Sinh viên ngủ ngày

14/12/2010 15:11 GMT+7

Ban ngày, nhiều SV khu vực Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng, vờ vật trên giảng đường bởi những đêm trắng gò lưng ở nhà máy khu công nghiệp. Lương khá và có sự trải nghiệm nhiều, nhưng thật đáng ngại cho sức khỏe và học lực của những cử nhân tương lai...

6 - 6 - 12

Đó là công thức của hầu hết sinh viên (SV) gia nhập đội quân công nhân tăng ca tại khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng:

6 giờ ngủ - 6 giờ học - 12 giờ làm. Các công ty thường không nhận SV bởi tính thời vụ của lực lượng này trong khi công ty cần sự ổn định, chính vì vậy để được làm việc các SV giấu nhẹm “thân phận” của mình. Chỉ cần giấy khám sức khỏe, trình độ tốt nghiệp THCS, tuổi từ 19 - 29, những cử nhân tương lai đã có thể đứng vào dây chuyền nhà máy.

“Bình minh” của SV Lê Thị Nhi (khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm) là 12 giờ trưa hằng ngày, ăn uống qua loa, Nhi lên giảng đường. Tan học, bạn làm ca đêm từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau tại Công ty TNHH điện tử Việt Hoa (KCN Hòa Khánh). Cứ thế, bạn đã bước qua hai tháng công nhân và kiếm được khoảng

5 triệu đồng kể cả tiền hỗ trợ thuê nhà và đi lại. Hồi nghỉ hè, Nhi làm ca ngày từ 6 giờ đến 14 giờ hoặc từ 14 giờ đến 22 giờ ở Công ty Mabuchi Motor để trang trải chi phí sinh hoạt, đồng thời giúp gia đình ở quê. Vậy mà họa vô đơn chí, vừa rồi Nhi bị trộm “viếng” phòng trọ nên từ nay đến qua Tết âm lịch, Nhi phải vừa học thi vừa “cày đêm”, vì lương ca đêm cao hơn ca ngày nhiều lần. “Mình làm ở bộ phận lắp ráp linh kiện, quy định của công ty rất chặt chẽ, bắt buộc phải mang tất và dép đồng phục bảo hộ, vậy mà thời gian đầu do sơ suất mình vẫn bị điện giật” - Nhi nói. Thời gian đầu chưa quen việc là giai đoạn khốn khổ nhất của những SV khoác áo công nhân, bạn Hoài Xuân (SV năm 3 trường CĐ Kinh tế kế hoạch) “liên tục bị kim đâm vào tay rất đau đớn” dù ca đêm ở Công ty TNHH Matrix Việt Nam cũng giúp bạn kiếm được hơn 2 triệu đồng/tháng.

Tiếng ồn và bụi công nghiệp cũng là một sự ám ảnh đối với những nữ SV chân yếu tay mềm. Thanh Chi (lớp Báo chí, khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm) làm trong Công ty TNHH Matrix Việt Nam từ 22 giờ đến 6 giờ, nếu tăng ca thì làm từ lúc 20 giờ hằng ngày. Chi cho biết do tiếp xúc với nhiều hóa chất nên rất dễ bị dị ứng da. “Ban đầu mình không làm được gì vì nhiệt độ lạnh và bụi vải khiến mình lúc nào cũng sụt sùi, công việc buộc phải đứng một chỗ dán nhãn nhưng đòi hỏi kiên nhẫn, tập trung cao nên rất buồn ngủ, nhiều khi mỏi tay nghỉ hoặc làm chậm một chút lập tức bị quản lý mắng ngay”.

Bài học dây chuyền

Nhiều SV khác cũng chọn ca đêm với lương và thưởng tiến độ cao hơn hẳn ca ngày, nhưng áp lực cực kỳ căng thẳng. 12 tiếng mỗi đêm, Nhi phải hoàn thành 2.000 đơn vị linh kiện trên dây chuyền sản xuất. Đêm nào quá mệt Nhi chỉ đạt ¾ số lượng, bên cạnh chuyện bị mắng, viết giấy cảnh cáo, bạn còn phải hoàn thành phần thiếu vào đêm hôm sau. Đó là chưa kể nếu sản phẩm bị lỗi, làm sai thì công nhân cũng bị khiển trách liên tục.

Bạn Lê Văn Lành (lớp 08CVNH, khoa Sử, ĐH Sư phạm) làm ca đêm trong nhà máy bia từ 22 giờ đến 6 giờ. Lành tưởng việc chuyển két vỏ chai lên dây chuyền bơm bia đơn giản vì bản thân cũng nhanh nhẹn, nào ngờ: “Không chỉ nhanh tay mà còn phải có sức khỏe dẻo dai để khuân vác liên tục, có vài lần đuối sức mình tuột tay làm vỡ tung tóe, vậy là bị trừ lương”.

Chỉ làm một tháng để kiếm tiền học phí, nhưng Thanh Chi cũng có thêm nhiều trải nghiệm. Bên cạnh những dây chuyền công nghiệp vô cảm, các anh chị công nhân thường xuyên giúp nhau, đặc biệt là giúp Chi hoàn thành năng suất, sản lượng. “Khi đã làm công nhân trong môi trường tập thể trên băng chuyền, máy đã quay thì bạn không thể dừng lại vì mắt xích sẽ bị đứt, chính vì vậy bạn chỉ có thể cố gắng, cố gắng hơn nữa chứ không thể bỏ cuộc, và trên hết mình cảm thấy thương ba mẹ hơn, vì ba mẹ mình cũng là công nhân” - Chi chia sẻ.

Nhiều SV “lột xác” sau một thời gian làm công nhân. Lê Thị Nhi kể: “Trước đây cứ tưởng lao động chân tay đơn giản, nhưng môi trường công nghiệp thật sự nghiêm túc, trên giảng đường có nghỉ cũng không sao chứ công nhân nếu nghỉ không phép sẽ bị trừ lương. Làm gì cũng phải tỉ mỉ, chịu khó và kiên nhẫn. Có những anh chị lành nghề, bậc càng cao thì lương tỷ lệ thuận theo, vậy mới biết làm thợ cũng phải trau dồi tay nghề, học hỏi không ngừng và cũng khó không kém làm thầy”.

Vờ vật trên giảng đường

Thu nhập khá, nhưng môi trường làm việc áp lực, cộng với tiếng ồn, bụi công nghiệp… nên sau hai tháng “tàn phá” sức khỏe, khi về thăm quê không ai nhận ra Nhi vì quá ốm. Còn Thanh Chi có hôm mệt đến nỗi không nuốt được cơm, chỉ làm một tháng mà sút 3 kg. SV Trần Thị Anh, ĐH Sư phạm, làm tại Công ty TNHH điện tử Việt Hoa tâm sự rằng mọi sinh hoạt bị đảo lộn hết cả: “Lúc đầu làm ca đêm, ban ngày buồn ngủ kinh khủng nhưng cứ nằm chập chờn, còn bây giờ thì những đêm không đi làm mà mắt cũng mở thao láo. Một lần mình đi làm về mắt cứ nhíu lại, vậy là té xe, nhiều hôm phải nhờ bạn bè chở về chứ không dám tự đi nữa”. Riêng Nhi đang lo lắng vì không biết có cầm cự được đến hết tết như dự định hay không bởi lúc này lịch học ở trường kín cả hai buổi sáng, chiều, Nhi phải cúp tiết để ngủ bù.

Bạn Lê Văn Lành sau tuần đầu tiên làm công nhân mệt rã rời, toàn thân ê ẩm, cũng dần thích nghi. Đầu năm lịch học ở trường còn thưa thớt nên ban ngày Lành có nhiều thời gian ngủ. Nhưng cuối học kỳ, lịch học kín mít, ở nhà máy, dù được làm một giờ nghỉ một giờ nhưng với cường độ liên tục và thức đêm thường xuyên nên Lành đã bỏ cuộc.

Dù kiếm được gần 3 triệu đồng/tháng, nhưng Lành khuyên: “Lương cao nhưng cứ nghĩ đến việc thi rớt, đóng tiền thi lại là mình thấy tốn kém rồi, làm đêm kiếm thu nhập và thử cho biết là được rồi, SV cũng không nên bám trụ với công việc này, hại sức khỏe và giảm trí nhớ”. 

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.