Tìm giải pháp cứu sông Thị Vải

13/12/2008 01:24 GMT+7

Hôm qua 12.12, tại TP.HCM, dưới sự chủ trì của Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT), lãnh đạo TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai cùng ngồi lại phân tích thẳng thắn nguyên nhân gây ra “cái chết” của sông Thị Vải, đồng thời đề ra những giải pháp cấp bách nhằm cứu lấy con sông này. >>Chuyện sông Thị Vải "đã biết từ lâu" \"Rửa" sông Thị Vải để giải quyết ô nhiễm \ Cấp sai phép dự án trên lưu vực sông Thị Vải \Vedan vẫn xả nước thải ra sông Thị Vải

Chúng ta thiếu trách nhiệm

Không khí hội nghị “nóng” lên từ đầu khi Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Ngọc Thới thẳng thắn thừa nhận: “Nguyên nhân sông Thị Vải ô nhiễm nặng là do chúng ta... thiếu trách nhiệm!”. Sự thiếu trách nhiệm ở đây, theo ông Thới, là do các cơ quan chức năng còn đơn giản trong thẩm định hồ sơ của các doanh nghiệp, đơn giản trong kiểm tra (hậu kiểm) và đơn giản trong khâu phát hiện, xử lý vi phạm.

Xót xa cho môi trường Thị Vải, ông Thới nói thấm thía câu nói của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: “Thà chúng ta ăn lửng mà sống trong môi trường tốt, còn hơn ăn no mà sống trong môi trường ô nhiễm”. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ ra một nguyên nhân nữa là do lãnh đạo các địa phương thiếu tôn trọng những đánh giá, cảnh báo từ nhiều năm nay của các nhà khoa học...

Sẽ giám sát lời hứa của các địa phương

Sau khi “tự vấn”, ông Trần Ngọc Thới khẳng định: Từ năm 2009 trở đi, tỉnh cam kết kiểm soát được 100% các cơ sở, doanh nghiệp thải chất thải ra sông Thị Vải. “Về phần tỉnh là vậy, giờ còn chờ phía TP.HCM và Đồng Nai”, ông Thới tuyên bố chắc nịch.   

Mặc dù nhìn nhận hậu quả của sự phát triển kinh tế là môi trường bị ô nhiễm trầm trọng, thành phố thấy hết, nhưng Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín cũng không dám hứa chắc chắn việc sẽ đảm bảo các khu công nghiệp không gây ô nhiễm môi trường. Ông Tín nói: “Thành phố nói tới đâu làm tới đó, nói ít làm nhiều. Thành phố sẽ tập trung góp sức khắc phục ô nhiễm sông Thị Vải và có trách nhiệm hết mình để cứu con sông này”.

Nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Thị Vải, các đại biểu đề nghị trước mắt Bộ TN-MT sớm công khai tình hình ô nhiễm và các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các cơ sở cố tình không thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, hoàn thành trước tháng 6.2009.

Kiên quyết không cho phép đầu tư thêm các loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gồm: chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su, sản xuất hóa chất cơ bản (có phát sinh nước thải công nghiệp), nhuộm và thuộc da; đồng thời hạn chế cấp phép đầu tư các loại hình công nghiệp khác có nguy cơ gây ô nhiễm cao, như: công nghiệp xi mạ, chế biến thủy sản, sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật, sản xuất phân bón và giấy.

Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương liên quan khoanh vùng một số khu vực có rừng ngập mặn cần bảo vệ để đảm bảo cân bằng sinh thái, sớm đề xuất Thủ tướng quyết định; quy hoạch các khu vực được phép nuôi và khu vực không đảm bảo cho nuôi trồng thủy sản để nhân dân biết và phòng tránh thiệt hại...

Điều quan trọng hơn, theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà, đó là TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu phải cùng cam kết, đồng thời giám sát xem thực tế nói và làm của các địa phương có đi đôi với nhau hay không. Thứ trưởng Hà hứa ngay sau hội nghị này, ông sẽ đề xuất lãnh đạo Bộ TN-MT đầu tư ngay hệ thống quan trắc chất lượng nguồn nước dọc lưu vực sông Thị Vải, nhằm giám sát chặt chẽ những lời hứa trên của các địa phương.

Thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường sông Đồng Nai

Buổi sáng cùng ngày, tại TP.HCM, Bộ TN-MT cùng đại diện 11 tỉnh và TP.HCM đã họp và công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (gọi tắt là Ủy ban sông Đồng Nai) để chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng, thống nhất thực hiện “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai nhiệm kỳ đầu do Chủ tịch UBND TP.HCM đảm nhiệm với thời gian 3 năm.

M.N

Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.