Vì sao đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim ?

10/12/2005 14:43 GMT+7

Hiện nay các bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở các nước kinh tế phát triển và nhồi máu cơ tim (NMCT) là "tên giết người" số 1. NMCT là một bệnh cấp tính xảy ra do động mạch nuôi dưỡng tim bị tắc ở một nhánh nào đó. Một vùng cơ tim sẽ bị hoại tử không hồi phục vì máu không thể đến được. Nguyên nhân gây tắc mạch chủ yếu là xơ vữa động mạch, khiến động mạch hẹp dần rồi chít hẹp hoàn toàn. NMCT thường xảy ra ở nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ đã mãn kinh (sau 50 tuổi). Tuy nhiên, những người trẻ hơn cũng có thể bị và nam giới mắc nhiều hơn nữ giới.

Nguyên nhân gây NMCT

Nguyên nhân thường gặp nhất của NMCT là sự xuất hiện cục máu đông ở vùng động mạch vành đã xơ vữa, làm giảm đột ngột việc tưới máu mạch vành. Bệnh thường khởi đầu vào sáng sớm, khoảng 50% trường hợp xảy ra do gắng sức, căng thẳng tinh thần, bị bệnh nội khoa hay ngoại khoa. Bệnh xảy ra quanh năm, nhiều nhất là vào dịp cuối hoặc đầu năm, khi người ta tất bật hơn hoặc lo lắng, ăn uống, vui chơi quá mức.

Ngoài tuổi tác, các yếu tố làm tăng nguy cơ NMCT:

- Thiếu máu cơ tim, từng bị NMCT hoặc thực hiện các thủ thuật can thiệp mạch vành.

- Gia đình có người được chẩn đoán bệnh mạch vành trước 55 tuổi.

- Có một trong các bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ trong máu, nghiện rượu, tăng huyết áp, béo phì.

- Hút thuốc lá.

- Ít hoạt động thể lực.

Biểu hiện của cơn NMCT và cách phòng bệnh

- Chủ yếu là cơn đau thắt ở vùng ngực trái, đau như dao đâm vào ngực hoặc có ai bóp chặt quả tim, đau có thể lan lên vai, ra sau lưng, ra mặt trong cánh tay trái. Cơn đau kéo dài trên 15 phút mà không giảm sau khi nghỉ ngơi và điều trị giãn mạch đơn thuần. Có thể đau ở một số nơi khác nữa như cánh tay, lưng, cổ, hàm hoặc dạ dày.

- Thở nông: Thường đi kèm với đau ngực hoặc có thể xảy ra trước.

- Dấu hiệu khác: Đổ mồ hôi, buồn nôn, đau đầu nhẹ. Một số ít có cảm giác như sắp chết.

Các triệu chứng có thể xảy ra thoáng qua rồi mất, có người NMCT không hề có triệu chứng nào. Khi cơn nhồi máu xảy ra, bệnh nhân phải nằm yên tại chỗ và nhờ người gọi xe cấp cứu. Nếu có thuốc nitroglycerin hoặc trinitrin, ngậm dưới lưỡi một viên. Tuyệt đối không xoa bóp, đánh gió, giải cảm, không được tự mình đi bệnh viện vì sự gắng sức sẽ gây ra nhiều biến chứng hơn.

Bệnh NMCT phải điều trị dài ngày. Nếu không có biến chứng, sau 3-4 tháng, bệnh nhân có thể trở lại các công việc bình thường (không cố gắng về thể lực hoặc làm việc căng thẳng). Đối với bệnh nhân đã có nguy cơ, phải có biện pháp đề phòng tiến tới nhồi máu cơ tim:

- Ăn kiêng, chống béo phì, ăn nhiều rau và trái cây, hạn chế mỡ động vật.

- Bỏ thuốc lá ngay.

- Điều trị tốt các bệnh cơ bản: cao huyết áp, tiểu đường.

- Có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý như: không làm việc nặng đòi hỏi sự gắng sức quá mức, tránh tình trạng quá xúc động, vui quá hay buồn quá, tập đều đặn các môn thể dục không đòi hỏi sự gắng sức như đi bộ, dưỡng sinh... Nghiêm cấm tập những môn thể thao gây nguy hiểm như leo núi, nhào lộn từ trên cao...

Cách tốt nhất để hạn chế nguy cơ bệnh là phòng sớm chứng xơ vữa động mạch bằng cách khám sức khỏe thường xuyên, kiêng thuốc lá, rượu bia.

Phải bất động khi bị NMCT

Người bị NMCT phải tuyệt đối an tĩnh về mặt thể chất và tinh thần nhằm làm giảm tối đa gánh nặng cho tim, đặc biệt là vùng hoại tử. Thời gian nằm tại giường phải là 4-6 tuần, trong đó thời gian bất động hoàn toàn tối thiểu phải là 1 tuần. Ở trạng thái yên tĩnh, cơ tim chỉ đòi hỏi oxy và chất nuôi dưỡng tối thiểu, nên các mạch vành mới có khả năng cung cấp tạm đủ nhu cầu cho cơ tim.

Tập luyện để tránh tái phát NMCT

Những người bị NMCT rất dễ gặp lại tai biến này sau đó. Việc thực hiện thường xuyên các bài tập rèn sức bền sẽ thúc đẩy sự phát triển các mạch máu mới, giúp cho quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn và giảm được nguy cơ tái phát bệnh. Tập dưỡng sinh cũng là cách vận động phù hợp với người từng bị NMCT.

Tập luyện rèn sức bền với các bài đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ... có thể được áp dụng đối với những bệnh nhân mạch vành bị NMCT. Trong các bài tập rèn sức bền thì đi bộ nhanh là phương pháp phù hợp nhất đối với bệnh nhân sau NMCT vì cường độ vận động không lớn và dễ điều chỉnh liều vận động. Liều lượng tập luyện phù hợp nhất là đi bộ nhanh 5-7 buổi mỗi tuần, mỗi buổi 20-40 phút, tùy tình trạng sức khỏe. Nếu trong tập luyện xuất hiện cảm giác nặng ở ngực, đánh trống ngực, khó thở, mệt hay chóng mặt thì phải giảm tốc độ vận động hoặc ngừng tập ngay, đồng thời cần kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế.

TS Bùi Mạnh Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.