Thích ứng với biến đổi khí hậu

13/12/2009 01:05 GMT+7

Hậu quả do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với ĐBSCL lần nữa được cảnh báo tại hội thảo “Nhận thức tác động của biến BĐKH và nước biển dâng ở lưu vực sông Cửu Long và Mississippi: Chương trình dự báo Mekong” do Đại học Cần Thơ và Cơ quan Khảo sát địa chất Hoa Kỳ (USGS) tổ chức trong hai ngày 10 và 11.12.

Theo USGS, trong suốt thế kỷ qua, cống đập được xây dựng tràn lan trên thượng nguồn và đê bao phát triển phía hạ lưu sông Mississippi (Mỹ). Những công trình này làm cản trở quá trình bồi lắng và hình thành đất trong vùng ngập nước tự nhiên nên làm mất đi 5.000 km2 diện tích đất ngập nước tại bang Louisiana. Thực tế của vùng đồng bằng Mississippi và bờ biển Louisiana cho thấy, hệ sinh thái ở vùng này đã bị tác động tiêu cực bởi hệ thống đê, đập. Và khi mà người ta muốn khôi phục lại hệ sinh thái cũ như nó vốn có thì cần khoảng kinh phí nhiều gấp từ 15 đến 20 lần so với chi phí đã đầu tư làm thay đổi nó.

Sông Mê Kông và sông Mississippi có nhiều điểm tương đồng và đang phải đối mặt với nhiều thách thức do hành động của con người và tác động của BĐKH. Việc xây dựng các đập thủy điện trên thượng lưu sông Mê Kông sẽ gây ra nhiều hệ lụy tương tự như sông Mississippi gặp phải. Các đập hiện tại và dự kiến xây dựng trong tương lai trên sông Mê Kông có thể làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và mưu sinh của con người.

TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu BĐKH ĐH Cần Thơ dự báo: Đến năm 2030, mùa mưa sẽ bắt đầu trễ hơn thường lệ 2 tuần lễ. Tổng lượng mưa sẽ giảm khoảng 20%. Lũ sẽ đến sớm hơn khoảng 2 tuần lễ, có thể là trước tháng 8. BĐKH sẽ làm tăng hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng, bão tố, làm giảm năng suất, sản lượng, diện tích, thu nhập dẫn đến tăng tình trạng thất nghiệp, nghèo đói, bệnh tật, ô nhiễm và bất ổn.

Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam chỉ rõ: Tác động của nước biển dâng làm mặn truyền sâu hơn trên các sông chính dẫn đến nguy cơ phá vỡ các dự án ngọt hóa do các cửa “lấy ngọt” của các dự án sẽ bị nhiễm mặn. Các tuyến đê sông, đê biển hiện hữu không đủ năng lực ngăn mực nước cao nhất của thủy triều. Các cống ngăn mặn, tiêu úng sẽ phải làm việc với mực nước thủy triều đã đang cao hơn thiết kế ban đầu nên khả năng tiêu thoát nước sẽ giảm đi đáng kể so với dự kiến. Nhiều cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, khu dân cư sẽ không còn phù hợp.

“Trước nay, người dân ĐBSCL đã quen với khái niệm “sống chung với lũ” theo tôi chúng ta nên bắt đầu tập làm quen với khái niệm “sống chung với BĐKH” ngay từ bây giờ”, TS Lê Anh Tuấn nói.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các hoạt động thích ứng với BĐKH phải dựa vào cộng đồng tại chỗ, bằng cách đa dạng hóa sinh kế cho người dân ở khu vực ven biển. Hữu hiệu nhất là sử dụng các hệ sinh thái tự nhiên làm “đệm sinh thái” cho sự phát triển và sinh kế của người dân: Các sinh cảnh tự nhiên giúp giảm nhẹ các vấn đề thời tiết cực đoan; đất ngập nước giúp trữ nước ngọt, giảm lũ lụt và hạn hán; rừng phòng hộ ven biển làm giảm mức độ xói mòn và các tác động do bão. Sinh kế của người dân ĐBSCL phụ thuộc chủ yếu vào các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên. Bảo tồn và phục hồi các chu trình sinh học tự nhiên của ĐBSCL sẽ làm tăng khả năng ứng phó với BĐKH của cộng đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên, trong 10 năm qua, hành động thích nghi với BĐKH được thực hiện trong nhiều chương trình và chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, chưa có chương trình nào có thể gọi đích danh như là hành động thích ứng với BĐKH. Các giải pháp thích ứng của VN vẫn còn đang ở giai đoạn khởi đầu, cần phải nhanh chóng đi vào thực thi, càng sớm càng tốt.

Chí nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.