Phía sau nghề môi giới chứng khoán: Hình thành các broker chuyên nghiệp

18/12/2009 22:30 GMT+7

Broker (môi giới chứng khoán) tự ý "mượn" cổ phiếu (CP) trong tài khoản của nhà đầu tư (NĐT); giao dịch "hộ" khách hàng; đặt lệnh nhầm; khi thắng thì ăn chia, khi thua thì đổ lỗi cho thị trường...

Có ngàn lẻ một chuyện xung quanh giới broker tại Việt Nam nhưng trách nhiệm của họ thì chưa được đặt ra một cách cụ thể. Trong hầu hết các trường hợp khi có sự cố xảy ra, NĐT luôn là người thiệt thòi.

Khó có biện pháp chế tài

Luật chứng khoán (CK) Việt Nam có quy định rõ nhân viên môi giới CK không được trực tiếp khuyên khách hàng mua hay bán CP nào. Nhưng trên thực tế, chưa bao giờ Ủy ban CK Nhà nước xử phạt những broker vi phạm điều này. Theo chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí, đội ngũ broker không đủ thời gian để phân tích, tổng hợp thông tin trước khi tư vấn cho khách hàng. Đặc biệt rất hiếm người đủ trình độ như các chuyên viên phòng phân tích. Đó là chưa kể, người phân tích còn phải am hiểu chuyên sâu và có kinh nghiệm về từng lĩnh vực khác nhau khi đề cập đến một CP nào đó. “Đôi khi vì NĐT cũng ham lợi quá mà quên mất nguyên tắc cơ bản là phải thẩm định lại thông tin do người khác cung cấp nếu không phải là thông tin chính thống”, ông Lê Đạt Chí nói.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng giám đốc Công ty CK u Việt, tùy vào mỗi công ty sẽ có các ràng buộc về trách nhiệm của môi giới. Đó là sự cam kết về đạo đức nghề nghiệp, đối soát chéo giữa bộ phận phân tích và môi giới. Nếu phòng phân tích đưa ra nhận định thị trường không lạc quan mà nhân viên môi giới lại tư vấn NĐT mua vào thì phải đặt dấu hỏi ngay. Hơn nữa, NĐT có quyền đề nghị công ty CK đổi môi giới nếu nhận thấy tư vấn sai hay hướng dẫn giao dịch không đạt yêu cầu. NĐT luôn là người có quyền quyết định cao nhất vì công ty CK không muốn mất khách hàng.

Lý thuyết là vậy nhưng tổng giám đốc một công ty CK tại TP.HCM thừa nhận, việc môi giới làm ẩu hay tiếp tay cho một bộ phận NĐT “lũng đoạn” thị trường là chủ ý từ chính công ty CK. Các broker chỉ là đơn vị trung gian thực hiện các chính sách của công ty đối với khách hàng mà thôi. Nếu công ty CK không có chủ trương cho giao dịch ký quỹ, giao dịch bán khống thì broker cũng không thể nào thực hiện được. “Ủy ban CK Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ hơn và xử lý nghiêm minh những công ty CK lách luật. Khi luật được áp dụng công bằng thì không còn cảnh "xúi bên nguyên giục bên bị" để lôi kéo khách hàng và gây nên hậu quả xấu đến cả thị trường”, vị tổng giám đốc này nói.

Kiến thức + biết lắng nghe + trung thực = broker

Tại thị trường CK các nước, quy định về trách nhiệm và đạo đức của một broker được đề cập khá chi tiết. Theo Value Line, một trong những bản tin chuyên về chứng khoán hàng đầu của Mỹ, một broker giỏi là người có  kiến thức + biết lắng nghe + trung thực. Một broker giỏi sẽ không bao giờ thúc giục khách hàng mua bán mà phải tạo điều kiện cho khách hàng tham khảo thông tin cho đầy đủ trước khi quyết định đầu tư. Trường hợp biết loại CK mà khách hàng sẽ mua hoặc bán, hoặc sẽ hướng dẫn cho khách hàng mua bán, các broker không được mua hoặc bán loại CK đó cho bản thân hoặc cho công ty trước khi mua bán cho khách hàng. Một trong những quy tắc của broker trên thị trường là không được quyết định mua bán thay khách hàng. Bên cạnh đó, một broker giỏi bao giờ cũng cư xử với khách hàng một cách công bằng và không phân biệt đối xử. Đặc biệt, một trong những nguyên tắc xuyên suốt tại phố Wall và nhiều thị trường CK khác là các broker không bao giờ lợi dụng tài sản hay tài khoản giao dịch của khách hàng.

Tuy vẫn còn non trẻ, quy mô nhỏ nhưng thị trường CK Việt Nam có tiềm năng phát triển về lâu dài. NĐT cũng ngày càng chuyên nghiệp hơn, yêu cầu về dịch vụ, tư vấn, các biện pháp hỗ trợ... cũng ngày càng cao hơn. Vì vậy, broker cũng cần phải nâng cao chất lượng, sự chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp nếu không muốn bị đào thải ra khỏi kênh đầu tư lắm rủi ro nhưng cũng đầy hấp dẫn này.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.