Philippines dự định mở lại căn cứ hải quân ở vịnh Subic

27/06/2013 15:00 GMT+7

(TNO) Quân đội Philippines đã làm sống lại kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân và không quân ở vịnh Subic, một căn cứ hải quân cũ của Mỹ mà lực lượng Mỹ có thể sử dụng để ngăn cản đà lấn tới của Trung Quốc ở biển Đông, theo các sĩ quan hải quân cao cấp của Manila.

(TNO) Quân đội Philippines đã làm sống lại kế hoạch xây dựng căn cứ hải quân và không quân ở vịnh Subic, một căn cứ hải quân cũ của Mỹ mà lực lượng Mỹ có thể sử dụng để ngăn cản đà lấn tới của Trung Quốc ở biển Đông, theo các sĩ quan hải quân cao cấp của Manila.

>> Philippines, Mỹ bắt đầu tập trận gần bãi cạn Scarborough

Việc đề xuất xây dựng các căn cứ ở Philippines, một đồng minh của Mỹ, trùng với sự trở lại của tàu chiến, máy bay và binh sĩ Mỹ tại khu vực, giữa lúc Washington chuyển trọng tâm an ninh sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo tường thuật của Reuters vào hôm nay, 27.6.

Kế hoạch xây dựng khu căn cứ có giá trị 230 triệu USD

Hãng Reuters dẫn lời các sĩ quan hải quân cao cấp của Philippines tiết lộ các căn cứ sẽ cho phép Philippines đồn trú tàu chiến và chiến đấu cơ cách bãi cạn Scarborough chỉ 124 hải lý. 

Bãi cạn Scarborough là khu vực tranh chấp giữa Philippines với Trung Quốc và thực tế đang được Bắc Kinh kiểm soát sau vụ đối đầu căng thẳng giữa tàu bè hai nước vào năm ngoái.

Philippines tính mở lại căn cứ hải quân ở vịnh Subic
 Một tàu ngầm Mỹ neo đậu tại cảng Subic vào tháng 10.2012 - Ảnh: Reuters

Hải quân Philippines vẫn chưa chính thức trình lên Tổng thống Benigno Aquino kế hoạch phát triển căn cứ ở Subic có giá trị 1 tỉ peso (230 triệu USD). Tuy nhiên, các quan chức cao cấp nói họ tin kế hoạch có nhiều cơ hội được thông qua bởi ông Aquino đang tìm cách nâng cấp lực lượng vũ trang yếu ớt của đất nước, theo Reuters.

Vào năm ngoái, Quốc hội Philippines đã chuẩn chi 1,8 tỉ USD để hiện đại hóa quân đội. Phần lớn số ngân sách này dành để mua sắm tàu bè, máy bay và các khí tài như radar.

Quân đội Philippines từng đề ra kế hoạch trong quá khứ song hiện tại họ đang gấp rút đẩy nhanh quá trình này sau một loạt các vụ đối đầu với Trung Quốc.

“Cơ hội để kế hoạch được chấp nhận dưới thời Tổng thống Aquino cao bởi chính phủ của ông ấy rất ủng hộ nâng cấp khí tài… Những người xung quanh ông ấy hiểu được nhu cầu của chúng tôi và quan trọng hơn, những gì đất nước chúng tôi phải đối mặt lúc này”, một sĩ quan quân đội cao cấp giấu tên nói với Reuters.

Subic: Bàn đạp hoạt động cho các tàu chiến Mỹ tại Đông Nam Á

Subic là một cảng nước sâu được bao bọc bởi các ngọn núi, nằm cách thủ đô Manila 80 km về phía bắc. Đây là một đặc khu kinh tế kể từ khi Philippines quyết định không cho Mỹ tiếp tục đóng quân vào năm 1992, chấm dứt 94 năm hiện diện quân sự của Washington tại Philippines và đóng cửa cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ tại Đông Nam Á.

Các tàu chiến và máy bay Mỹ vẫn được phép thăm Philippines để bảo dưỡng và tiếp liệu kể từ đó.

Một khu vực rộng 30 ha đã được ngắm nghía để xây dựng các căn cứ, vốn sẽ là nơi các chiến đấu cơ và tàu chiến lớn của Philippines trú đóng, gồm hai tàu tuần dương lớp Hamilton mà Philippines được Mỹ chuyển giao.

Philippines không có kế hoạch cho Mỹ mở lại căn cứ tại Subic song các tàu chiến Mỹ có thể sử dụng các căn cứ hải quân và không quân tại đây như là bàn đạp cho các hoạt động ở biển Đông và những nơi khác ở Đông Nam Á.

Mỹ vốn được phép tiếp cận các căn cứ của Philippines theo một hiệp định về thăm viếng quân sự được Thượng viện Philippines phê chuẩn năm 1999.

Ông Roberto Garcia, người đứng đầu đặc khu vịnh Subic, xác nhận kế hoạch xây dựng các căn cứ mới, nói rằng ông đã gác lại một kế hoạch xây công viên tại phần đất dự định xây căn cứ.

Sơn Duân

>> Philippines, Mỹ bắt đầu tập trận gần bãi cạn Scarborough
>> Thành lập tòa trọng tài xử vụ Philippines kiện Trung Quốc
>> Nhật, Philippines nhất trí về các vấn đề trên biển
>> Philippines đưa quân ra biển Đông
>> Philippines luân chuyển quân đồn trú ở bãi Cỏ Mây thuộc Trường Sa
>> Philippines, Mỹ tập trận tấn công đổ bộ gần bãi cạn Scarborough

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.