"Nhà Thái học" người Việt

05/12/2007 23:10 GMT+7

Ở Bangkok có một "nhà Thái học" người Việt. Chính phủ Thái khi cần viết những văn bia, cáo bảng bằng văn tự Thái cổ thì nhờ đến ông.

Bác Châu Kim Quới (còn gọi là Hoàng Kim Quý), sinh năm 1926 ở Cần Thơ. Năm 1946, bác sang Bangkok làm bí thư, rồi quyền Giám đốc Sở Thông tin của Chính phủ Việt Nam kháng chiến (nay là Thông tấn xã Việt Nam) đến năm 1951. Những năm tháng Chính phủ Thái đàn áp người Việt yêu nước, Sở Thông tin phải đóng cửa, bác chạy đi lánh nạn ở tỉnh cực bắc Chiang Mai. Tận dụng thời gian này, bác học ngôn ngữ địa phương gọi là ngôn ngữ Lán Na và văn tự cổ. Cũng ở Chiang Mai, bác Quới cưới cô thương binh Hoàng Thị Hậu theo cách mà thời ấy người ta gọi là nghĩa vụ "nuôi thương binh giúp Bác Hồ". 

Thời ở Chiang Mai, bác Quới làm kinh doanh. Có tiền, bác ngưng kinh doanh, sang Paris học Pháp ngữ đến năm 1972. Trở lại Thái Lan, bác Quới giảng dạy chương trình thạc sĩ ngôn ngữ Lán Na tại Đại học Chiang Mai. Năm 1983, bác được nhờ viết bia ký Đài tưởng niệm Tam Vương Chiang Mai bằng văn tự cổ Lán Na. Đến năm 1992, khi gia đình chuyển về thủ đô Bangkok, bác Quới tiếp tục giảng dạy cho nhiều trường đại học lớn và làm ủy viên Ban tham khảo lịch sử Thái Lan qua các văn kiện chữ Hán cho 4 đời thủ tướng Thái.


Bác Quới dùng Thanh Niên Tuần San để dạy tiếng Việt cho con, cháu mình - ảnh: T.M

Bác Quới có nhiều công trình nghiên cứu và sáng tạo quan trọng trong ngành khoa học ngôn ngữ và lịch sử của nước Thái. Tiêu biểu là công trình sáng tạo 13 phông chữ các dân tộc Thái để đưa vào máy tính sử dụng rộng rãi hiện nay và được Quỹ nghiên cứu Thái Lan bảo trợ; phát minh ra bảng tìm can-chi lịch Tiểu nguyên và Phật lịch Thái Lan giúp tra cứu lịch sử, cùng với hàng chục cuốn sách biên soạn và dịch thuật được lưu giữ trong Thư viện Quốc gia Thái Lan. Bác cũng được các viện dân tộc học của Thái Lan và châu Á - Thái Bình Dương tài trợ cho những nghiên cứu về người Thái đen, người Chăm ở Việt Nam. Thú vị nhất là ở nhà bác có đến mấy tủ sách cổ, viết bằng các cổ tự trên những chất liệu thật độc đáo. Những công trình nghiên cứu của bác có ý nghĩa lớn đối với ngành sử học và ngôn ngữ học của vương quốc từng có tên Xiêm La. Hôm tham quan Bảo tàng Văn minh châu Á ở Singapore, tôi thấy ở đó có trưng bày các văn bản cổ y hệt những cái mà bác Quới có rất nhiều. Năm 2003, bác Quới được Bộ Ngoại giao nước ta tặng bằng khen vì "có đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc truyền bá tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam". Cũng năm 2003, Thông tấn xã Việt Nam đã trao tặng bác huy chương "Vì sự nghiệp Thông tấn".

 Trong quá trình nghiên cứu lịch sử Thái Lan và Việt Nam, bác Quới đã phát hiện ra những sai sót hết sức ngô nghê, thậm chí là rất nguy hại được lưu truyền trong sử sách hai nước. Thanh Niên xin trân trọng giới thiệu một vài câu chuyện:

1. Sách biên niên sử Xiêm La khi viết về lịch sử Việt Nam thì gọi nhân vật Việt bằng những tên họ tự đặt ra khá ngộ nghĩnh, như gọi Chúa Nguyễn Phúc Ánh là "Ông Txiêng Xử", Tôn Thất Xuân là "Ông Txiêng Txun", Mạc Thiên Tứ là "Ratxa xệtthỉ Yuôn". Các nhà sử học Thái biết chữ Hán lại đọc Mạc Thiên Tứ ra "Mó Thiên Xứ" theo lối Tàu. Những vị kể trên trước đây từng sang Bangkok "ăn nhờ ở đậu", do đó biên niên sử Xiêm nhắc đến luôn. 

2. Có khá nhiều nhà sử học Thái Lan viết trong sách hay thuyết trình gọi vua Gia Long là "Vua Việt Nam Gia Long" vì cho rằng từ "Việt Nam" là tên của vua. Một quyển sách của Hàn lâm viện Thái Lan có bài về lịch sử Việt Nam viết rằng: "Vua Việt Nam Gia Long ban quốc hiệu là Đại Nam nhưng Vua Trung Quốc đổi lại theo tên Vua là Việt Nam. Do đó quốc hiệu Đại Nam và Việt Nam xuất hiện cùng một lúc trong năm 1802". Thật ra, quốc hiệu Việt Nam là do Chúa Nguyễn Phúc Ánh đặt khi ông lên ngôi lấy tên hiệu Gia Long vào năm 1804. Vài chục năm sau, vua Minh Mạng mới đổi tên nước thành Đại Nam. Bác Quới đã viết thư đến Hàn lâm viện Thái Lan giải thích và đề nghị cải chính. Hàn lâm viện đã có thư cám ơn nhưng chẳng biết họ có sửa hay không. 

3. Còn ở Việt Nam, có nhiều sách gọi con sông chảy qua Bangkok là "sông Mênam". Thật ra "Mé nám" (mae nam) là danh từ chung trong tiếng Thái có nghĩa "con sông", không phải tên riêng. Con sông này tên Thái là "sông Cháu Phráya" (Mae nam Chao Phraya).

4. Chuyện nữa là sách tiếng Thái của "Việt kiều", phát hành ở Bangkok, đồng tác giả là một tiến sĩ Thái cộng một nhà nghiên cứu Việt, có đoạn viết rằng: "Chúa Nguyễn Phúc Ánh dâng em họ mình cho vua Xiêm", và ghi rõ là trích từ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư. Đọc xong giật mình vì bộ Đại Việt sử ký toàn thư hoàn thành năm 1675, công bố năm 1697, lấy đâu ra bảo rằng bộ ấy ghi chuyện 109 năm về sau? Rõ ràng, theo Đại Nam thực lục, Chúa Nguyễn Phúc Ánh sang Xiêm La năm 1784.

Thục Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.