Lo ngại về chất lượng tiến sĩ

24/12/2007 20:23 GMT+7

Những ý kiến bức xúc tại hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ kinh tế" do trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội tổ chức đã khiến nhiều người phải lo ngại về chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay.

Với một bài tham luận khá công phu, GS.TS Đỗ Kim Chung - trường ĐH Nông nghiệp 1 đã vạch ra hàng loạt bất cập trong đào tạo tiến sĩ (TS) nói chung và TS kinh tế nói riêng của Việt Nam, trong đó bất cập đầu tiên được ông nhấn mạnh là những nhận thức của xã hội về tấm bằng này. Ông nói: "Hiện nhiều cấp nhiều ngành đã có nhận thức chưa đúng về văn bằng TS và sử dụng trình độ học vấn TS. Kết quả khảo sát của Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho thấy 70% những người có trình độ TS đang làm quản lý ở các cơ quan nhà nước, chỉ chưa đầy 30% làm nghiên cứu và giảng dạy. Điều đó cho thấy những văn bằng TS và học vị TS được hiểu là cơ hội để thăng tiến hơn là để dành cho công tác nghiên cứu. Hơn nữa, khi một TS tham gia làm công tác quản lý thì được đánh giá cao hơn một TS chỉ làm chuyên môn. Hai bất cập nói trên đã kích thích cán bộ quản lý không có nhu cầu  nghiên cứu, tìm kiếm văn bằng hơn là khuyến khích họ thực sự học tập và nghiên cứu".

TS Phan Công Nghĩa - Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân - nơi có kinh nghiệm 30 năm đào tạo TS cũng phải thừa nhận một sự thật: hiện nhiều nghiên cứu sinh (NCS) chưa xác định đúng động cơ học tập và nghiên cứu. Họ làm NCS không nhằm thu nhận những kiến thức mới cần thiết cho công việc sau này của họ mà nhằm kiếm được tấm bằng cho các mục đích khác nhau. Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập của NCS mà còn tác động xấu đến chất lượng đào tạo TS nói chung và TS kinh tế nói riêng.

Quy định đào tạo đã lỗi thời!

Một vấn đề được nhiều đại biểu phản ánh đó là những bất cập trong quy định đào tạo TS hiện nay. TS  Đỗ Kim Chung bức xúc: "Các quy định về đào tạo TS của ta quá cứng nhắc trong thủ tục (tuyển sinh đầu vào, thủ tục làm và bảo vệ luận án). Trong khi đó các quy định liên quan đến chất lượng đào tạo thì ít được để ý đến". TS Chung cho biết: quy định đầu vào hiện nay quá coi trọng về văn bằng quá khứ mà không chú ý đến nhu cầu công việc. Nếu muốn làm TS ở một lĩnh vực, nếu không học đại học đúng chuyên ngành đó, thì người học không được chấp nhận, do đó rất khó có cơ hội chuyển ngành nghề. Nếu có chuyển đổi thì phải làm một loạt thủ tục lê thê, dài dòng và chỉ mang tính hình thức; đề tài của NCS ít được (thậm chí không được) thay đổi, so với tên đề tài mà NCS đã bảo vệ lúc ban đầu; phân công giáo viên hướng dẫn còn cứng nhắc; các NCS không qua cao học phải học quá nhiều môn để đảm bảo điều kiện tối thiểu khi làm NCS...

GS.TS Bùi Quang Quynh - ĐH Kinh tế Quốc dân cũng nêu một thực trạng: "Khâu tuyển đầu vào, so với trước đây (những năm 80 của thế kỷ trước) vẫn chưa có gì thay đổi. Việc giao chỉ tiêu và cấp bằng vẫn nặng về quản lý tập trung của Bộ GD-ĐT. Chính vì vậy, không chỉ ĐH Kinh tế quốc dân mà nhiều trường ĐH khác, đào tạo TS thường chỉ ngồi chờ chỉ tiêu trên cho, mang tính thụ động, thiếu tính chủ động trong đào tạo".  

“Chất lượng đào tạo NCS rất thấp, nhiều đề tài trùng lặp. Vừa qua, Vụ ĐH, SĐH (Bộ GD-ĐT) có thống kê đề tài của NCS thì thấy sự trùng lặp ghê gớm; nhiều đề tài có tính thực tiễn rất thấp; có đề tài yêu cầu viết một trang thông tin những cái mới nhưng không viết nổi... Nếu chúng ta không nhìn thẳng vào sự thật thì không đổi mới được!” (phát biểu của Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long tại hội thảo)
Kinh phí đào tạo quá thấp

Theo TS Đỗ Kim Chung, hiện một NCS được cấp kinh phí đào tạo là 4-5 triệu đồng/năm (quy định từ năm 1994 đến nay chưa thay đổi). Số tiền này không thể đủ trang trải cho quá trình tổ chức đào tạo. Trong khi đó mức kinh phí cho các lưu học sinh Việt Nam ở các trường ĐH trên thế giới thì lên tới 20.000-30.000 USD/năm, gấp gần 100 lần kinh phí cấp cho NCS trong nước! Ông Chung nói: "Theo đánh giá của chúng tôi, các NCS trong nước hoàn thành luận án phải chi từ khoảng 120-150 triệu đồng. Đây là khó khăn cho phần lớn các NCS trong quá trình thực hiện đề tài với thời gian ngắn 3-4 năm... Vì vậy, áp lực đó tất yếu dẫn đến hoặc quá hạn hoặc có vấn đề về chất lượng! ".  

TS Nguyễn Thế Chinh - trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, kinh phí cho đào tạo TS chưa tạo ra được mức độ hấp dẫn cho giáo viên hướng dẫn cũng như nghiên cứu sinh. Chính vì vậy đã không tạo ra được động lực thúc đẩy mạnh mẽ đối với thầy và trò trong việc nâng cao chất lượng đào tạo TS.

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.