Chuyện khó tin ở đại học tư - Kỳ 6: Sự bất đồng thường trực

02/04/2014 03:00 GMT+7

Những vướng mắc của chính sách khiến các nhà quản lý giáo dục lo ngại nhiều nhà đầu tư lợi dụng biến trường học thành nơi kinh doanh. Ngược lại, những nhà đầu tư lại cho rằng chính sách vẫn chưa bảo vệ được đồng vốn họ bỏ ra.

 Sự bất đồng thường trực
Nhà đầu tư và lãnh đạo các trường ĐH, CĐ tư trong một buổi họp ở văn phòng Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tại TP.HCM - Ảnh: Đăng Nguyên

Nỗi lo của nhà đầu tư

Qua gần 20 năm thành lập, Trường ĐH Văn Lang là một trong số ít trường ĐH ngoài công lập phát triển ổn định, có tài sản thặng dư hơn rất nhiều lần so với tài sản ban đầu. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi từ dân lập sang tư thục cũng nảy sinh một số bất đồng trong nội bộ trường, đặc biệt về quan niệm phân chia tài sản giữa hội đồng quản trị (HĐQT) và một số tổ chức trong trường. May mắn là trường vẫn giữ ổn định, ưu tiên việc học của sinh viên nhưng “sóng ngầm” tại trường vẫn có nguy cơ bùng nổ nếu nhà nước không kịp thời điều chỉnh chính sách.

 

Nếu hiệu trưởng làm tốt giúp trường phát triển, nhà đầu tư sẽ yên tâm và tiếp tục bỏ tiền vào trường. Nhưng nếu hiệu trưởng có mục đích thâu tóm quyền lợi, tiền bạc, chi sai mục đích, nhà đầu tư phải ôm “quả đắng” và đến lúc này khó mà cứu vãn được tình hình

Thạc sĩ Lê Lâm - Chủ tịch HĐQT - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn

Ông Bùi Quang Độ, Chủ tịch HĐQT trường, cho biết mâu thuẫn lớn nhất là tài sản không chia vì hiệu trưởng muốn cổ phần hóa để đưa về công đoàn quản lý. Theo ông Độ, điều này bất hợp lý vì trường phát triển thì tài sản chung không chia ngày càng phát triển, lớn hơn nhiều lần so với vốn đầu tư ban đầu. Nếu chuyển thành cổ phần thì theo nguyên tắc người chiếm vốn nhiều nhất có quyền quyết định. Nếu chuyển sang công đoàn thì dần dần nhà đầu tư không còn gì. Tài sản này không phải của người lao động thì đồng tiền vô chủ sẽ rất dễ bị tiêu tán. Ông Độ kiến nghị tài sản không chia này được chuyển thành quỹ đưa về HĐQT quản lý chứ không thành vốn điều lệ.

Tiến sĩ Phạm Ngọc Dưỡng là nhà đầu tư chính của Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn trước đây. Ông Dưỡng cho biết vì tín nhiệm ông Phạm Phố nên giao ông này làm cả chủ tịch HĐQT kiêm hiệu trưởng. Khi hiệu trưởng làm sai, tiền đầu tư vào trường bị chi sai mục đích, nhà đầu tư phản ứng, mâu thuẫn bùng nổ. Theo ông Dưỡng, khi dẫn đến kiện cáo, nhà đầu tư không biết nhờ điều luật nào để đòi quyền lợi cho mình.

Ông Dưỡng cho rằng luật không quy định rõ ràng việc triệu tập cổ đông theo vốn hay số lượng người, nghĩa là nhà đầu tư bỏ nhiều vốn cũng chỉ có tiếng nói ngang bằng với những người không bỏ vốn. Vì thế, theo ông Dưỡng, chỉ có thể hoạt động theo luật doanh nghiệp quyết định bằng cơ cấu vốn thì nhà đầu tư mới dám bỏ tiền ra đầu tư vào trường chứ không thể lẫn lộn như hiện nay...

Thạc sĩ Lê Lâm, nhà đầu tư chính vào Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn và đổi tên trường thành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn như hiện nay, cho biết để tránh sai lầm, ông phải nắm cả chức vụ chủ tịch HĐQT và hiệu trưởng. Ông Lâm cho rằng hiện nay luật quy định hiệu trưởng (cùng kế toán trưởng) là người ký rút tiền trong tài khoản nhà trường và giữ con dấu. Nếu hiệu trưởng làm tốt giúp trường phát triển, nhà đầu tư sẽ yên tâm và tiếp tục bỏ tiền vào trường. Nhưng nếu hiệu trưởng có mục đích thâu tóm quyền lợi, tiền bạc, chi sai mục đích, nhà đầu tư phải ôm “quả đắng” và đến lúc này khó mà cứu vãn được tình hình.

Chủ tịch HĐQT một trường ĐH tư thục tại TP.HCM cho biết: “Hiện nay trường tư vừa giống công ty vừa giống trường học. Tôi từng rất điêu đứng vì nội bộ trong trường nhưng phải chấp nhận một điều là trong thời điểm hiện nay, nếu nhà đầu tư sử dụng người không tốt cũng chỉ biết tự trách bản thân mình”.

Trường tư có nên hiểu là doanh nghiệp?

Ở góc độ khác, nhiều nhà quản lý giáo dục lo ngại hiện nay luật quy định người đầu tư vào trường nắm 51% cổ phần trở lên có quyền quyết định đường hướng phát triển của trường. Quy định này khiến nhiều người tìm mọi cách mua cổ phần cho đủ quy định, sau đó thay đổi hướng đi của nhà trường, phát triển trường bằng cách kinh doanh, đi ngược lại bản chất của môi trường giáo dục.

Tiến sĩ Kiều Xuân Hùng, nhà đầu tư và là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Dù là nhà đầu tư chính của trường, chúng tôi cũng quan niệm bản chất trường ĐH không phải là doanh nghiệp. Nếu nhà đầu tư đòi hỏi trường như doanh nghiệp và chỉ quan tâm lợi nhuận thì trường rất khó phát triển. Vì vậy, mọi thứ trong trường từ giảng viên, chính sách phát triển... phải hướng theo tiêu chí giáo dục. Chúng tôi cần người giỏi thật sự trong chuyên môn, vị trí hàn lâm cần người hàn lâm, vị trí tài chính cần người giỏi tài chính… Vì vậy, chúng tôi mạnh dạn giao quyền quản lý nhà trường cho những người có kinh nghiệm và bề dày hơn mình”.

Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM đã từng trải qua nhiều sóng gió, bất đồng trong nội bộ và từng bị tạm dừng tuyển sinh năm 2012 (từ năm 2013 được phép tuyển sinh trở lại). Tiến sĩ Lê Tuệ, người sáng lập và nguyên hiệu trưởng, cho biết đại hội cổ đông của trường 3 năm nay không thể tổ chức bởi một bên đề nghị đại hội phải có người của cán bộ - công nhân viên (đại diện cho phần sở hữu chung toàn trường), một bên kiên quyết phản đối. “Chính sách của nhà nước không chỉ là quyền lợi của người có tiền mà phải có quy định tiếng nói của cán bộ - công nhân viên, giảng viên”, ông Tuệ đề nghị.

Ý kiến

Chính sách thay đổi liên tục, khó cho nhà đầu tư

“Đầu tư cho giáo dục ở VN rất khó. Thứ nhất là khó cạnh tranh với hệ thống trường công được bao cấp “đến tận răng”. Thứ hai là các chính sách của nhà nước về giáo dục thay đổi thường xuyên và nhiều khi ban hành ra mà không nghĩ đến tính khả thi”.

Tiến sĩ Trần Vinh Dự
(Tổng giám đốc TNK Capital, nhà đầu tư vào Trường CĐ Nghề Việt Mỹ)

Đầu tư vì danh hay lợi?

“Tôi là người kinh doanh trong lĩnh vực khác nhưng đến một thời điểm lại quyết định đầu tư phát triển một ngôi trường ĐH. Động cơ ban đầu thúc đẩy tôi đầu tư vào giáo dục là mình đã hoạt động quá nhiều trong các ngành nghề khác nhau, đã quá mệt mỏi với sự bon chen, góc khuất của việc kinh doanh nên muốn đầu tư vào trường học, nơi ít bon chen và “sạch” hơn. Người ta nói đầu tư vào giáo dục để theo đuổi một trong 2 thứ: danh và lợi. Lợi thì tôi không nghĩ đến nhiều, chỉ miễn sao không bị lỗ, không phải lấy tiền túi ra để bù lỗ quanh năm. Còn danh thì cũng có, nhưng không phải trưng ra cho xã hội thấy, để phục vụ cho mục đích khác của mình, mà là cái danh cho riêng bản thân mình, tạo điều kiện cho con cháu mình sau này có một môi trường làm việc ít phải bon chen như tôi. Vì vậy, nói cho đúng thì tôi đầu tư không vì chuyện lợi nhuận. Trong đội ngũ cổ đông, những người nào “ôm mộng” kiếm lợi nhuận thật nhiều từ trường, tôi đều động viên bán lại cổ phần và kinh doanh công việc khác”.

Chủ tịch HĐQT của một trường ĐH tư thục

Đăng Nguyên

>> Kỳ 3: Hai lần kiện hiệu trưởng ra tòa
>> kỳ 4: Trường không có hiệu trưởng
>> Kỳ 5: Gạt bỏ giảng viên, chỉ quan tâm nhà đầu tư 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.