"Doanh nhân trẻ Việt Nam đoàn kết, khát vọng, đột phá, phát triển"

13/12/2008 08:28 GMT+7

Sáng nay (13.12), tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội các nhà Doanh nghiệp trẻ Việt Nam lần 3, nhiệm kỳ 2008 - 2011, chính thức khai mạc. 15 năm ấy biết bao là tình

Từ sáng sớm hàng trăm đại biểu là các doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho lực lượng DNT cả nước và các nhà DNT Việt Nam tại nước ngoài (Mỹ, Úc, Nga, Nhật, CH Séc, Pháp, Đức, Trung Quốc, Lào, Campuchia...) đã có mặt rất sớm tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình háo hức tham dự đại hội.

Đúng 8h30, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội các nhà DNT Việt Nam lần 3 đã chính thức khai mạc. Theo BTC có hơn 700 đại biểu đã về tham dự chương trình.

* Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, cán bộ phụ trách PR, truyền thông của Tổng công ty Trường Hải chi nhánh khu vực Bắc Bộ bày tỏ: Hội doanh nghiệp trẻ không nhưng là nơi doanh nghiệp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm mà các doanh nghiệp thành công là thành viên của hội còn là tấm gương cho những doanh nhân trẻ mới bước vào thương trường noi theo. Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, tôi hi vọng các tổ chức Hội ở địa phương sẽ tổ chức các cuộc hội thảo, các hội nghị bàn phương án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách thường xuyên hơn. Các Hội DNT ở các khu vực, như các tỉnh liền kề ở từng vùng, cần thường xuyên có các cuộc họp, các buổi gặp gỡ để các doanh nghiệp và tổ chức hội cùng bàn phương án kinh doanh, đưa ra các gợi ý, các phương án kinh doanh mới, phù hợp với tình hình mới.

* Anh Huỳnh Tấn Chung, Tổng giám đốc công ty Việt Hàn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Quảng Nam: Tôi cho rằng trong thời điểm này, tổ chức hội cần đặc biệt chú ý đến các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp gặp khó khăn để có những chính sách giúp đỡ họ cả về vốn, kinh nghiệm quản lý... Các doanh nghiệp có thể liên kết thành các chuỗi sản xuất để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh. Thời điểm khó khăn cũng chính là lúc doanh nghiệp cần đến tổ chức Hội nhất, và ngược lại, thời điểm này cũng là lúc để tổ chức Hội chứng minh sự cần thiết, vai trò của Hội với cộng đồng doanh nghiệp.

Đại hội lần này sẽ thông qua báo cáo đánh giá kết quả hoạt động của Hội và phong trào DNT Việt Nam nhiệm kỳ 2 (2005 - 2008) và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 3 (2008 - 2011), thảo luận và thông qua điều lệ bổ sung...

Nguyễn Phước Lộc - Phó chủ tịch thường trực Hội LHTN VN, Phó trưởng ban chỉ đạo Đại hội đại biểu toàn quốc Hội các nhà DNT toàn quốc lần 3 - đã tiến hành hiệp thương, giới thiệu đoàn chủ tịch Đại hội. Đoàn chủ tịch gồm 33 đại biểu, trong đó vì lý do sức khỏe 1 đại biểu không tham gia được. Anh Nguyễn Phước Lộc đã xin ý kiến các đại biểu tham dự đại hội cử anh Bùi Văn Quân - Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội thay thế. Các đại biểu đã nhất trí biểu quyết thông qua. Ban tổ chức cũng giới thiệu đoàn thư ký gồm 3 đồng chí: chị Lê Thị Mai, anh Vi Tư Liệu, chị Phạm Thị Mỹ Lệ. Tiếp đó, Anh Dương Viết Roãn, đã giới thiệu chương trình Đại hội và các đại biểu đã thống nhất thông qua.

Tiếp đó Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam phối hợp cùng với nhà hát ca múa nhạc Việt Nam tổ chức chương trình ca nhạc: “Khúc hát doanh nhân” chào mừng Đại hội.

Đến dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội các nhà DN trẻ VN lần thứ 3 - nhiệm kỳ 2008 - 2011 có sự hiện diện của các các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước: ông Phan Diễn - Nguyên Ủy viên Bộ Chính Trị, Nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; ông Vũ Khoan - Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Kiên Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc Hội; Hoàng Bình Quân - Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang; anh Võ Văn Thưởng - Ủy viên dự khuyết TW Đảng; Bí thư thứ nhất TW Đoàn; anh Nông Quốc Tuấn - Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Quốc hội…

Phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội các DN trẻ VN lần thứ III, ông Khương Hữu Việt - Chủ tịch Hội DNT VN nhận xét, đây là ngày hội lớn của các doanh nhân trẻ trên mọi miền cả nước. Nhiều bạn bè, DN trên thế giới cũng đã có mặt trong đại hội nhiều ý nghĩa hôm nay. 718 DN trẻ có mặt trong ngày hôm nay là hình ảnh tiêu biểu của những người trẻ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Từ khoảng 4.000 hội viên ở đầu nhiệm kỳ 2, đến nay con số này đã phát triển tột bậc lên đến gần 7.000 hội viên. Doanh thu từ 12 tỉ USD ban đầu của nhiệm nhiệm kỳ lần thứ nhất đã tăng trưởng lên gần 20 tỉ USD sau nhiệm kỳ lần thứ 2.

Đại hội nhiệm kỳ 3 diễn ra trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu do vậy khẩu hiệu của Đại hội 3 lần này sẽ là: “Đoàn kết, khát vọng, đột phá và phát triển”. Chính vì vậy mà các DN trẻ sẽ cùng nhau “vào vùng tâm bão, đi tắt đón đầu” cần có những chia sẻ để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Ngoài ra, các DN trẻ VN cũng cần phải tự tin, hội nhập để tiếp tục phát triển đẩy mạnh thương hiệu trong tương lai. “Hi vọng, Đại hội lần thứ 3 gày hôm nay, sẽ nhận được nhiều đóng góp thực tiễn, thiết thực để các DN trẻ VN cùng tiến bước trong nhiệm kỳ mới”, ông Khương Hữu Việt phát biểu.

 
Một tiết mục văn nghệ chào mừng đại hội - Ảnh T.Sơn

Tiếp theo chương trình, ông Phạm Tấn Công - Phó chủ tịch Thường trực kiểm Tổng thư ký Hội DNT VN lên trình bày dự thảo báo cáo tóm tắt đánh giá kết quả công tác Hội nhiệm kỳ 2 (2005 - 2008) và dự thảo phương hướng hoạt động Hội nhiệm kỳ 3 (2008 - 2011).

Qua 3 năm nỗ lực hoạt động, Hội các nhà DNT Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong việc triển khai 5 chương trình hành động do Đại hội lần thứ 2 đề ra, khẳng định ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm vì mục tiêu xây dựng kinh tế đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế, được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và xã hội đánh giá cao. Thông qua hoạt động của Hội đã góp phần xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam, tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và hiệu quả cho các doanh nghiệp hội viên. Các nhà DNT đã dành nhiều tâm huyết và tài chính của mình đóng góp cho công tác xã hội, vì cuộc sống của cộng đồng.

Nhiệm kỳ 2005-2008 Hội các nhà DNT Việt Nam đã đạt được các kết quả nổi bật như sau:

  • Hội có sự phát triển vượt bậc về tổ chức và hoạt động, trở thành Hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp hàng đầu quốc gia về qui mô hội viên, mạng lưới tổ chức. Hệ thống Hội DNT các địa phương, ngành có bước phát triển cơ bản về tổ chức và năng lực hoạt động, nhiều Hội đã có bộ máy văn phòng thường trực hoạt động hiệu quả, nề nếp.
  • Hoạt động của các Hội DNT địa phương có bước chuyển biến quan trọng từ thụ động sang chủ động. Nhiều Hội, CLB DNT đã chủ động triển khai được nhiều hoạt động thiết thực, đáp ứng nhu cầu của hội viên.
  • UBTƯ Hội đã phát huy được vai trò là cơ quan chỉ đạo, định hướng các hoạt động của Hội. Bộ máy văn phòng thường trực Trung ương Hội được tổ chức đi vào nề nếp, góp phần quan trọng trong việc triển khai thành công các chương trình hoạt động của Hội.
  • Nội dung hoạt động của Hội thiết thực, thu hút sự hưởng ứng của đông đảo hội viên DNT và cộng đồng doanh nghiệp, đem lại hiệu quả cho công tác hỗ trợ doanh nghiệp hội viên phát triển, tăng cường khả năng cạnh tranh trong hội nhập quốc tế, khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Hội trong cộng đồng doanh nghiệp và trong xã hội.
  • Hội đã khẳng định được vai trò trong tham gia các hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng, hoạt động từ thiện xã hội. Đặc biệt công tác xây dựng tổ chức Đoàn, Hội LHTN trong doanh nghiệp hội viên được quan tâm và thu được kết quả tốt, giúp nâng cao đời sống, văn hoá, tinh thần cho thanh niên, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

 
Các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tham dự hội nghị - Ảnh T.Sơn

Phát huy những thành tựu đã đạt được ở nhiệm kỳ 2005-2008, Hội các nhà DNT Việt Nam cũng đã đề ra phương hướng hoạt động của nhiệm kỳ tới.

Theo đó, nhiệm kỳ 3 của Hội các nhà DNT Việt Nam diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế có nhiều cơ hội và thuận lợi lớn cho sự phát triển của đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam, đồng thời cũng có nhiều thách thức to lớn. Điểm khác biệt cơ bản về bối cảnh kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ 3 so với nhiệm kỳ 2 là đất nước ta đã chính thức trở thành thành viên WTO, vị trí quốc tế được nâng cao, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ và toàn diện trên mọi khía cạnh. Sự ổn định chính trị và chính sách chủ động hội nhập kinh tế quốc tế đã đưa nước ta trở thành điểm đến hấp dẫn của giới kinh doanh và đầu tư quốc tế, các dự án đầu tư nước ngoài có đột biến lớn về qui mô và số lượng. Điều đó mở ra nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn cho doanh nhân trẻ và thanh niên. Đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam sau 20 năm đổi mới đất nước đã có bước phát triển lớn về qui mô và chất lượng, là lực lượng chủ lực chiếm khoảng trên ¾ đội ngũ doanh nhân Việt Nam, đặc biệt nhiều doanh nhân trẻ tài năng đã phát triển thành những doanh nhân hàng đầu của quốc gia, quản lý, điều hành những doanh nghiệp và thương hiệu lớn của đất nước. Vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trẻ được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đồng thời quan tâm tạo điều kiện phát triển. Với mục tiêu của Chính phủ đưa tổng số doanh nghiệp Việt Nam lên 500 nghìn doanh nghiệp vào năm 2010, nước ta sẽ có đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của các doanh nghiệp có số lượng khoảng 1,3 đến 1,5 triệu người, đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam có cơ hội phát triển lên trên 1 triệu người vào năm 2010, trở thành một bộ phận quan trọng của thanh niên Việt Nam tiên phong trên mặt trận kinh tế.

Doanh nhân trẻ Việt Nam là bộ phận không tách rời của thanh niên Việt Nam, là đội ngũ tiên phong của thanh niên trong xây dựng, phát triển kinh tế đất nước, luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ sâu sát của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Hội LHTN Việt Nam. Tổ chức Đoàn và Hội đã giữ vai trò nòng cốt và đồng hành cùng phong trào DNT Việt Nam ngay từ ngày đầu hình thành. Sự quan tâm và hỗ trợ của Đoàn và của Hội sẽ tiếp tục là chỗ dựa vững chắc và điều kiện đảm bảo cho sự phát triển mạnh mẽ, ổn định của phong trào và tổ chức Hội các nhà DNT Việt Nam nhiệm kỳ 2008 - 2011...

Trong bối cảnh như trên, mục tiêu chung của Hội các nhà DNT Việt Nam nhiệm kỳ III (2008 - 2011) là: tăng cường đoàn kết, tập hợp đội ngũ doanh nhân trẻ Việt Nam, phát triển tổ chức Hội rộng khắp và vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; đồng hành cùng doanh nhân trẻ Việt Nam vượt qua các khó khăn, thách thức, nắm bắt các cơ hội phát triển, xung kích trên mặt trận kinh tế, phát triển doanh nghiệp thành công và bền vững trong hội nhập quốc tế, góp phần xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

 
Các đại biểu tham dự đại hội - Ảnh T.Sơn

Bên lề Đại hội, trao đổi với Báo Thanh Niên xoay quanh việc đánh giá về DNT Việt Nam trong thời kỳ mới hiện nay, ông Phạm Gia Túc - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Phòng Thương mại Công nghiệp VN (VCCI) cho rằng: đây là lực lượng quan trọng có nhiều đóng góp tích cực trong sự nghiệp phát triển đất nước. Với những ưu điểm: nhiệt tình, sôi nổi, khát khao đổi mới, các DNT luôn là những người đi đầu, tích cực trong những giai đoạn khó khăn, cần vượt qua khủng hoảng. Chính vì vậy mà những tham luận, đóng góp của các đại biểu cho Đại hội lần này đều mang một ý nghĩa lớn lao và có tính thiết thực rất cao.

 
Ông Phạm Gia Túc - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Phòng Thương mại Công nghiệp VN (VCCI) - Ảnh Thành Trung
Ông Túc cũng cho rằng, với sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc về số lượng cũng như chất lượng của các hội viên trong giai đoạn hiện nay thì các hoạt động liên kết các DN vừa và nhỏ nên cần có những thoạt động thiết thực, hiệu quả giúp tất cả có thể xích lại gần nhau. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là Hội phải có đủ điều kiện để hỗ trợ cho từng DN riêng lẻ mà cần phải có những quy hoạch cụ thể, bó hẹp lại trong từng ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền. Phát huy hết mọi khả năng và nguồn lực của DN trong từng lĩnh vực cụ thể trên.

Trong chặng đường phát triển của mình, hiện nay nhiều DN trẻ, hoặc vừa và nhỏ, tất cả đều gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin, chính sách của hoạt động kinh doanh, dự báo thông tin cũng như các quy chế pháp luật. Do vậy, các DNT thực sự rất cần sự chia sẻ trong vấn đề này. Ông Túc hy vọng rằng với điều lệ mới của Đại hội lần này là độ tuổi của các hội viên lên đến 45 tuổi sẽ tạo ra một lớp DN có đủ kinh nghiệm để có thể truyền và giúp đỡ các hội viên khác.

Tiếp nối chương trình, mở đầu phần tham luận là ý kiến của chị Nguyễn Thị Minh Châu - Giám đốc Công ty TNHH truyền thông Mio (TP.HCM). Chị Minh Châu cho rằng: Cần phải cập nhật những chính sách, ưu đãi cho những DN vừa và nhỏ, một trong những đối tượng cần được quan tâm trong giai đoạn này.

Trong thời đại CNTT thì ranh giới giữa quốc gia, tỉnh thành đã "phẳng" hơn, gần hơn. Do vậy không phải cần đến 3 năm mới có thể gặp gỡ, trao đổi với nhau mà cần giao lưu trực tuyến thường xuyên hơn. Phải ứng dụng CNTT để tăng cường sự kết nối

Nâng cao hình ảnh của Hội bằng những chiến dịch PR nội bộ, mỗi DN doanh nhân sẽ cảm thấy tự hào hơn khi tham gia Hội DN trẻ VN bằng cách xây dựng hình ảnh đẹp đẽ của tổ chức mình tham gia.

Cao Bá Tuấn Anh - Giám đốc resort Sen Vàng - thành viên Hội doanh nghiệp trẻ Nghệ An. Sinh năm 1984, Tuấn Anh là hội viên trẻ tuổi nhất tham dự Đại hội các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam lần thứ 3. Sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Phúc, được gia đình tạo điều kiện sang Thụy Sĩ học về quản lý và kinh doanh khách sạn. Trở về nước, Tuấn Anh chọn Diễn Thành thuộc huyện Diễn Châu, Nghệ An để khởi nghiệp với nghề kinh doanh khách sạn của mình. “Nghệ An là quê gốc của bố mẹ nên tôi đã chọn khởi nghiệp ngay ở quê cha, đất tổ. Ở Diễn Thành có một bờ biển còn khá hoang sơ tôi nhận thấy được tiềm năng du lịch ở đây. Là người được đào tạo bài bản về quản lý khách sạn, tuy nhiên cái khó của một doanh nghiệp trẻ chính là thiếu kinh nghiệm hoạt động. Điều này theo tôi là có thể khắc phục được khi mình chịu khó học hỏi những người đi trước và rút kinh nghiệm ngay từ những hoạt động thực tiễn” - Tuấn Anh chia sẻ.

Tham gia vào Hội doanh nghiệp trẻ Nghệ An khoảng 2 tháng, được cử đi tham dự Đại hội doanh nghiệp trẻ toàn quốc lần thứ 3 này với Tuấn Anh là một vinh dự lớn và cũng là một cơ hội lớn: “Tôi mong muốn Hội sẽ đem tới cho những doanh nhân trẻ một sân chơi, một diễn đàn để chúng tôi có thể hợp tác, giao lưu học hỏi lẫn nhau để ngày càng phát triển mạnh mẽ đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế đất nước”, Tuấn Anh bộc bạch.
Trong phần phát biểu của mình, anh Phan Đình Tuệ - Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Đắk Lắk mong muốn phong trào doanh nghiệp trẻ trong nhiệm kỳ tới phải mạnh hơn, lớn hơn, hiệu quả và có tiếng vang lớn hơn. Riêng về giải thưởng Doanh nghiệp trẻ và Sao vàng Đất Việt trong thời gian tới không chỉ tôn vinh những doanh nghiệp trong nước mà phải vươn ra tầm khu vực và thế giới. "Tại sao chúng ta không nghĩ rằng các doanh nghiệp và doanh nhân nước ngoài họ cũng cần phải nhận giải thưởng của chúng ta và xem đây là một chứng chỉ nâng cao chất lượng nhãn hiệu hàng hóa trên thị trường Việt Nam", anh Phan Đình Tuệ khẳng định.

Anh Cổ Gia Thọ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty bút bi Thiên Long cho rằng: Hoạt động thực chất của từng thành viên trong Hội nên có sự gắn bó nhiều hơn. Hợp tác trao đổi giữa các hội viên cần được linh động, nối kết bằng nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ Hội DN trẻ TP.HCM là một hội lớn với trên khoảng 100 thành viên, vì vậy, dù liên tục có những chương trình, khóa đào tạo cho những hội viên tham gia rất bổ ích nhưng số lượng thành viên quá lớn nên những hoạt động trên sẽ không được thường xuyên. Chính vì vậy mà cần chia nhỏ hơn nữa những nhóm hội viên khác ngành nghề, càng gần gũi sẽ gắn bó nhiều hơn, tạo ra sự trao đổi có "chất" và chiều sâu hơn.

Thay mặt Đảng và lãnh đạo Nhà nước, ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN đã gửi đến các nhà doanh nghiêp lời chúc mừng, chúc Đại hội thành công tốt đẹp. Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng: “Chúng ta đã đi được hai phần ba chặng đường giai đoạn 2006 - 2010, trong thành tựu của đất nước có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh ghiệp, trong đó có các nhà doanh nghiệp trẻ. Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của các nhà doanh nghiệp trẻ, cả số lượng và chất lượng. Nhiều nhà doanh nghiệp đã có sáng tạo, vượt qua khó khăn, làm giàu cho mình và cho đất nước. Nhiều doanh nghiệp đã tạo ra sản phẩm có thương hiệu, cạnh tranh trong nước và quốc tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn”.

Ông Nguyễn Đức Kiên cũng đánh giá cao nhiều phong trào của Hội DNT đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, của toàn xã hội. Ông đã nhiệt liệt biểu dương những tiến bộ của Hội DNT, biểu dương những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Ông nhắn nhủ: “Với mục tiêu đến năm 2010 chúng ta phải phấn đấu đưa VN ra khỏi một nước có thu nhập thấp, làm sao để có con đường phát triển rút ngắn. Năm 2008, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, do vậy phải phát huy bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc, các doanh nghiệp trẻ hãy tự tin hơn, nỗ lực cao hơn để đổi mới kinh doanh, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, mở rộng hợp tác quốc tế để làm giàu cho mình và cho đất nước. Hiện nay, trong các ngành nghề kinh doanh còn thiếu nhiều lĩnh vực như chế biến nông sản, công nghệ phụ trợ, dịch vụ có giá trị gia tăng cao... tôi mong muốn các DNT đầu tư vào các lĩnh vực này. Mặt khác, trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu như hiện nay, muốn tồn tại và phát triển, phải có hợp tác, phải giữ chữ tín lâu bền. Cần nhất là phải có chữ tâm, chữ tâm với bổn phận đất nước, với lòng tự hào dân tộc”.

Tiếp sau phần ý kiến của ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội là phần phát biểu của anh Võ Văn Thưởng - Ủy viên dự khuyết TW Đảng, Bí thư thứ nhất BCH TW Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về thanh niên VN.

Thay mặt Ban Bí thư TW Đoàn và Đoàn Chủ tịch Hội LHTN VN anh Võ Văn Thưởng chúc mừng các doanh nghiệp trẻ, các doanh nhân trong toàn quốc. Thay mặt Trung ương Đoàn, Đoàn Chủ tịch Hội LHTN VN, anh Thưởng đánh giá đội ngũ DN trẻ đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà. Trong điều kiện khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều khó khăn đang hiện diện, Đại hội lần này chính là dịp để các doanh nhân gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác, giúp đất nước vượt qua những khó khăn thử thách.

Anh Võ Văn Thưởng đã nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành công Hội trong thời gian vừa qua. Sự lớn mạnh của doanh nhân trẻ VN đã được phát triển rộng khắp, đây chính là lực lượng làm nòng cốt cho phong trào thanh niên xung kích. Chính các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trẻ, xây dựng văn hóa doanh nhân cùng nhiều hoạt động xã hội khác của Hội doanh nghiệp trẻ VN đã để lại ấn tượng sâu sắc trong xã hội.

Thay mặt Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội LHTN VN, anh Thưởng ủng hộ những mục tiêu và các chương trình hành động của Đại hội lần thứ 3 hôm nay đã đề ra. Đồng thời mong rằng các hoạt động của Hội và của mỗi doanh nhân sẽ luôn hướng về sự phát triển của đất nước cũng như của toàn xã hội. Doanh nghiệp trẻ chính là địa chỉ tin cậy của các thanh niên, giúp họ tìm thấy sự chia sẻ trong công cuộc mưu sinh lập nghiệp, tìm được sự hỗ trợ thiết thực để thực thi các ý tưởng, các giải pháp mới.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội LHTN VN cam kết sẽ là điểm tựa tin cậy của những doanh nhân trẻ trong công cuộc phát triển và xây dựng hình ảnh của mình. Đồng thời cũng tin tưởng rằng các doanh nhân sẽ vượt qua được những thách thức, góp phần đưa đất nước hội nhập với phong trào hiện đại hóa, công nghiệp hóa, phát triển mạnh mẽ hơn theo tinh thần khẩu hiệu: “Đoàn kết, khát vọng, đột phá và phát triển” mà Đại hội đã đề ra.

 
Trao tặng kỷ niệm chương vì sự phát triển doanh nhân trẻ VN và Huy hiệu Vàng Hội các nhà DNT VN cho các đồng chí lãnh đạo - Ảnh K.T.Long

Kết thúc buổi làm việc buổi sáng, Đại hội đã tiến hành trao tặng kỷ niệm chương vì sự phát triển doanh nhân trẻ VN và Huy hiệu Vàng Hội các nhà DNT VN cho các đồng chí lãnh đạo đã dành sự quan tâm ủng hộ đặc biệt cho phong trào DNT VN trong chặng đường lịch sử 15 năm qua.

Buổi làm việc chiều nay, Đại hội sẽ hiệp thương chọn cử UBTƯ Hội DNT VN nhiệm kỳ 3. Và tối nay sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 15 năm phong trào DNT VN và trao giải thưởng Sao Đỏ 2008. Cũng trong tối nay, chương trình công tác xã hội "Nghĩa tình biên cương tổ quốc" sẽ được phát động. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV6 - Đài truyền hình VN.

Với những vấn đề lớn như: DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu như thế nào; Xây dựng văn hóa doanh nhân, trách nhiệm với cộng đồng…, bên lề đại hội, chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến của các DN trẻ.

* Anh Lê Đình Sung - DNTN Minh Hưng (Quảng Trị): Ngân hàng nên linh động

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp khủng hoảng, theo tôi các DN vừa và nhỏ của VN đang gặp khó trong vấn đề sản xuất và phát triển thương hiệu của mình sẽ còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều thứ. Hiện nay, trong thời điểm khó khăn về kinh tế thì vấn đề vốn luôn là bài toán đầy thử thách cho DN. Các ngân hàng dù có vốn trong tay nhưng cùng với đó là hàng loạt các quy định để đảm bảo "an toàn" đã vô hình trở thành rào cản cho sự phát triển của DN. Chính vì vậy mà Nhà nước và các Ngân hàng nên có những chính sách linh động hỗ trợ DN vượt qua khó khăn này.

Ngoài việc xây dựng thành công thương hiệu của mình, các DN ngày nay nên có những hành động cụ thể hơn để thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng. Cá nhân DN của chúng tôi thường xuyên phối hợp với Hội khuyến học của tỉnh để tạo điều kiện cho các sinh viên học sinh, một trong những nguồn lực chủ yếu của tương lai trong việc phát triển xây dựng DN.

* Anh Nguyễn Như Lĩnh - DN điện cơ Thuận Thiên (Thái Bình): Không thể bắt nạt “thượng đế”!

Là một DN trong lĩnh vực máy móc nông nghiệp, gắn liền với công việc đồng áng của bà con nông dân, chúng tôi cảm thấy tự ái trước những tiến bộ về mặt công nghệ của các nước láng giềng trong khu vực. Nền nông nghiệp của VN khá lạc hậu so với các nước.

Trong hoàn cảnh ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các DN vừa và nhỏ cần liên kết lại với nhau. Các Hội doanh nghiệp tỉnh thành cần phát huy được sức kết nối của mình để giúp các DN tự phân chia được lĩnh vực, thị trường phát triển của mình, tránh giẫm đạp lên nhau.

Trước bài toán giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng giảm hiện nay, theo tôi các DN cần phải chủ động có những điều chỉnh về giá bán để gia tăng kích cầu kịp thời. Thường xuyên làm việc với những khó khăn của bà con nông dân, theo tôi văn hóa của DN phải nằm trong những điều thiết thực nhất đối với khách hàng của mình. Như tạo điều kiện cho bà con trả góp khi mua máy móc, có những tư vấn cụ thể, chính xác, trung thực về các loại máy móc, phù hợp với điều kiện kinh tế của từng nông dân.

T.Trung (ghi)

15 NĂM - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN

15 năm qua, bằng tinh thần tự nguyện, sự gắn kết, sự cống hiến của các hội viên và các thế hệ cán bộ lãnh đạo Hội đầy tâm huyết, Hội các nhà DNT Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ, trở thành thành hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp có qui mô hàng đầu quốc gia với trên 7 ngàn hội viên, mạng lưới tổ chức rộng khắp 52 tỉnh, thành phố và 4 Bộ, ngành. 15 năm hoạt động, với những chương trình mang tính xã hội hóa cao như Giải thưởng Sao Đỏ, Giải thưởng Sao Vàng đất Việt, Thắp sáng Tài năng kinh doanh trẻ....

Hội các nhà DNT Việt Nam đã tạo nên những đột phá về nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trẻ đối với tương lai của đất nước, đã khơi dậy ý chí và khát vọng lập nghiệp, làm giàu bằng con đường doanh nghiệp của thế hệ thanh niên thời kỳ đổi mới và hội nhập, quyết tâm đưa kinh tế đất nước phát triển, sánh vai cùng các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. 15 năm hoạt động của Hội và phong trào DNT Việt Nam đã góp phần tạo nên thế hệ doanh nhân mới của quốc gia, sáng tạo, trí tuệ, đang vững vàng giữ vị trí lãnh đạo trong ¾ số doanh nghiệp của đất nước.

Những mốc phát triển đáng nhớ Hội Doanh nghiệp Trẻ Việt Nam:

Giai đoạn 1990 - 1993: Những hoạt động tập hợp ban đầu

Tháng 8/1991, Hội LHTN tổ chức cuộc “Gặp gỡ thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi” lần thứ nhất. Tại cuộc gặp này, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh (khi đó là Chủ tịch Quốc Hội) đã tới dự và động viên thanh niên tích cực tham gia mặt trận kinh tế.

Năm 1993, Trung ương Hội LHTN Việt Nam tiếp tục tổ chức cuộc “Gặp gỡ thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi” lần thứ 2. Khi đó ở Việt Nam đã xuất hiện các doanh nghiệp, công ty tư nhân. Vì thế, đối tượng của cuộc gặp gỡ này bên cạnh thành phần chủ yếu vẫn là những thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi, còn có một số đại diện là các doanh nghiệp tư nhân trẻ.

Giai đoạn 1993 – 1995: Sự ra đời các tổ chức tiền thân của Hội DNT Việt Nam

Năm 1993 CLB DNT Việt Nam - tổ chức tiền thân của Hội các nhà DNT Việt Nam ngày nay, đã được Trung ương Hội LHTN Việt Nam cho thành lập. 

Đầu năm 1994, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư TW Đảng về mở rộng công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên theo các đối tượng, ngành nghề, quyết định số 140/QĐ/TƯH Ban vận động thành lập Hội DNT Việt Nam được thành lập với 15 người là các thành viên của CLB DNT Việt Nam. Một năm sau đó,  để chuẩn bị cho sự ra đời của Hội DNT Việt Nam và hỗ trợ công tác đoàn kết, tập hợp DNT các địa phương, ông Hồ Đức Việt khi đó là Bí thư thứ nhất TW Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt nam đã chỉ đạo thành lập và ngày 23/2/1995 ký quyết định số 40QĐ/TƯH thành lập Uỷ ban Lâm thời Hội DNT Việt Nam. Sự ra đời UBLT là một bước tiến quan trọng của phong trào DNT Việt Nam, đánh dấu lần đầu tiên phong trào có tổ chức đại diện với tư cách pháp nhân đầy đủ, có văn phòng thường trực và có đại diện ở các địa phương. Trong giai đoạn này, công tác đoàn kết, tập hợp DNT đã được đẩy mạnh với 15 tỉnh, thành phố đã thành lập được CLB DNT. Tháng 10/1994, Hội DNT tp Hồ Chí Minh được thành lập – đây là Hội DNT địa phương đầu tiên ở Việt Nam, với đầy đủ tư cách pháp nhân.

Giai đoạn 1995 – 1998: Thời kỳ chuẩn bị và những khó khăn 

Trong giai đoạn này, UBLT Hội các nhà DNT Việt Nam đã tiến hành xin phép thành lập Hội DNT Việt Nam, nhưng gặp khó khăn vì lúc đó có chủ trương tạm dừng việc thành lập các Hội mới ở nước ta. Việc Trung ương chậm không thành lập được Hội đã khiến phong trào DNT tại các địa phương hoang mang, đi xuống, một số CLB DNT đã ngừng hoạt động. Phong trào DNT Việt Nam rơi vào thời kỳ khó khăn nhất. Trước tình hình đó, nhằm tạo hướng đi và xung lực mới cho phong trào, Ban bí thư TƯ Đoàn, UBTƯ Hội LHTN Việt Nam và UBLT đã quyết định tổ chức Đại hội toàn quốc các nhà DNT Việt Nam và thành lập Hội đồng các nhà DNT Việt Nam, một cơ cấu chính thức tại Trung ương để điều hành hoạt động DNT toàn quốc thay cho UBLT.

Giai đoạn 1998 -  2002:  Khẳng định vai trò, vị thế cho đội ngũ doanh nhân trẻ

Tháng 8/1998, Đại hội toàn quốc các nhà DNT Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội. Trên 350 đại biểu DNT đã về dự Đại hội, Hội đồng các nhà DNT Việt Nam đã ra mắt tại Đại hội.

Năm 1999, Giải thưởng Sao Đỏ ra đời và được trao cho 10 gương mặt doanh nhân trẻ tiêu biểu, sau đó mỗi năm giải được tổ chức 1 lần. Đến nay, đã có gần 70 doanh nhân trẻ được nhận giải thưởng. Nhiều người trong số đó đã phát triển thành những doanh nhân, doanh nghiệp hàng đầu quốc gia.

Đến năm 2002, 34 tỉnh, thành, ngành trong cả nước có Hội, CLB DNT, với 1600 hội viên. Cùng với sự phát triển đó nhu cầu cần có một tổ chức thống nhất để duy trì và đảm bảo sự phát triển ổn định của phong trào DNT cả nước đã trở lên cấp thiết. Ngày 11/9/2002, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ đã ký quyết đinh số 03/2002/QĐ- BNV cho phép thành lập Hội các nhà DNT Việt Nam.

Giai đoạn 2002 - 2005 (nhiệm kỳ I): Giai đoạn tập trung cho xây dựng thương hiệu và hội nhập quốc tế

Tháng 11/2002, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội các nhà DNT Việt Nam lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2002-2005,  được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 500 đại biểu chính thức đại diện cho 61 tỉnh, thành, ngành.

Đầu năm 2003, Trung ương Hội DNT Việt Nam đã chủ động đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giao chủ trì tổ chức “Cuộc vận động hội nhập kinh tế quốc tế của DNT và thanh niên Việt Nam”, với các nội dung chính gồm: Giải thưởng Sao Vàng đất Việt; Chương trình truyền thông xây dựng thương hiệu; Cuộc thi thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ; Chương trình xúc tiến thương mại quốc tế,…

Sự ra đời của giải thưởng Sao Vàng đất Việt lúc đó đã khiến giới DNT và các DN cả nước quan tâm đến vấn đề xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập quốc tế. Giải thưởng SVĐV được đánh giá là giải thưởng có quy mô và có chất lượng tốt nhất Việt Nam, là chứng chỉ quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam trong mở rộng thị trường và hội nhập quốc tế.

Sau 6 năm triển khai, giải thưởng đã được trao cho trên 800 thương hiệu hàng đầu Việt Nam, các DN sau khi đoạt giải đều có tốc độ tăng trưởng hàng năm 30 – 100%.  Năm 2008, lần đầu tiên giải thưởng bình trọn và  trao danh hiệu TOP10, TOP100, TOP200 thương hiệu hàng đầu Việt Nam. 200 thương hiệu đoạt giải có tổng doanh thu trên 24 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 24 nghìn tỷ đồng.

Giai đoạn 2005-2008 (nhiệm kỳ II): Phát triển năng lực và hệ thống tổ chức Hội

Năm 2005, Hội các nhà DNT Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (nhiệm kỳ 2005 – 2008). Đại hội được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của 600 đại biểu là các nhà DNT đại diện cho 64 tỉnh,thành phố và nhiều bộ, ngành. Cuối năm 2005, Hội các nhà DNT Việt Nam đã vận động được viện trợ kỹ thuật ODA không hoàn lại của Chính phủ Đan Mạch cho Hội các nhà DNT Việt Nam. Dự án trị giá tương đương 1 triệu USD, triển khai trong 3 năm nhằm giúp nâng cao năng lực hoạt động của Hội DNT Việt Nam thông qua tư vấn, đào tạo, chuyển giao tri thức và kinh nghiệm hoạt động hiệp hội doanh nghiệp của Liên đoàn Công nghiệp Đan Mạch (DI – là tổ chức tương tự Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, có lịch sử và kinh nghiệm hoạt động trên 100 năm). Đây là hoạt động hợp tác quốc tế quan trọng đầu tiên của Hội các nhà DNT Việt Nam.

Đến năm 2008, cả nước đã có 52 tỉnh, thành và 4 Bộ, ngành có Hội DNT, số hội viên tập hợp được đến cuối năm 2008 đã đạt con số 7000 hội viên. Chất lượng hội viên của Hội DNT cũng được khẳng định với những tên tuổi lớn như: Tập đoàn Dầu khí; Tập đoàn Cao Su; Tổng công ty Sông Đà; Cà phê Trung Nguyên, Ô tô Trường Hải, gạch Đồng Tâm, Geleximco..... Các doanh nghiệp của hội viên đạt doanh thu hàng năm trên 20 tỷ USD, tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động. Sau 15 phát triển, Hội các nhà DNT Việt Nam đã trở thành tổ chức tập hợp doanh nhân, doanh nghiệp có quy mô và mạng lưới hàng đầu quốc gia, là cầu nối quan trọng đưa các chủ trương của Đảng, Nhà nước và Đoàn thanh niên đến với cộng đồng doanh nghiệp trẻ Việt Nam.

Nhóm PV Thanh Niên Online (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.