Những phận người phơi sương

14/12/2006 21:53 GMT+7

Họ là dân lao động từ khắp nơi đổ đến TP.HCM kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Nếu làm đêm, ban ngày họ về những khu trọ ổ chuột tiếp tục làm những phần việc còn lại. Và có những con người, sau cả ngày làm việc quần quật, họ tận hưởng những giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi của mình ngay trên lề đường để chờ trời sáng.

Dưới sương đêm

Một giờ sáng dưới sương đêm lạnh lẽo. Bên tán lá cây lề đường 3 Tháng 2, đoạn trước cửa nhà hát Hòa Bình, hai người lớn (một nam một nữ) và một đứa trẻ khoảng hơn hai tuổi đang co quắp ngủ trên tấm vỏ bao đã tách làm đôi. Bên cạnh, hai túi nilon đựng quần áo và một hộp đồ nghề đánh giày vứt lăn lóc. Tôi cho xe chạy chậm lại và dừng sát bên lề đường nơi ba phận người này đang ngon giấc. Phản ứng tức thì của người đàn ông là ngồi bật dậy rất nhanh, tiếp đến người đàn bà cũng lồm cồm ngồi dậy miệng liến thoắng: "Các anh cho vợ chồng em ngủ nốt đêm nay ở đây, sáng vợ chồng em đi chỗ khác...".

Khi biết tôi không phải là công an, người đàn ông mới mạnh dạn cho biết tên anh là Chương, năm nay 25 tuổi, quê ở Kiên Giang. Hai năm trước, do cuộc sống ở quê khó quá nên hai vợ chồng và đứa con mới sinh dắt nhau lên thành phố tìm kế sinh nhai. Anh Chương làm nghề đánh giày, người vợ thì bồng con lẽo đẽo theo sau, trên tay cầm vài tờ vé số. Dù rất siêng, nhưng chỉ đủ tiền nuôi đứa con da đen sạm vì nắng. "Hôm nào hên lắm hai vợ chồng mới được bữa cơm bụi gọi thêm cơm tới 2 lần". Không có tiền để thuê nhà trọ, vợ chồng họ chọn lề đường để ngủ qua đêm chờ đến sáng hôm sau tiếp tục mưu sinh.


Gia đình anh Chương bên lề đường 3 Tháng 2 lúc 1h ngày 16/11

Hoàn cảnh của bà Bùi Thị C. 65 tuổi còn đáng thương hơn. Năm 1992, khi chồng bà mất, bà không ở được với gia đình nhà chồng. Bà và đứa con hơn 10 tuổi phải dắt nhau từ quận Gò Vấp sang quận 11 thuê nhà để ở. Cách đây mấy năm, người con trai đòi lấy vợ. Thương con nhưng vì gia cảnh chẳng có gì đáng giá, bà chỉ biết an ủi con "ráng đợi thêm vài năm nữa". Tưởng anh con trai biết vâng lời, nào ngờ vài tháng sau, anh dắt về một cô gái với cái bụng sắp đến ngày sinh. Thấy vậy bà tặc lưỡi, đúng là trời thương cho kiếp nghèo của mẹ con bà. Thế rồi ngày sinh nở của cô "con dâu" đến, một bé trai bụ bẫm chào đời. Nhưng đúng 11 ngày sau, cô "con dâu" đột nhiên biến mất, bỏ lại cho bà một đứa trẻ vẫn còn đỏ hỏn, nhiều đêm bé nhớ mẹ khóc đến xé lòng làm bà đau từng khúc ruột.

Để có tiền nuôi cháu, hằng đêm bắt đầu từ 19h tối, bà đặt đứa bé vào thùng xe ba gác và đẩy đi khắp các ngõ hẻm lượm ve chai. Bà cho biết, mỗi đêm như vậy cũng kiếm được từ 30 đến 50 ngàn đồng, đủ để hai bà cháu sinh hoạt trong một ngày. Hôm gặp PV Thanh Niên bên đống rác sát với bùng binh Cây Gõ (quận 6) vào khoảng hơn 12h khuya, bà bảo "đến đây mới đi được nửa đường". Trong thùng xe, một bé trai kháu khỉnh khoảng 2 tuổi đang ngủ ngon lành dưới những bao chất đầy ve chai.

Xóm trọ không ngủ

"Xóm trọ không ngủ" được hình thành bởi những người dân lao động đêm ở Sài Gòn. Công việc của họ bắt đầu rời khu trọ từ 3 giờ chiều và trở về trước lúc bình minh. Hình ảnh mà người dân thành phố thường thấy lúc quá nửa đêm (từ 1 giờ cho đến 3, 4 giờ sáng), trên một số tuyến đường như Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Phan Đình Phùng, Cộng Hòa, 3 Tháng 2... là từng tốp người đạp xe đạp, xe ba gác chất đầy ve chai đang hối hả trở về xóm trọ ổ chuột ở một số quận ven thành phố. Đa phần họ đến từ những miền quê như Bắc Ninh, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên...


Từng đoàn người lượm ve chai đang hối hả về xóm trọ lúc 3h sáng trên đường Nguyễn Oanh

Có mặt ở xóm trọ của những người lượm ve chai mà người dân sở tại thường gọi là "xóm ve chai không ngủ" (nằm sát với sông Vàm Thuật thuộc phường 15, quận Gò Vấp) vào một buổi sáng sớm cuối tháng 11 vừa qua, chúng tôi nhìn thấy: mới 6 giờ sáng nhưng bên một khúc sông bốc mùi hôi thối, kéo dài hàng trăm mét là cảnh người nhộn nhịp giặt từng bịch nilon trong dòng nước đen xì nhưng ai nấy đều hớn hở cười nói. Họ bảo, đó là thành quả của một đêm vất vả, cặm cụi đi lượm ve chai khắp thành phố mới có được. Đợi khi chúng khô là chủ hàng sẽ đến tận nơi thu mua với giá từ 6 đến 8 ngàn đồng cho một kg.

Vợ chồng anh Nguyễn Gia Đông (quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết, nghe nhiều người nói vào TP.HCM dễ làm ăn nên gia đình anh gửi con cho ông bà nội ngoại trông giữ, theo hàng trăm gia đình khác trong các xã, huyện lân cận vào thành phố thuê nhà trọ ở quận Gò Vấp (với giá 300 ngàn/phòng/tháng) kiếm sống. Gọi là nhà trọ nhưng nó hoàn toàn được dựng bằng tôn, và mỗi phòng chưa đầy 10m2. Hằng đêm bắt đầu từ 3, 4 giờ chiều ngày nắng cũng như ngày mưa, cả khu trọ với vài trăm người cùng phương tiện là xe đạp, cứ thế, họ đạp khắp các ngõ ngách ở một số quận trong thành phố lượm ve chai. Khi nào bốn cái bao loại 50 kg đầy ve chai thì cũng là lúc trời hửng sáng. Lúc đó, họ mới bắt đầu trở về xóm trọ, tiếp tục làm các công đoạn cuối là phân loại ve chai.

Khi những bịch nilon lượm được trong đêm đã giặt sạch thì cũng là lúc buổi trưa ào tới. Ăn vội chén cơm, nằm chợp mắt một chút là họ lại tiếp tục cho một đêm làm việc mới. Họ cho biết, mỗi đêm như vậy cũng kiếm được khoảng 30 đến 60 ngàn đồng. Hai vợ chồng anh Đông từ đầu năm đến giờ cũng đã để dành được trên 10 triệu đồng, anh định Tết này về sớm hơn so với những năm trước để sửa sang lại căn nhà đã xuống cấp. Thế nhưng, cách đây mấy hôm vợ chồng anh Đông và 7 người em khác cùng làm nghề ve chai phải về quê có việc gấp. "Có việc gấp là nguy rồi!" - một hàng xóm của anh Đông nói với giọng buồn buồn.

Cũng giống như "xóm ve chai", xóm "bắp dạo" nằm gần chợ Tân Trụ phường 15, quận Tân Bình có 26 phòng, mỗi phòng trung bình có 4 người và đều làm nghề bán bắp đêm dạo. Công việc của họ bắt đầu từ 3 giờ chiều cho tới 3, 4 giờ sáng. Phương tiện là xe ba gác đạp. Đồ nghề mang theo như bếp than, bếp gas, bắp, hột vịt, xoong nồi... nặng khoảng một tạ được chất vào thùng xe. Cứ thế, họ đạp xe không biết mỏi đi khắp các ngõ hẻm ở một số quận trung tâm thành phố để bán từng trái bắp, từng cái hột vịt lộn.


Xóm "bắp dạo" đang "lên đường"

Anh Phạm Đình Triển 40 tuổi, quê ở huyện Mỹ Đức, Hà Tây vào thành phố được 10 năm với nghề bán bắp dạo, cũng kiếm đủ tiền gửi về quê nuôi hai người con đang học phổ thông. "Năm nay chúng cuối cấp rồi, nếu sang năm chúng vào đại học, công việc bán bắp của mình sẽ phải đi sớm về trễ hơn". Anh Triển cho biết, mỗi đêm như vậy anh kiếm được khoảng 40 đến 60 ngàn đồng. Trừ tiền phòng, tiền ăn cũng để ra được 30 ngàn đồng cho một đêm vất vả. Hôm chúng tôi ghé căn phòng chưa đầy 10m2 của 4 anh em nhà anh Triển thuê với giá 400 ngàn đồng/tháng, bắp luộc, khoai luộc, hột vịt tràn ngập từ trong ra ngoài.

Mỗi khi Tết đến các xóm "không ngủ" có khoảng 1/4 người phải ở lại vì có hoàn cảnh khó hơn. Như vợ chồng chị Oanh "xóm bắp dạo" có 9 năm vào thành phố làm nghề bán bắp để gửi tiền về nuôi các con ăn học thì 8 cái Tết vợ chồng chị phải ăn Tết ở Sài Gòn. Chị Oanh bảo: "Không về quê được nhớ ông bà, nhớ con lắm, nhưng mình không về thì có thêm được ít tiền gửi về. Còn Tết ở đây cũng chẳng thiếu gì…". Còn vợ chồng anh Thuật ở "xóm ve chai" thì cũng đã 3 cái Tết không về quê rồi.

Nghe họ kể mới biết tuy những phận người tìm kế sinh nhai phải xa nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng hương vị mấy ngày Tết như bánh chưng, bánh gai, bánh mật... ở quê hương nhộn nhịp bao nhiêu thì ở "xóm bắp dạo" này cũng nhộn nhịp không kém và còn có phần vui hơn vì cả xóm cùng chung một nhà...

Bài, ảnh: Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.