Biến tướng lễ hội - Kỳ 7: Sàm sỡ, đánh nhau...

22/02/2013 03:20 GMT+7

Những yếu tố hỗn mang, phồn thực của lễ hội có thể là cớ để người dự hội lợi dụng đánh đòn trả thù cá nhân hoặc sàm sỡ.

>> Cảnh báo biến tướng lễ hội - Kỳ 6: Suồng sã với thần linh

Kể từ khi “ra sáng” năm 2010 tới nay, lễ hội Trò Trám - linh tinh tình phộc (Lâm Thao, Phú Thọ) đông hơn hẳn. Là một lễ hội phồn thực, yếu tố giao hòa âm dương đực cái là nét văn hóa thu hút của Trò Trám. Nó thể hiện ở lễ mật - trong đó người chủ lễ dùng hai linh vật gỗ tượng trưng cho hai biểu tượng giới tính đâm vào nhau. Lễ mật kết thúc sau tiếng hô “tháo khoán”, nam nữ trong hội được va chạm vào nhau. Trong lịch sử, những đứa trẻ sinh ra sau đêm hội được coi là may mắn của làng. Sự hấp dẫn này ngày càng tăng khi trước đó một thời gian dài, Trò Trám từng bị chụp mũ về đạo đức. Đặc biệt là với người trẻ, yếu tố âm dương khiến họ háo hức trẩy hội Trò Trám.

Chợ Chuộng - mượn lễ hội để đánh nhau quá tay là điều không nên
Chợ Chuộng - mượn lễ hội để đánh nhau quá tay là điều không nên - Ảnh: Ngọc Minh 

Đi hội mà... run

“Mãi tới năm nay tôi mới biết về lễ hội này. Vì thế tôi phải đi ngay”, Thu Huyền - một công chức 25 tuổi ở Hà Nội - cho biết.  Tuy nhiên, háo hức cũng đi kèm lo lắng. Bởi theo những gì Huyền được nghe trước khi dự hội, sau lễ mật trong miếu sẽ tới lễ của người dự hội. Khởi đầu bằng tiếng hô “tháo khoán”, những người dự lễ sẽ được đụng chạm vào nhau một cách mang màu sắc giới tính. “Tôi hơi lo nên phải nhờ bạn trai đi cùng để che chắn”, Huyền nói. Bản thân cặp nam nữ này cũng chỉ đứng ở vòng ngoài chứ không vào trong quá sâu, để nghe tiếng hô xong là chạy nhanh.

 

Văn hóa cũng có biến đổi. Chính vì thế, khi thực hành văn hóa không được lợi dụng nó. Thêm vào đó, cũng cần phải có những điều chỉnh hành vi cho phù hợp với nhận thức của xã hội

GS Ngô Đức Thịnh

Chính vì thế, Huyền cho biết chị hoàn toàn “an toàn”. “Hỏi chuyện, tôi thấy các bạn nữ khác cũng nói như tôi. Nhờ có người đi cùng che chắn và đứng ngoài một chút nên các bạn không sao cả. Có điều chúng tôi vẫn nghe tiếng la hoảng của một cô gái chừng ngoài hai mươi. Quả thực, hội quá đông nên nếu có người cố tình sàm sỡ cũng rất khó bắt tận tay”, Huyền nói.

Lễ hội chợ Chuộng tại huyện Đông Sơn, Thanh Hóa cũng khiến nhiều người cảm thấy sờ sợ khi tham gia. Theo quan niệm của người dân, việc đánh nhau tại phiên chợ này càng to thì năm đó bà con làm ăn càng thuận lợi, may mắn. Tuy nhiên, hiện nay phiên chợ đã có biến tướng khi các nhóm thanh niên làng lân cận đợi đến ngày đó để trả thù nhau. Tại hội chợ Chuộng năm vừa rồi, vẫn có người dùng gậy quật túi bụi vào nhóm thanh niên khác làng. Tuy lực lượng bảo vệ đã can thiệp song chưa biết mối bất hòa này liệu đã thực sự được hòa giải hay chưa.

Một hội theo kiểu tranh, cướp, đánh nhau này cũng khiến người dự e ngại năm nay là hội đả cầu cướp phết đầu năm tại đình Đông Lai, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Trong cuộc tranh cướp, thậm chí cửa kính trụ sở chính quyền đã bị đập vỡ.

Thay đổi nhận thức

Theo GS Trần Lâm Biền, yếu tố mất trật tự - hỗn mang của các hội trên là có nguyên do văn hóa của nó. Nó xuất phát từ đồng nhất thời gian của năm với thời gian lịch sử, trong đó thời kỳ hỗn mang không có trật tự. Cho nên những lễ hội đều có tiết mục hỗn độn sau đó chấm dứt hỗn độn để đi vào trật tự. Hơn nữa, nói như GS Ngô Đức Thịnh: “Văn hóa cũng có biến đổi. Chính vì thế, khi thực hành văn hóa không được lợi dụng nó. Thêm vào đó, cũng cần phải có những điều chỉnh hành vi cho phù hợp với nhận thức của xã hội”.

Một trong những lễ hội đã có biến đổi nhất định để phù hợp với thay đổi của xã hội là hội pháo Đồng Kỵ, Bắc Ninh. Trước đây, hội pháo từng có tục thi pháo. Theo đó, làng làm ra quả pháo rất to, tuyệt đẹp. Người dân dùng những quả pháo tép ném vào để đốt bằng được quả pháo đó. Tuy nhiên, khi pháp luật quy định không đốt pháo nữa, nét văn hóa này đã được chuyển hóa. Quả pháo lớn giờ được thay bằng hai quả pháo to bằng gỗ, chạm trổ lân ly quy phượng. Nhờ đó, bà con vẫn tiếp tục rước pháo nhưng không đốt quả pháo này. Hoài tưởng về pháo của làng chuyên làm pháo này vẫn còn, truyền thống vẫn được lưu giữ nhưng không vi phạm pháp luật.

Một tập tục khác cũng thay đổi chút ít để phù hợp hơn với xã hội là hội rước lợn ở Tiên Du, Bắc Ninh. Theo truyền thống, nhiều người sẽ cùng chém chú lợn đã được chọn để tưởng nhớ việc làng từng giết lợn giúp binh lính đánh giặc qua đây. Tuy nhiên, do sợ gây phản cảm nên năm nay lợn sau khi được đưa ra sân đình không còn bị chém nữa, thay vào đó là cắt tiết làm cỗ dâng cúng.

Chính nhờ ý thức của những người giữ hội mà lễ hội trở nên hợp thời đại mà vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống. Rõ ràng, cần có biện pháp tuyên truyền để không còn việc lợi dụng truyền thống gây rắc rối như đánh nhau hay sàm sỡ nữa.

Trinh Nguyễn

>> Trả lễ hội về đúng với ý nghĩa của nó
>> Đối đầu trong lễ hội
>> Biến tướng lễ hội - Kỳ 2: “Quan hóa”
>> Không còn cảnh lộn xộn ở lễ hội chùa Hương Tích

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.