Thêm những chuyến đi đến với bà con vùng lũ

15/12/2007 00:15 GMT+7

Trong hai ngày 5 và 6.12, đoàn công tác xã hội của Báo Thanh Niên phối hợp với Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam đã tỏa đi nhiều hướng để thăm và trao tận tay những món quà cho người dân vùng lũ, với tổng trị giá 200 triệu đồng.

"Rứa là có gạo ăn rồi"

Mưa lớn kéo dài từ sáng ngày 5 đến ngày 6.12 đã làm mực nước trên sông Hương và sông Bồ tại Thừa Thiên-Huế lên nhanh. Nhiều xã thuộc huyện vùng thấp Quảng Điền, Hương Trà tiếp tục bị ngập trở lại. Nhiều bà con phải lội nước hoặc chống đò để đến địa điểm nhận cứu trợ. Mỗi suất quà đến với bà con lúc này thật sự có ý nghĩa. Cụ Hà Thị Sen, 77 tuổi,  ở thôn Phú Ổ, Hương Chữ, chống gậy, đội mưa đến nhận suất quà, vừa run run mở phong bì vừa kéo áo một chị trong đoàn cứu trợ gật gù: "Rứa là có gạo ăn rồi". Ở Quảng Thành, bà con nông dân vừa gieo giống cho vụ đông xuân thì cơn mưa đêm 5.12 làm nước dâng trở lại, mọi kế hoạch vượt khó sau lũ đều "phá sản". Nhìn những cánh đồng đang còn mênh mông nước mới thấu hiểu nỗi khổ của người dân nơi vùng lũ lụt.

Xuống biển, lên rừng đi cứu trợ

Cùng ngày, một đoàn cứu trợ khác đã đến với bà con các xã miền biển của huyện Thăng Bình và huyện miền núi Hiệp Đức (Quảng Nam). Thông báo dọn lũ, chạy lũ viết bằng phấn trắng vẫn còn lưu trên bảng thông tin ở trụ sở UBND xã Bình Giang và Bình Sa (Thăng Bình, Quảng Nam). Sự có mặt của Báo Thanh Niên và Công ty Prudential đã mang đến tia ấm áp trong những mắt nhìn. Bà Năm ở thôn 4 Bình Giang ôm kỹ nón lá và chiếc phong bì 200.000đ, sợ rớt. Cuối buổi, trước khi ra đồng dọn lụt, bà con tụ lại nói lời cảm kích.

Đặt chân lên đất Thăng Phước (Hiệp Đức, Quảng Nam), ông Huỳnh Văn Mạnh, Phó tổng giám đốc Prudential, hình dung được sự khó khăn của địa hình và nỗi khổ của người dân vùng lũ. Cả xã còn 2,5 thôn chưa có điện, gồm thôn Phú Mỹ, An Mỹ và nửa thôn An Lâm. Đã vậy, địa hình biệt lập, những ngày mưa bão, chỉ có thể liên lạc với "thủ đô" (tức trung tâm xã) bằng đôi chân giao liên. "Bốn năm nay nhờ có cầu treo nên khỏi phải qua đò. Cả xã vẫn còn gần 5-% hộ nghèo (tức thu nhập dưới 200.000đ/tháng/người) nhưng so với trước đây là phát triển lắm rồi", Chủ tịch xã Thiều Quang Bốn ngậm ngùi.     

Lúa giống và nước sạch thiếu trầm trọng

Tại Hòa Xuân (TP Đà Nẵng), mặc cho cơn mưa như trút nước sáng 6.12 bà con vẫn đội áo mưa đến hội trường UBND phường từ rất sớm. Cơn lũ đi qua, bên hông UBND phường là một bãi tập kết đồ đạc, bàn ghế làm bằng ván ép giờ cũng vữa ra như bánh mì. Nước rút, nỗi nguy hiểm đã qua đi, người dân giờ phải đối mặt với tình thế khó khăn trăm bề khi toàn bộ lúa giống phục vụ cho vụ mùa sắp đến đều bị ngâm nước lụt. Mặc dù nhiều nhà bảo quản lúa trong chum, trên trần nhà nhưng cũng đành buông tay vì nước lên cao. Đến ngày nước rút, nhìn đâu cũng thấy lúa giống trổ mầm, đứt từng khúc ruột. Bí thư Đảng ủy phường Hòa Xuân Phạm Quang Ánh cho biết: "Vấn đề bức thiết nhất cho đến bây giờ vẫn là nước sạch và lúa giống".

Trước đó, một đoàn công tác xã hội Báo Thanh Niên phối hợp với Công ty Bảo hiểm Prudential - chi nhánh Bình Định thực hiện đợt cứu trợ cho đồng bào vùng lũ ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định). Do 5 đợt lũ liên tiếp chồng lên nhau khiến hàng trăm hộ gia đình ở 2 xã Tam Quan Bắc và Hoài Châu bị chia cắt, nhà cửa, ruộng vườn và tàu thuyền hư hỏng nặng; thiếu thốn về lương thực, thực phẩm... Đây là vùng rốn lũ nên bị thiệt hại nặng nhất tỉnh Bình Định.

Lê Công Danh - Đăng Ngọc Khoa -
Vũ Phương Thảo - Cao Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.