“Vua sòng bạc" - Sheldon Adelson

15/12/2009 15:43 GMT+7

(TNTS) Nếu tổng kết cuộc đời của tỉ phú Mỹ - Sheldon Adelson, 75 tuổi, người mà theo đánh giá của Forbes có khối tài sản 3,4 tỉ USD trong năm 2009 - thì chỉ gói gọn trong 2 từ: Trò chơi. Ông nói: Tiền không phải là vấn đề chính, chẳng qua là tôi thích những gì nóng bỏng, hồi hộp mà mình theo đuổi cả cuộc đời.

Phép mầu nhiệm 

Cuộc sống đôi khi có những kết thúc giống như trong mơ. Chẳng hạn, tại một nơi hẻo lánh xa xôi nào đó, một cậu bé nghèo được sinh ra. Cậu ta cũng không khác gì những bạn bè cùng trang lứa, đói kém, thất học và chỉ mơ ước kiếm được vài đồng tiền xu. Nhưng số phận lại như phép mầu nhiệm, cậu bé ấy đã trở thành ông chủ, mặc đồ vét sang trọng và có hàng tỉ USD. Ông chủ lớn ấy không phải lúc nào cũng có thể hiểu tỉ mỉ công việc mà nó đã mang đến sự giàu có cho ông ta. Mẫu người đó ứng với Sheldon Adelson - vốn xuất thân từ một gia đình người Ukraine sang Mỹ định cư. Adelson lớn lên trên các đường phố của trẻ bụi đời ở thành phố Boston (bang Massachusetts). Khi người ta hỏi Adelson: Bí mật thành công của ông? Nhà tỉ phú hầu như thất học này trả lời không cần suy nghĩ: “Hãy thay đổi hiện trạng và các anh sẽ vươn tới thành công”.    

Có lẽ, khi đã có hàng tỉ USD trong tay, Adelson mới cho phép mình mạnh miệng như thế, còn trên thực tế ông đã phải đồ mồ hôi sôi nước mắt ngay từ tuổi còn thơ. Đồng USD đầu tiên mà Adelson kiếm được là nhờ việc bán báo dạo trên vỉa hè. Nhưng rồi việc này nhanh chóng khiến cậu bé Adelson nhàm chán. Adelson nhận ra “lĩnh vực kinh doanh” này không có hệ thống và sau đó một tuần cậu bé tự thiết lập mạng lưới của mình. Adelson thuê những đứa trẻ bằng tuổi mình đi khắp các hang cùng ngõ hẻm để bán báo với điều kiện sẽ thu phần trăm trên từng tờ báo. “Nhà quản lý” theo dõi sát sao để mạng lưới không đình trệ, không thể ra khỏi nhà khách hàng mà không kết thúc việc mua bán báo. Thậm chí giờ đây, khi đã là tỉ phú, là ông chủ của nhà máy, của tàu vận tải, của nhiều sòng bạc… Adelson sẽ không đi ngủ nếu chưa hoàn tất công việc đã định. Tóm lại, để giải quyết khâu thiếu hụt thời gian, Adelson có cả một đội máy bay bao gồm cả máy bay đường dài và trực thăng. “Sở hữu những thứ này quả là tốn kém - Adelson  thừa nhận - nhưng tôi không thuộc loại vứt tiền qua cửa sổ”. 

Tài tiên tri

 

 Sòng bạc của Adelson tại Macau - Ảnh: AFP

Adelson đưa các kỹ thuật cao vào thế giới đỏ đen vào năm 1988, khi ông mua lại sòng bạc - khách sạn Sands tại Las Vegas. Nhận thấy nếu chỉ điều hành sòng bạc theo cách thông thường thì quả là tầm thường đối với Sin city (thành phố tội lỗi), nhà tỉ phú quyết định biến “thủ đô cờ bạc” thành trung tâm kinh doanh quốc tế, thu hút các doanh nhân giàu có. Không chỉ điều hành giỏi mà Adelson còn có tầm nhìn xa, trông rộng. Một trong những sự kiện đáng nhớ nhất trong đời Adelson khi ông đầu tư hằng tỉ USD vào công trình xây dựng casino - khách sạn The Venetian lớn nhất thế giới tại Macau, Trung Quốc. Đây mới đích thực là nơi thu hút các doanh nhân đến từ khắp nơi trên thế giới.

Nhân tiện cũng nói thêm, không phải ai cũng có thể hiểu được những ‘bước đi” của “nhà tiên tri” Adelson. Không phải đơn giản mà tự nhiên ông lại đầu tư vào The Venetian. Ngay cả Stanley Ho, trùm sòng bạc của Macau trước đây, người mà chỉ cách đây không lâu thâu tóm 70% doanh thu của các sòng bạc tại nơi này cũng không ngờ tới sự lấn tới của Adelson. Sau khi Macau được trao trả lại Trung Quốc, chính quyền nước này cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào sòng bạc và Adelson đã không bỏ lỡ cơ hội khi xây dựng The Venetian. Kết quả, doanh thu của Stanley Ho giảm xuống còn 50%.

Adelson đã nhìn thấy trước Macau chính là miền đất hứa. Vào năm 2006, khi các sòng bạc công bố báo cáo tài chính, thì mọi người mới nhận ra, Macau mới chính là “thủ đô đỏ đen” của thế giới. Trong khi 39 sòng bạc của Las Vegas đạt lợi nhuận 6,69 tỉ USD, chủ yếu bằng máy đánh bạc tự động, thì Macau với 24 sòng bạc kiếm được 6,87 tỉ USD, mà 65% trong số đó là từ các phòng casino - VIP. Các doanh nhân giàu có từ Trung Quốc đại lục không được phép đánh bạc, nên đã đến các casino - VIP ở Macau “thử vận”. Đầu tư vào Macau, nhưng với Adelson, Las Vegas vẫn chiếm vị trí quan trọng. Năm 2007, ông khởi công công trình khách sạn The Palazzo - khu nghỉ dưỡng thuộc hàng lớn nhất thế giới với 3.000 phòng nghỉ sang trọng.

Tôi là người hạnh phúc nhất

Quản lý các sòng bạc lớn, nhưng Adelson thú nhận ông rất ít khi chơi trò rulet, bởi đơn giản là ông không có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn. Ông nói mình là nhà kinh doanh nhìn xa trông rộng. Ở tuổi gần đất xa trời, ông vẫn thích nói về kế hoạch dài hạn để chinh phục thế giới.

Thưa ngài Adelson, người ta gọi ngài là “nhà tiên tri”. Ông đồng ý như vậy?

Chính xác hơn thì tôi là nhà kinh doanh nhìn xa trông rộng. Đây là phẩm chất và công việc mà tôi có thể làm tốt nhất. Tôi không suy đoán, mà tôi hiểu phải làm điều này như thế nào.

Ngài không bao giờ phạm sai lầm?

Cũng có vài lần không may mắn, nhưng tôi chưa bao giờ thất bại trong kinh doanh từ lỗi cá nhân của mình. Cũng có lần “hỏa hoạn” và sau đó thì hãng không thể hoạt động bình thường. Tôi buộc phải làm việc với các đối tác... Nhưng tựu trung những gì tôi làm luôn đem đến lợi nhuận.

Với ngài tiền, ý tưởng hay là hiện thực hóa ý tưởng, quan trọng hơn?

Với tôi quan trọng nhất là điều mình đạt được, kết quả hay tiền chỉ là tiêu chí để đo xem tôi thành công như thế nào trong kinh doanh.

Tại sao ngài lại tích cực đầu tư vào Đông Á và Đông Nam Á? Cả Las Vegas chẳng lẽ là ít với ngài sao?

Tại sao con người lại thích chinh phục các đỉnh núi? Bởi vì họ không còn thấy thú vị với cuộc sống bình lặng, yên ả. Họ chinh phục hết đỉnh cao này đến đỉnh cao khác để chứng tỏ mình với những người xung quanh và để thể hiện hết tiềm năng của mình. Để luôn giữ phong độ, tôi cần phải biết mình có thể làm được điều gì. Giờ đây, khi tôi có phương tiện, tôi có thể đạt được những kết quả tốt hơn trước đây khi mà tôi hoàn toàn tay trắng. Giờ đây hàng ngàn nhân viên vây quanh tôi. Tôi có kinh nghiệm, có các ý tưởng thú vị và có cả tài nhìn xa. Với tiềm lực như thế thì tại sao không chinh phục thêm một đỉnh cao nữa? Còn tại sao anh hỏi tôi đầu tư tiền vào kinh doanh ở Đông Á vào Đông Nam Á thì câu trả lời rất đơn giản: Tại khu vực này có hơn 3 tỉ người sinh sống. Tất cả họ là những “đấu thủ” tiềm năng.

Tôi rất tò mò muốn biết một tỉ phú như ngài có thấy mình là người hạnh phúc?

Tất nhiên tôi là người hạnh phúc nhất trong số những người tôi biết. Tôi có người vợ tuyệt vời, 5 người con. Tôi tích cực làm từ thiện. Cuộc sống như thế với tôi là quá tốt.

 Bảo Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.