VASEP phản đối quyết định của WWF

07/12/2010 17:01 GMT+7

(TNO) Chiều nay 7.12, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã họp báo phản đối việc Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại một số nước châu u đưa cá tra của Việt Nam vào danh sách đỏ của cuốn "Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản 2010 - 2011". >> Cạnh tranh không lành mạnh

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch thường trực VASEP cho biết, theo nguồn tin của IntraFish, được xác nhận tại buổi làm việc giữa VASEP với đại diện WWF Việt Nam, một số sản phẩm cá tra của nước ta vừa bị các thành viên của WWF ở 6 nước: Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch chuyển từ “danh sách vàng” sang “danh sách đỏ” trong các bản hướng dẫn người tiêu dùng năm 2010 - 2011 ở các nước đó.

Đây là kết quả khảo sát do một công ty tư vấn độc lập do WWF tại các nước này thuê, tiến hành đánh giá hơn 100 loài thủy sản thực phẩm trên thế giới theo bộ tiêu chí phát triển bền vững mới sửa đổi của WWF.

Ý kiến không đúng đắn

"VASEP phản đối ý kiến đánh giá không đúng đắn, thiếu cơ sở khoa học và không phù hợp với thực tế đó của WWF ở một số nước châu u và lo ngại rằng, việc đó có thể gây ra thiệt hại lớn cả cho người sản xuất lẫn người tiêu dùng, đồng thời ảnh hưởng bất lợi đến uy tín về tính khách quan, trung thực và minh bạch trong hành động của bản thân tổ chức WWF”, ông Dũng nói.

Về mặt chuỗi thức ăn sinh học, theo ông Dũng, các loài cá nuôi nổi tiếng như cá hồi hay cá ngừ sử dụng rất nhiều bột cá, mà phần lớn được sản xuất từ việc khai thác đến cạn kiệt các nguồn cá tự nhiên từ đại dương. Để thu được 1kg các loài cá ăn động vật (như cá giò, cá song, cá chẽm...) cần sử dụng tới 4 - 8kg cá biển; đối với cá ngừ con số này còn cao hơn, tới 30kg.

Ông Dũng nói: Có thể nói, việc phát triển nuôi những loài cá này đã góp phần làm cạn kiệt nguồn lợi sinh vật của đại dương. Điều đó đi ngược lại những nỗ lực không mệt mỏi của WWF”.

Trong khi đó, cá tra và các loài cá ăn hỗn hợp sử dụng rất ít đạm động vật, lại có thể thay thế bằng các nguồn đạm thực vật giá rẻ, tận dụng từ chế biến các loại phụ phẩm nông nghiệp (cám, bã đậu nành, khô dầu...).

Đặc biệt, cá tra là loài cá bản địa của đồng bằng sông Cửu Long, có sức chịu đựng rất cao, với ngưỡng oxy rất thấp, có thể nuôi với mật độ rất cao. Năng suất nuôi hiện nay đạt 400 - 600 tấn/ha (trong 6 - 7 tháng nuôi), với giá thành dưới 1 USD/kg.

Hiện nay VN chỉ sử dụng 6.000 ha mặt nước mà vẫn sản xuất mỗi năm 1,5 triệu tấn cá tra. Rõ ràng, cá tra là loài thủy sản có giá trị kinh tế - sinh thái tuyệt vời, vượt trội nhất trong các loài cá nuôi. Vì vậy, lẽ ra sản xuất cá tra phải được WWF ủng hộ để phát triển rộng hơn nữa nhằm mục tiêu bảo vệ các loài thủy sản hoang dã và tính đa dạng sinh học của thế giới như tổ chức này mong muốn.

Tiềm ẩn mục tiêu không trong sáng

Từ năm 2003, Việt Nam đã phổ biến áp dụng tiêu chuẩn của hệ thống quản lý SQF 1000 CM của Hiệp hội Tiếp thị Thực phẩm (FMI) Mỹ. Các doanh nghiệp cá tra Việt Nam luôn chủ động cập nhật thông tin và áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến, nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng.

Hiện nay, đa số doanh nghiệp cá tra Việt Nam đã và đang xây dựng các chuỗi sản xuất khép kín, nhằm quản lý chặt chẽ mọi yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn thực phẩm của sản phẩm cá tra (con giống, thành phần thức ăn, công nghệ nuôi, kiểm soát sức khỏe cá nuôi, công nghệ chế biến, điều kiện an toàn vệ sinh lao động, sức khỏe công nhân...).

Từ đầu năm 2010, nhiều nhà máy và vùng nuôi cá tra Việt Nam đã được cấp chứng nhận Global GAP - tiêu chuẩn cao nhất của ngành nuôi thủy sản có trách nhiệm và bền vững toàn cầu.

Theo ông Dũng, khuyến nghị do một số thành viên WWF ở châu u đưa ra có thể ẩn chứa những mục tiêu không trong sáng. Việc WWF ở một vài nước châu u mới đây cố ý “đổi màu” cá tra, chuyển sản phẩm này sang “danh sách đỏ” trong cẩm nang hướng dẫn người tiêu dùng là việc làm hoàn toàn không đúng, dựa trên những thông tin thiếu chính xác, đi ngược với xu thế diễn biến và tình hình thực tế của nghề nuôi loài cá này tại VN.

“VASEP đề nghị WWF toàn cầu yêu cầu các tổ chức thành viên của mình ở châu u khẩn trương xem xét lại ý kiến đánh giá, công bố công khai hệ tiêu chí, các chỉ số đánh giá của chuyên gia tư vấn về quản lý sản xuất cá tra của VN và tiến hành sửa chữa những sai sót trong việc hướng dẫn người tiêu dùng châu u”, ông Dũng nói.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.