Bệnh vô cảm

04/08/2012 03:05 GMT+7

Hôm 2.8, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi đã “ra roi” đối với một loạt cán bộ y tế để xảy ra nhiều cái chết của sản phụ và thai nhi trong thời gian gần đây.

Việc kỷ luật với hình thức cao nhất “cảnh cáo” là cần thiết nhưng có thể xem đó là liều kháng sinh chưa đủ mạnh để chữa căn bệnh trầm kha trong ngành y tế, đó là sự vô cảm của một số thầy thuốc với bệnh nhân, nhất là với những bệnh nhân nghèo.

Theo thống kê của Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em, tỷ lệ sản phụ và thai nhi tử vong ở Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới với 69 ca/100.000 trẻ. Cứ 2-3 ngày lại nghe tin có một trường hợp sản phụ và thai nhi tử vong. Hai trường hợp mới đây nhất là tử vong thai nhi ở Hà Tĩnh và chết sản phụ ở Cà Mau. Điểm chung dễ thấy của các trường hợp tử vong thai nhi và sản phụ trong thời gian qua là các bác sĩ đều ghi “sức khỏe sản phụ tốt”, hoặc “bình thường” khi họ được khám thai lúc nhập viện. Còn mẫu số chung sau khi chết là “chưa rõ nguyên nhân”. Ông giám đốc sở y tế nào cũng nói “sẽ xử lý triệt để và nghiêm minh nếu xác định lỗi thuộc về bác sĩ”. Thế nhưng, “nghiêm” nhất cũng chỉ cảnh cáo và chuyển công tác khác
là cùng.

Có một vài nơi, nguyên nhân dẫn đến tử vong của sản phụ được đưa ra là do có bệnh tiền sử tim mạch hoặc tắc động mạch phế quản hay hen suyễn mãn tính..., điều mà khi khám lúc nhập viện chưa từng xuất hiện trong bệnh án. Việc “đánh tráo khái niệm” hoặc đổ vấy cho nguyên nhân khách quan là câu chuyện không lạ của một số cơ sở y tế khi phải giải thích về những cái chết mà ai cũng thấy rất vô lý ấy.

Khi bước vô ngành y, tất cả các sinh viên đều được dạy câu “lương y như từ mẫu”. Gần như ai trong ngành y cũng đều thuộc nằm lòng câu này, nhưng khi ứng xử với bệnh nhân thì lại khác. Thật khó tin khi một cô hộ lý lại nói với người nhà sản phụ câu này: “Gọi chi gọi hoài! Không để cho người ta nghỉ chút à?”. Chỉ đến khi thần chết đến gõ cửa sản phụ thì các nhân viên y tế mới “dịu giọng”, lúc ấy thì quá muộn rồi. Bệnh vô cảm không chỉ có ở các cô y tá hoặc hộ lý thấp cổ bé họng mà còn có cả ở một số vị quản lý bệnh viện nữa.

Chúng ta thông cảm với những người thầy thuốc rằng, cơ sở vật chất tại các cơ sở y tế hiện nay là rất kém, bệnh viện thì lúc nào cũng quá tải, ai cũng muốn mình được “ưu tiên” chữa bệnh trước... điều đó đã khiến cho không ít thầy thuốc căng thẳng và bức xúc. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi cho những lý do khách quan đó để bộc lộ sự vô cảm của mình. Hơn ai hết, các thầy thuốc đều hiểu điều này: Bệnh nhân không chỉ bớt bệnh bằng thuốc điều trị mà có thể họ bớt đi phần nào những cơn đau từ thái độ ân cần và hết lòng vì người bệnh của người thầy thuốc nữa. Điều dễ bắt gặp hiện nay là, lúc ở bệnh viện có thể số thầy thuốc ấy vô cảm với bệnh nhân, nhưng khi về phòng khám ở nhà riêng thì cách ứng xử lại khác hoàn toàn.

Y học hiện đại có thể chữa nhiều căn bệnh nan y. Tuy nhiên, bệnh vô cảm với mức độ lan truyền như hiện nay quả là một vấn nạn.

Trần Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.