Nếu tôi là thống đốc

19/12/2011 00:21 GMT+7

Những sinh viên (SV) vào vai thống đốc, phó thống đốc và các vụ trưởng Ngân hàng Nhà nước đưa ra những giải pháp nhằm ổn định nền kinh tế.

Những sinh viên (SV) vào vai thống đốc, phó thống đốc và các vụ trưởng Ngân hàng Nhà nước đưa ra những giải pháp nhằm ổn định nền kinh tế.

Đó là nội dung của vòng chung kết cuộc thi “Nếu tôi là Thống đốc Ngân hàng Trung ương” do Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM tổ chức vào sáng 17.12.

“Đây là sân chơi học thuật trí tuệ, giúp SV nâng cao kiến thức chuyên môn, chuyên sâu thông qua việc vận dụng kiến thức lý thuyết để giải quyết các tình huống thực tế đang diễn ra sôi động trên thị trường tài chính, đồng thời trau dồi và phát triển bản lĩnh, khả năng xử lý các tình huống phức tạp với việc trải nghiệm các vị trí quản lý cấp cao của Ngân hàng Trung ương, giúp SV rèn luyện và phát triển các kỹ năng mềm…”, TS Hoàng Công Gia Khánh, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, cho biết.

Mỗi đội thi với 5 thành viên sẽ tổ chức cuộc họp dưới sự điều hành của “thống đốc” để thảo luận, bàn bạc và giải quyết những tình huống mà các “đại biểu quốc hội” (là các thành viên trong ban giám khảo) đặt ra với nội dung sát với thực tế, mang tính thời sự nóng hổi, như: Làm thế nào để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam; những vấn đề liên quan đến chính sách lãi suất; chính sách tỷ giá hiện nay; vấn đề về quản lý hoạt động kinh doanh vàng… Những giải pháp và quyết định mà thống đốc đưa ra phải nằm trong quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước.

 
Một buổi họp của các thành viên trong “Ngân hàng Nhà nước” - Ảnh: N.T.N

Cuộc thi đã thu hút 81 đội tham gia đến từ nhiều trường ĐH, CĐ. Giải nhất thuộc về đội G3+2, nhóm SV Trường ĐH Kinh tế - Luật của “Thống đốc” Nguyễn Thanh Bình.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Dũng - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, đặt vấn đề: “Làm thế nào để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng an toàn, hiệu quả, tránh sự xáo trộn tâm lý của người dân”. “Thống đốc” Lê Nhật Huy - SV Khoa Tài chính - Ngân hàng chủ trì cuộc họp với các “Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ”, “Vụ Tín dụng”, “Vụ Dự báo thống kê tiền tệ”… với thời gian họp kín giới hạn và diễn biến cuộc họp được tường thuật trực tiếp đến tất cả khán giả tại hội trường. Sau khi tranh luận, “thống đốc” kiến nghị: “Cần phải đưa ra lộ trình cụ thể mới đảm bảo thành công, phải giãn cách thời gian từ năm 2012 đến 2015 thay vì từ năm 2012 đến hết 2013. Trong thời gian này, Ngân hàng Nhà nước sẽ dựa vào điều kiện thực tế của từng ngân hàng, đồng thời dựa vào những tiêu chuẩn quốc tế, tạo khung pháp lý hoàn thiện để thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập các ngân hàng. Trong thời gian sáp nhập, không để bất cứ ngân hàng nào đổ vỡ để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền…”.

Để thu hút lượng vàng của người dân, “Thống đốc” Nguyễn Thanh Bình (SV Khoa Tài chính - Ngân hàng) đưa ra giải pháp nên mở lại sàn vàng, tạo bình thông nhau giữa thị trường vàng Việt Nam và thế giới, theo đó giá vàng ở Việt Nam sẽ theo sát giá vàng thế giới. Đây sẽ là bước đệm để tạo nhu cầu cho việc phát hành chứng chỉ vàng được lưu thông một cách dễ dàng. Có như vậy mới thu hút được lượng vàng của người dân hiệu quả.

Trong cuộc thi, các “thống đốc” còn phân tích tác động của chính sách trần lãi suất huy động; tác động của việc kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng; các vấn đề thanh khoản của các ngân hàng Việt Nam…

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Quỳnh - Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận, thành viên ban giám khảo, nhận xét: “Các SV đã vào vai thống đốc xuất sắc, có sự tìm hiểu kỹ, cập nhật khá đầy đủ những vấn đề, diễn biến tài chính của Việt Nam trong thời gian qua nên trình bày những ý tưởng, giải pháp cụ thể. Có kiến thức rộng để bảo vệ chính kiến của mình”.

Nguyễn Thanh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.