Nỗi niềm cán bộ thư viện trường học

12/12/2006 00:22 GMT+7

Vào ngành từ năm 1995, đến nay tôi đã gần tròn 12 năm tuổi nghề. Trong thời gian công tác, tôi học nâng cao và chuyển sang ngạch cao đẳng từ năm 2003, nhưng lương Nhà nước hiện nay tôi được hưởng là 1.150.000đ (đã trừ bảo hiểm), đó là tính theo mức lương mới (450.000đ) (2.75), không phụ cấp chức vụ, không phụ cấp độc hại và không có cả phụ trội.

Cứ đọc qua thang điểm thi đua đánh giá thư viện đạt chuẩn do Sở Giáo dục - Đào tạo đề ra thì sẽ thấy, ngoài việc giữ kho sách khoảng 6.000 bản, chúng tôi phải đảm bảo chỉ tiêu 100% giáo viên tham gia đọc sách, 70% học sinh được đọc sách, hằng tháng phải tổ chức giới thiệu sách - báo cho giáo viên, tổ chức các hội thi cho học sinh và các hoạt động khác: biên soạn 2 thư mục/năm (mỗi thư mục không dưới 20 tựa sách), sưu tầm báo chí làm tài liệu cho giáo viên,... Xin lưu ý: mỗi công việc phải được tính trên việc phục vụ trên dưới 1.000 người (giáo viên + học sinh) và còn nhiều công việc khác mà tôi không thể nào liệt kê ra hết.

Đội ngũ làm công tác thư viện đã bị Bộ Tài chính "bỏ quên" đã đành, vì chúng tôi không thuộc biên chế Nhà nước (hợp đồng với Phòng Giáo dục), đến cả ban giám hiệu là người trực tiếp chỉ đạo mà cũng thiếu quan tâm, hay nói chính xác hơn là không hiểu đúng công việc của chúng tôi, bởi thế, khi chi lương trợ cấp, thì anh văn thư - có người trình độ chưa hết cấp III - vẫn hưởng trợ cấp cao hơn cán bộ thư viện. Một số trường, cán bộ thư viện muốn có thêm thu nhập phải kiêm nhiệm nhiều công việc: chia cơm cho học sinh bán trú, khảo bài cho học sinh thi tốt nghiệp, phụ trách khâu hồ sơ học vụ, "hợp tác" bán báo cùng tổng phụ trách Đội, phụ trách y tế,... và cả việc bán căn-tin.

Nhiều ý kiến cho rằng, tiêu cực trong giáo dục một phần do lương thấp, nhưng giáo viên có 35% lương trợ cấp, ngoài giờ lên lớp họ có thể dạy thêm. Còn chúng tôi - những người làm công tác thư viện, dù một số là giáo viên, nhưng  tìm đâu ra học sinh để dạy thêm? Còn nếu làm thêm nghề "tay trái" thì lấy đâu ra thời gian (mỗi ngày làm 8 tiếng), đôi khi phải làm đến 20 - 21 giờ mỗi khi Sở và Phòng Giáo dục tổ chức hội thi kể chuyện cho học sinh và mỗi khi sổ sách thay đổi theo quyết định nào đó (mỗi lần như thế chúng tôi phải thay sổ khác "cực kỳ" tốn kém thời gian và công sức! Dù Quyết định 61/1998/QĐ/BGD&ĐT đã "phong" đội ngũ cán bộ thư viện là "giáo viên thư viện", nhưng không hề có một phụ cấp nào cho "chức danh" cao đẹp đó. Sắp tới đây (tháng 3.2007), Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM sẽ tổ chức thi thư viện giỏi, chúng tôi lại một phen vất vả vì phải học thuộc vô số những khuôn mẫu (bảng phân loại, mã hóa tên sách, quyết định,...) trong khi chỉ cần giở ra để ghi theo công việc thường nhật của người "giáo viên thư viện".

Sau 12 năm "lao động là vinh quang", tôi giật mình khi nhìn lại "tài sản" của mình: thoái hóa đốt sống cổ, đau dạ dày, viêm xoang, cặp kiếng cận,... Và tôi tự nhủ phải tìm cho mình một con đường: tìm một ngành nghề thích hợp học để chuyển việc. Nhưng nhìn lại chặng đường 12 năm đã đi qua với biết bao kỷ niệm, tôi lại nuối tiếc, thầm mong "ông tài chính" Nhà nước để ý đến đội ngũ làm công tác thư viện thì tôi và các đồng nghiệp luôn mong muốn đi trọn chặng đường mà mình trót vương mang!

Phương Khanh (Phụ trách thư viện trường học)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.