tập luyện thể thao, chỉnh sửa kỹ thuật động tác cho đúng chuẩn.

Một yếu tố cũng quan trọng giúp khỏe để chơi thể thao là hiểu biết cách phòng tránh và xử trí chấn thương thường gặp để chấn thương không là nỗi ám ảnh làm giảm phong độ, thành tích và đôi khi làm chúng ta từ giã môn chơi yêu thích của mình.

Theo BS Nguyễn Trọng Anh / Tuổi Trẻ
(Hội Y học thể thao TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.