Bên trong phòng biệt giam “tội phạm” WikiLeaks

21/12/2010 22:58 GMT+7

Bradley Manning, người đang đối mặt với bản án 52 năm tù do cung cấp tin cho WikiLeaks, hiện bị biệt giam trong tình trạng hết sức khắc nghiệt.

Nếu giờ đây Julian Assange đã trở thành cái tên được giới truyền thông nhắc đến nhiều nhất và mỗi bước đi của ông thu hút sự quan tâm của cả thế giới thì ít người biết được Bradley Manning là ai. Mới đây, cuộc sống cực kỳ khổ sở trong tù của binh nhì Manning, nhân vật bị cho là đứng sau vụ rò rỉ tài liệu gây chấn động toàn cầu, lần đầu tiên được tiết lộ. Trong suốt hơn 200 ngày qua, người lính vừa tròn 23 tuổi chịu đựng cảnh tù đày khủng khiếp mà so với nó, điều kiện giam giữ ông Assange tại Anh là chuyện nhỏ.

Địa ngục trong tù

Sau khi bị bắt tại Kuwait vào tháng 5.2010, Manning bị tống giam vào một xà lim có diện tích 1,8 x 3,6m tại nhà tù quân sự với mức an ninh cao nhất thuộc căn cứ thủy quân lục chiến ở Quantico, bang Virginia. Báo Independent dẫn lời trung tá David Coombes, luật sư biện hộ cho bị cáo, kể một ngày bình thường của Manning bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng. Uống nước và vệ sinh cá nhân xong, Manning được phép mặc quần áo do quản giáo đưa lại sau khi tịch thu vào đêm trước đó. Sau đó, tù nhân không được phép chợp mắt suốt 15 tiếng, và nếu lỡ ngủ gục trong khoảng thời gian từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối, anh sẽ bị phạt ngồi gập bụng hoặc đứng nghiêm. Bên cạnh đó, Manning chỉ được phép tập thể dục trong vòng 60 phút trong phòng kín. Ngoài thời gian này, bất cứ hành động nào để giết thời gian như hít đất, gập bụng đều bị cấm.

Tiết lộ mới của WikiLeaks

Theo một bức điện từ Đại sứ quán Mỹ ở New Delhi gửi Washington hồi tháng 2, Trung Quốc trả tiền cho cảnh sát Nepal để họ bắt giữ những người Tây Tạng chạy tị nạn qua nước này để đến Ấn Độ. Bức điện dẫn một số nguồn tin viết: “Trung Quốc thưởng cho các sĩ quan Nepal giao nộp lại những người Tây Tạng. Bắc Kinh cũng yêu cầu Kathmandu tăng cường tuần tra biên giới”. Tuy nhiên, AFP dẫn lời một phát ngôn viên cảnh sát Nepal bác bỏ cáo buộc trên là “hoàn toàn vô căn cứ”. “Chúng tôi chỉ bắt giữ những người xâm nhập lãnh thổ Nepal bất hợp pháp và giao lại cho Cục Di trú của chúng tôi”, người này nói.

Manning không được quyền tiếp xúc với các bạn tù khác và chỉ được phép xem một số kênh truyền hình địa phương tối đa là 3 giờ mỗi ngày. Anh ta được mượn cùng lúc một quyển sách và một tờ tạp chí trong danh sách 15 cuốn sách báo, và được chọn người đến thăm trong những thời điểm được định sẵn. Ngay cả ngày sinh nhật cũng không ngoại lệ. Trung tá Coombes cho hay các lính gác vẫn đối xử đúng mực với Manning, nhưng giới hạn việc trao đổi trực tiếp xuống mức tối thiểu. Mỗi 5 phút/lần, quản giáo đến kiểm tra tình trạng của tù nhân đặc biệt này và Manning phải trả lời anh có ổn hay không. Biện pháp kiểm tra tương tự cũng được thực hiện suốt đêm, và nếu lính gác không nhìn thấy tù nhân khi anh trùm chăn kín đầu, họ sẽ vào đánh thức Manning dậy. Ngoài chuyện buộc phải ngủ trần như nhộng, Manning không được cấp khăn trải giường hoặc gối, mà chỉ được phát một tấm chăn để qua đêm.

Tổn thương tinh thần

Tờ Independent dẫn lời David House, một người bạn đến thăm Manning mỗi tháng 2 lần, cho hay tình trạng biệt giam kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí tuệ và tinh thần của binh sĩ này. House kể Manning không còn là một thanh niên thông minh, tinh tường như trước đây nữa. Trong một bài báo trên tạp chí mạng Salon, nhà báo - luật sư Glenn Greenwald đã dẫn một số nguồn thạo tin về trường hợp của binh sĩ Manning, trong đó có trung úy Brian Villiard tại trại Quantico, xác nhận rằng anh này bị giam cầm trong điều kiện có thể dẫn đến tổn thương tinh thần lâu dài.

Manning, vốn là một chuyên gia phân tích tình báo của quân đội Mỹ tại Iraq, cũng bị cho là người đã chuyển các tài liệu mật của Lầu Năm Góc về các cuộc chiến Afghanistan và Iraq cho WikiLeaks trước đây. Một số nguồn tin cho hay giới công tố Mỹ đang tìm cách truy tố người sáng lập WikiLeaks Julian Assange dựa trên lập luận rằng ông này đã khuyến khích Manning ăn cắp bí mật quốc gia. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn của Đài ABC News cuối tuần trước, Assange bác bỏ quan hệ với Manning. “Tôi chưa từng nghe đến cái tên Bradley Manning trước khi nó xuất hiện trên báo chí”, ông nói. Assange giải thích rằng công nghệ của WikiLeaks được thiết kế để không thể biết được nhân dạng hoặc tên tuổi của các nguồn tin. Tuyên bố này đối lập hoàn toàn với đoạn trao đổi qua mạng của Manning với một người bạn trước khi anh này bị bắt. Theo đó binh sĩ trẻ nói mình hết sức thân cận với Assange và là người cung cấp tin đặc biệt cho WikiLeaks. Sự phủ nhận của Assange có thể khiến Washington khó khăn hơn trong việc tìm cách dẫn độ Assange về Mỹ và xét xử.

Trong các cuộc phỏng vấn hôm 20.12 và hôm qua, Assange tiếp tục bác bỏ cáo buộc cưỡng bức và lạm dụng tình dục nhằm vào ông. Người sáng lập WikiLeaks, hiện đang ở một biệt thự tại ngoại ô London (Anh), kể với tờ El Pais rằng cảnh sát Anh từng lo ngại ông sẽ bị ám sát ngay trước Tòa án tối cao ở London sau khi được cho phép tại ngoại hôm 16.12. Assange cũng than phiền rằng trong giai đoạn bị tạm giam ở London, ông phải ở chung khu dành cho những “kẻ hiếp dâm và giết trẻ em”. Ngoài ra, ông bị gãy một cái răng vì cắn nhầm một miếng kim loại trong đồ ăn.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.