Cô ơi là cô !

10/12/2005 15:22 GMT+7

Sách Luận ngữ chép chuyện Khổng Tử có lần cầm cái bình rượu mà than dài: “Cô bất cô. Cô tai! Cô tai!”. Nghĩa là: Không phải là cô mà gọi là cô! Cô ơi là cô! Cô ơi là cô! Chẳng phải thánh Khổng kêu gọi cô Hai, cô Ba hay là cô Hồng, cô Tuyết nào đâu. Cô đây là tên gọi cái bình đựng rượu.

Thời Khổng Tử, bình đựng rượu được nặn theo dáng đáy vuông, mình có góc cạnh và gọi là cái “cô”. Về sau, người ta thay đổi hình dáng, nặn bình rượu theo dạng đáy tròn, mình bầu và lạ thay, cũng gọi là cái... cô! Điều đó làm Khổng Tử ngán ngẩm nên mới xướng ra thuyết “Chính danh”. Sở dĩ có hiện tượng “không phải cô mà vẫn gọi là cô” là vì nhiều người ưa lối sống cẩu an, cẩu an là lối sống tạm bợ, sao cũng được, sao xong thôi, dù cho là lắm chuyện nhập nhằng, không đòi phải rạch ròi, làm cho ra lẽ. Điều thứ hai là tâm lý nhiều người ưa khoác vào mình những mỹ danh, những giá trị mà mình không có được, nhằm mục đích lừa bịp người đời để mưu cầu danh lợi. Trình độ lớp năm mà tự xưng mình là tiến sĩ, bỏ tiền ra để mua bằng, thuê người viết luận án là chuyện không hiếm giữa thời buổi này, thời buổi mà có vị hòa thượng đi gạt người, mua đất không trả tiền, thu lợi hàng trăm tỉ. Lại còn xưng mình là bác sĩ, giáo sư, nhà hoạt động xã hội, nhà từ thiện... với bao nhiêu mỹ danh khác nữa.

Nếu Khổng Tử có gặp ông này ắt cũng phải chào thua và tự hỏi: “Sao thuyết chính danh của mình ra đời đã bao năm rồi mà lão này không biết, hay biết mà không theo?”. Vì thế mà còn không biết cơ man nào là kẻ giả danh, mạo danh, mượn danh “không phải cô mà cũng xưng là cô” chỉ vì mê muội chạy theo vật dục.

Nhiều người đồng ý rằng, tại nước ta, trong một ông Nho luôn có một ông Thích hay ông Lão và ngược lại. Tam giáo đồng nguyên, giáo nào cũng dạy con người chí thiện, ăn ở sao cho xứng đáng với tên gọi con người. Nhiều nhà Nho thấm nhuần Phật pháp cũng như lắm thiền sư vẫn trân trọng Khổng Khâu.

“Danh không chính thì lời nói chẳng thuận, lời nói không thuận thì việc chẳng nên, việc không nên thì lễ nhạc chẳng hưng vượng, lễ nhạc không hưng vượng thì hình phạt chẳng trúng, hình phạt không trúng ắt dân không biết xử trí ra sao...” (Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành, sự bất thành tắc lễ nhạc bất hưng, lễ nhạc bất hưng tắc hình phạt bất trúng, hình phạt bất trúng tắc dân vô sở thố thủ túc...” (Luận ngữ). Đó là cốt lõi thuyết chính danh của Khổng Tử. Nhìn sang đạo Phật còn lắm thứ “chính” hơn nữa như chánh kiến, chánh tư duy, chánh niệm... Từ việc suy nghĩ, trồng cây, lao động, ngay đến việc rửa bát... cũng phải thực hành trong chánh niệm. Việc gì ra việc ấy, phải gọi đúng tên, đúng việc, đả phá chuyện mạo danh, giả danh trục lợi, thì lúc đó không đúng là cái cô ắt không thể gọi là cái cô để Khổng Tử khỏi phải ngán ngẩm mà than dài: “Cô tai! Cô tai!”.

Tiêu Kim Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.